Thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh":

Để "làm theo" gương Bác thực sự có hiệu quả

Cập nhật lúc 10:05, Thứ Năm, 27/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" như một luồng sinh khí mới thổi vào đời sống của cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong toàn Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh; được các tổ chức cơ sở đảng cụ thể hoá gắn với phong trào hành động cách mạng của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể; được cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động hưởng ứng nghiêm túc và sôi nổi.

Cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động trong toàn Đảng bộ Khối đều nhận thức được rằng: "học tập" và "làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là hai quá trình diễn ra song song; từ "học tập" để chuyển biến thành hành động, để vận dụng "làm theo” một cách có hiệu quả.

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, sau các hoạt động học tập thì ở một số cấp uỷ, Cuộc vận động đang có phần lắng lại, phong trào "làm theo” trong cán bộ, đảng viên, ở một số ít tổ chức cơ sở đảng chưa thực sự rõ nét, nặng về hình thức, nhẹ về hiệu quả. Có những cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động chưa tự xây dựng cho mình ý thức "làm theo” một cách cụ thể. Để khắc phục những hạn chế trên, nhằm đưa phong trào "làm theo" tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thực sự có hiệu quả, ngoài vai trò chỉ đạo của cấp uỷ thì cần hơn hết vai trò hạt nhân của mỗi cán bộ, đảng viên.

Thứ nhất, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong phong trào "làm theo" để làm gương cho quần chúng noi theo. Việc "làm theo" phải xuất phát từ ý thức tự nguyện chứ không thể áp đặt;  chỉ khi tự mỗi cá nhân nhận thấy mình còn khiếm khuyết điều gì, còn hạn chế mặt gì, thấy ở cương vị công tác của mình cần học điều gì, cần vận dụng những gì trong tư tưởng, tấm gương đạo đức, những lời dạy của Bác, thì việc làm theo mới có hiệu quả.

Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định rằng làm theo gương Bác, chúng ta cần làm những gì và làm như thế nào? Đây có lẽ là băn khoăn và lúng túng của nhiều cán bộ, đảng viên. Điều này tuỳ thuộc vào cách hiểu, cách nhìn nhận của mỗi người song những nội dung bao trùm, chung nhất về tấm gương đạo đức của Bác mà mọi người có thể "làm theo" đó là đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần phê bình và tự phê bình, là ý thức chống tham ô, lãng phí và quan liêu; chống chủ nghĩa cá nhân; sửa đổi lối làm việc, tinh thần, thái độ, trách nhiệm làm việc để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tấm lòng yêu thương con người, đức tính giản dị...

Tuy nhiên, việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác phải tránh sự áp đặt một cách sáo rỗng, phi thực tế dẫn đến phản tác dụng. Bởi vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định được rằng ở cương vị của mình, với đơn vị thì cần "học tập" điều gì và "làm theo" như thế nào để đạt kết quả.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, đòi hỏi mỗi người phải thực sự năng động, nhạy bén và sáng tạo để tự đổi mới mình nhằm phù hợp với xu thế phát triển. Vì vậy, "làm theo" gương Bác không nhất thiết và không thể áp đặt mình vào những gì Bác đã làm trong thời điểm lịch sử cách đây mấy mươi năm, chẳng hạn phải giống hệt Bác là mặc áo đã sờn vai, đi dép cao su mòn đế, mỗi bữa ăn phải dành từng nắm gạo bỏ vào hũ gạo tiết kiệm... Mà học tập Bác ở đây là học ý thức thực hành tiết kiệm, học cách biết chia sẻ quan tâm tới mọi người xung quanh.

Thứ ba, các tổ chức cơ sở đảng phải có kế hoạch xây dựng các phong trào "làm theo" phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình gắn với các chỉ tiêu thi đua hàng năm để động viên cán bộ, đảng viên thực hiện.

Thứ tư, là sự nêu gương của người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cho cán bộ, nhân viên trong thực hiện phong trào "làm theo". Họ phải là những người tiên phong, gương mẫu, "đứng mũi, chịu sào". Thực tế cho thấy, ở đâu, bất cứ lĩnh vực nào, cán bộ, nhân viên thường nhìn vào thái độ, trách nhiệm và cả hành động của lãnh đạo để điều chỉnh hành vi của mình.

Trong một cơ quan, thủ trưởng, lãnh đạo nghiêm túc, hết mình vì công việc, điều hành tổ chức các hoạt động một cách trôi chảy, điều hoà mọi mối quan hệ một cách có lý, có tình thì sẽ tạo nên một tập thể lành mạnh, đoàn kết và có tinh thần trách nhiệm với công việc. Một người lãnh đạo có ý thức tiết kiệm chi tiêu và sử dụng tài sản chung, quan tâm, gần gũi cán bộ, nhân viên sẽ tạo nên một môi trường mà mọi người luôn biết tiết kiệm cho tập thể, biết yêu thương, chia sẻ lẫn nhau. Ở một cơ quan, đơn vị mà người đứng đầu luôn nhìn nhận vấn đề, sự việc một cách phân minh, không mang tư tưởng cá nhân, cục bộ, có cách đánh giá, sử dụng cán bộ hợp lý... thì sẽ tạo cho mọi người  động lực để phấn đấu hết mình vì công việc, vì tập thể.

Thứ năm, phát huy kết quả và những kinh nghiệm rút ra qua tổng kết 04 năm thực hiện Cuộc vận động, căn cứ Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", các kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên để tổ chức triển khai các nội dung "học tập" và "làm theo" phù hợp với ngành, lĩnh vực hoạt động của mình. Đặc biệt, đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp.

Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các tổ chức cơ sở Đảng trong việc xây dựng các tiêu chí "làm theo"; đưa nội dung học tập và làm theo gương Bác vào sinh hoạt chi bộ định kỳ, thảo luận trong chi bộ để tìm ra các giải pháp, hình thức "làm theo" phù hợp.

Chú trọng việc kiểm tra, giám sát việc cán bộ, đảng viên, công chức thực hiện các chuẩn mực theo tấm gương đạo đức của Bác và xây dựng tiêu chí đánh giá, biểu dương, khen thưởng hàng năm; xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với đặc thù của từng ngành để cán bộ, đảng viên, công chức "làm theo" có hiệu quả.

                                                                                                 Tuyết Nga

,
.
.
.