Đảng bộ Quảng Ninh với công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ

Cập nhật lúc 09:13, Thứ Hai, 31/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 42 -NQ/TW và Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Huyện uỷ Quảng Ninh đã triển khai thực hiện và tổ chức quy hoạch cán bộ, luân chuyển đúng nghị quyết và hướng dẫn của Trung ương, tạo được sự chủ động, có tầm nhìn chiến lược trong công tác cán bộ, khắc phục tình trạng hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đồng thời bảo đảm tính kế thừa, phát triển giữa các thế hệ cán bộ, giữ vững đoàn kết nội bộ và ổn định chính trị.

Theo đó, từ năm 2006 đến nay, ở Quảng Ninh có 27 cán bộ được bổ nhiệm giữ chức trưởng, phó phòng, ban cấp huyện và tương đương. Từ năm 2004 đến nay, có 3 cán bộ tỉnh luân chuyển về huyện, trong đó có 1 Bí thư Huyện ủy, 1 Phó Chủ tịch UBND huyện, 1 Trưởng Công an huyện. Các ngành thuộc tỉnh quản lý cũng luân chuyển cán bộ về huyện như Chi cục trưởng Chi cục Thuế, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân huyện... Cán bộ luân chuyển từ huyện về xã, thị trấn có 11 đồng chí, trong đó có 10 đồng chí giữ chức bí thư đảng ủy và 1 đồng chí giữ chức chủ tịch UBND xã.

Cán bộ luân chuyển giữa các phòng, ban, cơ quan Đảng, đoàn thể cấp huyện có 8 đồng chí và cán bộ luân chuyển từ xã lên huyện giữ các chức vụ trưởng, phó phòng, ban cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận gồm 7 đồng chí, trong đó có 6 đồng chí là chủ tịch UBND xã và 1 đồng chí là bí thư đảng ủy xã.
Nhờ làm tốt công tác tư tưởng nên những cơ quan, đơn vị có cán bộ điều động, luân chuyển đến đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ luân chuyển tiếp cận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo sự chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực và giữ vững ổn định, đoàn kết nội bộ.

Nhìn chung các đồng chí được luân chuyển đã phát huy phẩm chất đạo đức, năng lực công tác góp phần tích cực giúp các địa phương, đơn vị ổn định tổ chức bộ máy, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chính trị, được cán bộ và đảng viên đồng tình, ghi nhận. Qua thời gian luân chuyển, hầu hết các đồng chí được tôi luyện về phẩm chất chính trị, kỹ năng chuyên môn, có kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc. Sau quá trình luân chuyển, cán bộ được bầu vào các chức vụ chủ chốt của huyện với sự tín nhiệm cao. Hiện nay, đội ngũ cán bộ này đang phát huy tốt vai trò lãnh đạo quản lý của mình, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ chính trị chung của huyện.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, huyện Quảng Ninh còn một số hạn chế, bất cập như: một số đơn vị cơ sở còn tỏ ra lúng túng, chấp hành chưa tốt nguyên tắc, phương châm quy hoạch; việc xây dựng quy hoạch còn khép kín trong tổ chức, ngành, đơn vị mình, tỷ lệ cán bộ nữ, trẻ dưới 35 tuổi, người dân tộc thiểu số trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý còn hạn chế. Chưa mạnh dạn luân chuyển cán bộ trẻ, nhận thức về công tác luân chuyển của một bộ phận cán bộ, đảng viên nơi cán bộ luân chuyển đến chưa đúng đắn nên sự đồng tình chưa cao, việc bố trí, sắp xếp cán bộ cấp xã khi có cán bộ luân chuyển đến còn gặp khó khăn, bất cập, cơ quan đơn vị có cán bộ luân chuyển đi không được bổ sung thêm biên chế nên thiếu cán bộ, ảnh hưởng đến nhiệm vụ công tác...

Trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Quảng Ninh tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ các cấp, các ngành, bảo đảm sự chủ động, có cơ cấu hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; thực hiện tốt chủ trương luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, các ngành, đưa công tác này trở thành nền nếp, thường xuyên của công tác xây dựng Đảng; đồng thời tiếp tục có cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở và thu hút nhân tài về công tác tại địa phương, chú trọng quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc Vân Kiều.

                                                                                                                      H.N.K

,
.
.
.