.
Chuyện quản lý:

"Đau đầu" giải quyết nợ đọng xây dựng nông thôn mới

Thứ Tư, 13/12/2017, 08:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2016-2020, trong năm 2017, toàn tỉnh có thêm 9 xã cán đích khi đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Thành quả này đã nâng số xã đạt NTM trên địa bàn tỉnh lên con số 53, chiếm 38,9% số xã, phường, thị trấn.

Không thể phủ nhận, khi đạt chuẩn NTM, bộ mặt của các địa phương này đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM lại phát sinh một vấn đề làm “đau đầu” các nhà quản lý, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thi công, đó là hiện tượng nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB).

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, tính đến cuối tháng 1-2017, tổng nợ XDCB trên địa bàn các xã là gần 360 tỷ đồng. Trong đó, nợ XDCB từ các dự án sử dụng vốn hỗ trợ trực tiếp của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là gần 146 tỷ đồng và nợ XDCB liên quan trên 213 tỷ đồng.

Đặc biệt, có thời điểm nợ đọng của các xã đạt chuẩn NTM chiếm 37,31% số nợ toàn tỉnh. Do vậy, để giải quyết vấn đề này, các địa phương ngoài nguồn của xã, huyện và của tỉnh phải bố trí nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ... để xử lý nợ đọng.

Mới đây, để giải quyết dứt điểm vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp xử lý nợ đọng XDCB nguồn vốn đầu tư công, trong đó có chương trình tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Như vậy, các chủ đầu tư, các địa phương phải căn cứ vào trách nhiệm trả nợ để cân đối, bố trí vốn đầu tư trong kế hoạch trung hạn, giai đoạn 2016-2020 của cấp mình và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện xử lý dứt điểm nợ đọng XDCB.

Để tạo thêm nguồn lực, các địa phương chủ động khai thác quỹ đất nhằm tạo nguồn thu để... trả nợ, riêng huyện Minh Hóa, các xã 135, bãi ngang phải lồng ghép trả nợ XDCB từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2017-2020.

Ngoài ra, các đơn vị liên quan sẽ tăng cường công tác quản lý đầu tư, thẩm định chặt chẽ về chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án. Đối với nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và của tỉnh hỗ trợ xây dựng NTM, giai đoạn 2017-2020, UBND cấp huyện là đầu mối trong việc quản lý, đề xuất danh mục bố trí vốn.... để thống nhất trong việc lồng ghép các chương trình.

Bước sang năm 2018, toàn tỉnh tiếp tục phấn đấu có thêm 9 xã đạt chuẩn NTM, đưa số xã đạt chuẩn lên 62, chiếm 45,5% số xã trên địa bàn.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là không chỉ tăng về số lượng xã đạt chuẩn NTM mà còn phải nâng cao và cân đối chất lượng của 19 tiêu chí. Qua đó, tỉnh mới tránh được hiện tượng chỉ tập trung vào lĩnh vực XDCB để rồi cạn kiệt nguồn lực và làm mất đi cơ hội đạt chuẩn NTM của địa phương.

Minh Văn