.

Tận diệt chim trời

Thứ Ba, 14/11/2017, 09:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Vào mỗi mùa mưa bão hàng năm, những đàn chim, cò di cư từ hướng biển bay vào các cánh đồng để tránh bão và tìm kiếm thức ăn. Đây cũng là lúc những thợ bẫy chim bắt đầu đánh bắt. Chính vì thế, chim trời ngày càng khan hiếm, ảnh hưởng đến hệ cân bằng sinh thái...

Dạo một vòng quanh thành phố Đồng Hới mùa này không khó để bắt gặp cảnh người dân chào bán công khai các loại chim trời, nhất là ở các chợ, ngã ba, ngã tư đường. Chim to, chim nhỏ, đủ loại từ se sẻ, gà đồng, cuốc nước đến vạc, cò... được bày bán.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi con cò nhập tại đồng cho thương lái có giá từ 20.000-25.000 đồng/con; chim chiền chiện 4.000 đồng/con; chim én 3.000-4.000 đồng/con; chim sẻ 5.000-6.000 đồng/con; chim cuốc từ 40.000-75.000 đồng/con...

Chị Nguyễn Thị Phương, một tiểu thương ở chợ Nam Lý (TP. Đồng Hới) cho biết, vào mùa này, trung bình mỗi ngày, chị bán được gần trăm con chim. Vì chim trời là thực phẩm sạch, tự nhiên, nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Rất nhiều các loại chim trời được bày bán trên địa bàn TP. Đồng Hới.
Rất nhiều các loại chim trời được bày bán trên địa bàn TP. Đồng Hới.

Anh Phạm Văn Hải, thôn Tây B, xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy, một thợ bẫy chim nghiệp dư cho biết, tùy theo từng loại chim để người dân có cách đánh bắt khác nhau. Các loại như cò, vạc thì dễ bắt vào buổi sáng sớm, khi cò, vạc rời tổ đi tìm mồi. Lúc đó, vì đói nên chúng dễ bị dụ khi thấy đồng loại ở bên dưới kêu gọi bầy.

Việc bẫy cò khá đơn giản, người săn dùng những cành tre đã quết lớp nhựa dính cắm một đầu xuống đất, làm thêm một ít con cò giả bằng xốp trắng và một vài con cò thật bị cột chân bằng sợ dây dài để nhử chim cò thật bay xuống hoặc dùng lưới giăng sẵn. Khi thấy đồng loại kêu thất thanh, đàn cò sẽ sà xuống, lập tức dính nhựa hoặc dính bẫy lưới.    

Đối với các loài chim khác, như: cuốc, gà rừng, chim sẻ, cu đất..., thợ săn sử dụng bẫy sập. Chỉ cần từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng đã có thể mua một bộ bẫy sập để đánh bắt chim. Bẫy sập gồm một đoạn lưới rộng 2-3m, dài 20-30m hoặc dùng 2-3 đoạn lưới ngắn hơn, tùy theo mục đích bắt chim gì. Sau đó, người ta dùng tiếng chim đã được thu lâm ại rồi dụ con mồi đến sập bẫy. Mỗi lần đánh bằng bẫy sập như thế có thể bắt đến hàng chục con chim.

Theo như nhiều thợ bẫy chim, những loài chim mà họ đánh bẫy không thuộc loài quý hiếm hay cấm đánh bắt, vì thế chưa một ai bị các cơ quan chức năng nhắc nhở hay xử phạt. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trịnh Minh Long, Phó phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, hiện nay, công tác bảo tồn thiên nhiên được Chi cục chú trọng, tuy nhiên, do các quy định bảo tồn các loại chim trời vẫn còn chung chung nên gây khó khăn trong việc quản lý, xử phạt. Theo ông biện pháp chủ yếu là tuyên truyền, vận động người dân.

Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương và chính sách bảo vệ các loài động vật hoang dã, bảo đảm đa dạng sinh học của môi trường thiên nhiên. Ngày 29-5-1996, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 359/TTg “Về những biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã”.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với các ngành, các cấp chỉ đạo chặt chẽ việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép động vật hoang dã, quý hiếm, các loại chim cảnh bắt từ tự nhiên, đặc biệt là các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật, từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thế nhưng, hiện nay, thực trạng bẫy, bắn chim vẫn đang diễn ra sôi động trên địa bàn tỉnh trong khi các cơ quan chức năng đang thiếu sự quyết liệt trong việc xử lý. Bên cạnh đó, việc hủy diệt những loài chim đồng nghĩa với viêc hủy diệt môi trường sống làm mất cân bằng sinh thái. Các ngành chức năng cần sớm có giải pháp ngăn chặn đối với hành vi bẫy, bắn chim để bảo tồn loài chim trời khỏi sự hủy diệt của con người.

Tháng 12-2013, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra thông báo, virus cúm A H7N9 xuất hiện tại Trung Quốc đã khiến 102 ca nhiễm, trong đó có 20 ca tử vong. Tổ chức này cũng khẳng định, H7N9 xuất hiện từ gia cầm, chim di trú có thể lây lan rộng trên toàn cầu. Các chuyên gia về y tế cảnh báo các loài chim di trú là tác nhân lây truyền các dịch bệnh lan rộng một cách nhanh nhất.

Phạm Hà