.

Nhìn lại 4 năm thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012

Thứ Năm, 30/11/2017, 11:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Bộ luật Lao động năm 2012 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3, có hiệu lực thi hành vào ngày 1-5-2013. Sau hơn 4 năm thực hiện, bên cạnh hiệu quả đạt được, bộ luật này vẫn còn tồn tại những vướng mắc cần phải sửa đổi.

Những kết quả đạt được

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch-Đầu tư, hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 5.079 doanh nghiệp. trong đó, có 2.907 doanh nghiệp tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Sau khi Bộ luật Lao động năm 2012 được triển khai, dưới sự giám sát của các cấp công đoàn, nhiều nội dung của Bộ luật Lao động như: quy định về tiền lương, thời gian làm việc, an toàn vệ sinh lao động, chính sách với lao động nữ đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện.

Đối với quy định về tiền lương, thời gian nghỉ ngơi, qua khảo sát 85 doanh nghiệp cho thấy, thu nhập bình quân của người lao động là 3,9 triệu đồng.

Về thời gian làm việc, năm 2016, có 95% doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc không quá 48 giờ, trong đó, nhiều doanh nghiệp đã quy định ngày nghỉ hàng tuần; 88,6% doanh nghiệp huy động làm thêm giờ không vượt quá số giờ quy định; 83% doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ việc nghỉ, lễ, tết, nghỉ việc riêng.

Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp đã tuân thủ các quy định về xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động để báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện, cấp tỉnh.

Về thực hiện các quy định an toàn, vệ sinh lao động, nhìn chung các doanh nghiệp đã tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động như xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động hàng năm; lập phương án về các biện pháp an toàn khi xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo các công trình, cơ sở sản xuất...

Các nội dung của Bộ luật Lao động năm 2012 đã được nhiều doanh nghiệp chấp hành tốt.
Các nội dung của Bộ luật Lao động năm 2012 đã được nhiều doanh nghiệp chấp hành tốt.

Thời gian qua, các cấp công đoàn đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra công tác vệ sinh an toàn lao động hàng năm của một số doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, có khoảng 70% doanh nghiệp xây dựng kế hoạch an toàn vệ sinh lao động hàng năm; 62,5% doanh nghiệp thành lập bộ phận an toàn vệ sinh lao động, đồng thời bố trí cán bộ làm công tác an toàn, bán chuyên trách. Ngoài ra, việc hướng dẫn quy trình kỹ thuật  cho người lao động trước khi làm việc và trang bị áo quần bảo hộ lao động được các doanh nghiệp quan tâm hơn trước.

Qua khảo sát 85 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, có 1.818/ 2.743 người được bồi dưỡng nặng nhọc, độc hại, đạt 66,27%. Về trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, có 2.292/2.743 người được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, đạt 83,55%.

Đối với việc thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 về đối thoại nơi làm việc, thương lượng, thỏa ước lao động tập thể, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã tập trung chỉ đạo các công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp chú trọng đối thoại nơi làm việc, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp có tổ chức chức công đoàn đã chủ động đối thoại, thương lượng tập thể để ký kết thỏa ước lao động tập thể ở các doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng năm 2017, đã có 65 doanh nghiệp tổ chức đối thoại nơi làm việc và 118 doanh nghiệp đã ký kết thỏa ước lao động tập thể. Nội dung một số bản thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp đã có những thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật như giảm giờ làm việc trong tuần, tăng số ngày nghỉ vì việc riêng, tổ chức đi tham quan, nghỉ mát...

Cùng với việc triển khai thực hiện các nội dung của Bộ luật Lao động năm 2012, thì chính sách đối với lao động nữ cũng được triển khai đến từng doanh nghiệp. Theo số liệu điều tra, đến đầu năm 2016, số lao động nữ làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 10.972 người, chiếm 25,99% tổng số lao động.

Phần lớn các doanh nghiệp đã triển khai thực hiện các chính sách đối với lao động nữ như bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương. Một số doanh nghiệp đã bố trí buồng vệ sinh phù hợp, ít sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và công tác xa khi lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. 

...và những vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012 ở các doan nghiệp cũng còn nhiều vướng mắc. Đồng chí Nguyễn Xuân Thạch, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết: Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012, nhiều nội dung cần được điều chỉnh để quyền lợi của người lao động được bảo vệ như: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nợ BHXH, trong đó nguyên nhân là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Có doanh nghiệp làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản, giải thể. Khi doanh nghiệp nợ BHXH, kể cả trường hợp đã chuyển đến doanh nghiệp khác làm việc nhưng doanh nghiệp trước vẫn còn nợ thì người lao động không được giải quyết các chế độ BHXH, BHTN, BHYT.

Bộ luật Lao động 2012 vẫn chưa có quy định để giải quyết chế độ cho người lao động làm ảnh hưởng đến quyền lợi của  họ. Đặc biệt, việc thực hiện quyền, trách nhiệm của công đoàn đại diện cho tập thể lao động khởi kiện tại tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm thì đại diện người lao động khởi kiện tại tòa án.

Tuy nhiên, việc thực hiện quyền này rất khó, nhất là việc khởi kiện ra tòa đối với đơn vị nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BHTN của tổ chức công đoàn còn nhiều vướng mắc về trình tự thủ tục khởi kiện. Ngoài ra, tại Điều 38 của Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, người sử dụng lao động được quyền chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động ốm đau dài ngày.

Trong khi đó, theo danh mục của Bộ Y tế quy định, khi người lao động tham gia BHXH ốm đau dài ngày thì được hưởng chế độ BHXH. Bên cạnh đó, hiện nay, một số doanh nghiệp ký hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng giao khoán, hợp đồng đại lý... để tránh đóng BHXH cho người lao động. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động không cấm ký kết các loại hợp đồng này nên không có căn cứ để xử phạt...

Đ.Nguyệt