.

Lặng thầm nghề quản trang

Chủ Nhật, 05/11/2017, 09:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiến tranh đã lùi xa…, nhưng vẫn có những con người đang ngày đêm lặng thầm canh “giấc ngủ” bình yên cho các vong linh liệt sỹ. Với họ, đó như một cách tri ân những người con ưu tú của non sông đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc. Họ chính là những người quản trang tại các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ.

Lặng thầm cống hiến

Một ngày của ông Lê Quang Trung ở thôn 8, Lý Trạch (Bố Trạch) bắt đầu với những công việc lặng lẽ không tên. Người dân quanh khu vực Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc dường như đã quá quen thuộc với những tiếng chổi đều đặn, dáng hình lặng lẽ của ông vào mỗi bình minh. Đã hơn 8 năm nay, ngày nào cũng vậy, người cựu chiến binh ấy vẫn thầm lặng với công việc quản trang tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc.

Trong tiết trời se lạnh của buổi sáng tháng 10, khi chúng tôi đến, vẫn như mọi ngày, ông Trung đang quét dọn khuôn viên nghĩa trang. Nhìn cách người quản trang ấy nhẹ nhàng nhặt từng chiếc lá trên các phần mộ, tỉ mẩn cắt tỉa các cây cảnh, chúng tôi phần nào cảm nhận được ý nghĩa của công việc này đối với ông.

Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc hiện có 3.000 phần mộ liệt sỹ khắp mọi miền đất nước, trong đó có đến khoảng một nửa là mộ liệt sỹ vô danh. Trước đây, quản trang ở đây có hai người nhưng hiện tại chỉ còn ông Trung, nên công việc dường như cũng vất vả hơn. Khuôn viên rộng với hàng ngàn phần mộ nên hầu như ngày nào ông dậy từ tờ mờ sáng để kịp dọn dẹp, chuẩn bị mọi thứ cho đến lúc nghĩa trang phong quang, sạch đẹp mới thôi. Đặc biệt, trong các dịp lễ, tết, các phần mộ, khuôn viên nghĩa trang phải được dọn dẹp gọn gàng, sạch đẹp hơn ngày thường để đón gia đình các liệt sỹ, đoàn thể, chính quyền đến thăm viếng. Có bàn tay chăm sóc của ông, những ngôi mộ liệt sỹ luôn sạch sẽ, ấm áp.

Vốn là một cựu chiến binh, gắn bó với công việc quản trang, ông Trung luôn coi việc “canh giấc” cho các đồng đội đã ngã xuống là trách nhiệm thiêng liêng, là niềm hạnh phúc của những ngày tháng tuổi già. “Chứng kiến cảnh những thân nhân liệt sỹ lên thăm viếng, cảm nhận được nỗi lòng thầm kín của họ khi thắp nén nhang cho các liệt sỹ, tôi luôn tự hứa với lòng mình sẽ chăm sóc phần mộ của các anh chu đáo hơn nữa để gia đình các liệt sỹ được ấm lòng và các anh yên nghỉ thanh thản”, ông bộc bạch.

 CCB Phan Văn Xuân và vợ ở thôn Đông Đức, xã Đức Trạch đang lau chùi các phần mộ tại nghĩa trang liệt sỹ xã.
CCB Phan Văn Xuân và vợ ở thôn Đông Đức, xã Đức Trạch đang lau chùi các phần mộ tại nghĩa trang liệt sỹ xã.

Hơn 11 năm“canh giấc” cho các liệt sỹ tại nghĩa trang xã nhà, trừ những lúc đau ốm, chưa ngày nào ông Phan Văn Xuân (1956) ở thôn Đông Đức, xã Đức Trạch (Bố Trạch) quên nhiệm vụ làm đẹp cho khuôn viên nghĩa trang cũng như những phần mộ tại đây. Con đường từ nhà ra nghĩa trang như đã quen với bước chân của người quản trang tận tụy ấy. Ngày nào cũng thế, bất kể nắng mưa, ông cũng ra quyét dọn nghĩa trang, lau chùi cho các phần mộ. Với ông, đó không chỉ là bổn phận, trách nhiệm mà còn là niềm tự hào bởi “ba đời làm nghề quản trang”.

Sinh ra trong một gia đình cách mạng, năm 21 tuổi, ông Xuân tình nguyện nhập ngũ, đầu quân vào đơn vị Lữ đoàn 101, vùng 5 Hải quân, đóng ở Phú Quốc. Là một lính thủy đánh bộ tham gia chiến đấu ở đảo Hòn Nước (Campuchia), chứng kiến bao tấm gương hy sinh anh dũng của đồng đội, nỗi đau thương, mất mát của những gia đình có người thân ngã xuống, ông càng thấm thía cái giá của hòa bình, nghĩa cử cao đẹp của những người đã dâng hiến tuổi xuân cho đất nước. Thế nên, khi xuất ngũ về địa phương, vài năm sau ông nối gót cha mình (trước đó là ông nội) chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ xã. Từ đó đến nay, người cựu chiến binh ấy luôn xem nghĩa trang liệt sỹ là nhà và các liệt sỹ là người thân của mình. Chừng ấy thời gian gắn bó với nghề quản trang, ông nhớ nằm lòng họ tên, địa chỉ của hết thảy gần 60 liệt sỹ có mộ phần tại nghĩa trang.

“Dường như đã thành thói quen, một ngày không lên nghĩa trang là tôi không chịu được. Những lúc đau ốm hay có việc đột xuất thì vợ con lên chăm nom hộ. Có khi, cả nhà đều tập trung chăm sóc nghĩa trang, người quét rác, người gánh nước lau chùi từng phần mộ. Mùa mưa bão, tôi túc trực cả ngày đêm trên nghĩa trang để chống xói lở cát, vất vả, nhưng yên tâm hơn. Chỉ cần thấy nghĩa trang luôn sạch sẽ, thoáng đãng để thân nhân liệt sỹ được “mát lòng” khi đến viếng, với tôi đã là niềm vui lớn lao”, ông Xuân chia sẻ.

Ông Trung, ông Xuân chỉ là hai trong số rất nhiều những người vẫn ngày đêm thầm lặng “canh giấc” cho các liệt sỹ ở tỉnh ta. Với họ, đây không chỉ là trách nhiệm mà là niềm vui, là một cách tri ân với những anh hùng liệt sỹ hy sinh vì Tổ quốc. Có thể nói, tất cả những người quản trang mà chúng tôi gặp, những con người không cùng tuổi đời, hoàn cảnh, quê quán, nhưng họ gắn bó với công việc ở điểm chung là cùng có tấm lòng thành kính dành cho những người con ưu tú của quê hương, hy sinh vì độc lập dân tộc. Gặp họ, được trò chuyện với họ, chúng tôi càng hiểu thêm về đóng góp lặng thầm của những con người rất đỗi mộc mạc, chân thành ấy.

“Gắn nghiệp đến hết đời”

Đối với CCB Lê Quang Trung, công việc quản trang tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc là cách để tri ân với những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Đối với CCB Lê Quang Trung, công việc quản trang tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc là cách để tri ân với những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Tìm gặp những người chăm sóc nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ không khó, bởi dường như lúc nào họ cũng có mặt nơi đây với cùng một dáng vẻ tận tâm, chu đáo. Ẩn sâu trong bóng dáng trầm mặc ấy là biết bao chuyện đời, chuyện nghề của những người đã nhận về mình trọng trách giữ yên giấc ngủ cho các liệt sỹ. Có một điều dễ nhận thấy là đa phần những người làm quản trang đều là các cựu chiến binh, cựu quân nhân, thương-bệnh binh. Có lẽ, chính vì thế,vì cái tâm với nghề, việc “canh giấc” cho các đồng đội càng được họ coi là nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý. “Còn sức thì tôi còn làm!”. Đó là khẳng định chắc nịch của cựu chiến binh Phan Văn Xuân khi tâm sự với chúng tôi về ý định gắn bó đến hết đời với nghề quản trang. Là một người lính từng chiến đấu tại chiến trường ác liệt, ông cảm thấy mình may mắn hơn những đồng đội đã ngã xuống. Vì thế, với ông công việc quản trang như một sự trả ơn những người đã khuất. Không chỉ là nghĩa vụ, ông luôn hoàn thành công việc của mình với tất cả trách nhiệm và lòng thành kính.

Gắn với nghiệp đến hết đời dường như không chỉ là tâm niệm của riêng ông Xuân mà là của hầu hết những người quản trang mà chúng tôi đã được gặp. Dù cuộc sống riêng vẫn còn nhiều vất vả, thu nhập bấp bênh; dù nhiều người trong số họ tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng họ vẫn hết mình với công việc nghĩa tình ấy. Chẳng thế mà dù với số tiền trợ cấp hàng tháng (100.000 đồng) không đủ để mua nhang đèn, hoa quả thắp hương, dù nhiều khi sức khỏe yếu do vết thương cũ tái phát nhưng ông Xuân vẫn một lòng “chung thủy” với công việc mà mình đã chọn.

Hay như ông Lê Văn Cừ, quản trang tại nghĩa trang liệt sỹ TNXP Thọ Lộc, xã Cự Nẫm (Bố Trạch) dù chế độ đãi ngộ chẳng đáng gì so với những đóng góp thầm lặng của ông, nhưng suốt 30 năm qua, chưa bao giờ ý định bỏ nghề mảy may xuất hiện trong suy nghĩ của người cựu chiến binh già ấy. “Những người nằm đây dù ở lứa tuổi nào cũng đều là đồng đội của tôi. Làm công việc này chính là tôi đang ngày ngày được sống cùng đồng đội, được nâng giấc cho họ yên nghỉ. Vui lắm chứ, tự hào lắm chứ. Tôi sẽ còn làm cho đến khi đồng đội đón tôi về”, ông Cừ khẳng định.

Gắn đời mình với nghiệp quản trang, những thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh luôn tận tâm, hết lòng giữ cho nơi an nghỉ của các liệt sỹ sạch đẹp, ấm cúng. Họ như những con ong cần mẫn, lặng thầm làm việc, lặng thầm cống hiến để dâng cho đời những mật ngọt yêu thương, góp phần bồi đắp đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tâm An