.

Phòng ngừa tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp

Thứ Ba, 31/10/2017, 08:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, ở tỉnh ta, tình trạng tranh chấp lao động, đình công ở các doanh nghiệp  chưa xảy ra. Tuy nhiên việc lãn công, khiếu nại, khiếu kiện về các chế độ cho người lao động vẫn còn diễn ra. Điều này đòi hỏi các tổ chức công đoàn cần phát huy hơn nữa vai trò của mình, để từ đó xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong các doanh nghiệp.

Chế độ cho người lao động vẫn chưa được thực hiện tốt

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có 5.079 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn chiếm tỷ lệ rất thấp chỉ với 193 đơn vị. Chính điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động khi bị xâm phạm.

Qua theo dõi và tổng hợp tình hình từ cơ sở, trong ba năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh ta chưa xảy ra tình trạng đình công và tranh chấp lao động nào. Tuy nhiên, tình trạng lãn công vẫn xảy ra ở một số đơn vị như: Công ty cổ phần Đại Trường Phát, Công ty TNHH Tổng công ty Dệt may miền Bắc-Vinatex chi nhánh Quảng Bình...

Phần lớn các vụ tranh chấp này được giải quyết trong phạm vi doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tình trạng công nhân gửi đơn thư, khiếu nại về các chế độ đối với người lao động đến các cơ quan chức năng vẫn thường xuyên xảy ra.

Ông Võ Văn Tiến, Trưởng ban Chính sách- Pháp luật, LĐLĐ tỉnh cho biết: Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do một số doanh nghiệp chưa chấp hành tốt pháp luật lao động. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp trốn tránh việc thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động cũng như các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Việc thực hiện các quy định về tiền lương trong các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

Theo số liệu thống kê của các cơ sở công đoàn, có khoảng 35% doanh nghiệp chưa báo cáo thang lương, bảng lương. Thậm chí còn rất nhiều doanh nghiệp không thực hiện nâng lương cho người lao động mà chỉ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Một số doanh nghiệp huy động công nhân lao động làm thêm vượt quá số giờ quy định trong một tháng và chưa thực hiện đầy đủ chế độ nghỉ lễ, nghỉ tết cho người lao động.

Về phía người lao động, đa số họ trình độ học vấn, tay nghề và hiểu biết về chính sách, pháp luật còn hạn chế, thường làm công việc giản đơn, chưa có tác phong công nghiệp. Mặt khác, do nhu cầu về việc làm cũng như thực trạng đời sống của người lao động hiện nay còn khó khăn nên cần có việc làm bằng mọi cách và không quan tâm đến quyền, lợi ích hợp mà pháp luật quy định.

Không ít trường hợp vào làm việc nhưng không ký hợp đồng lao động, không yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, chấp nhận làm tăng ca, quá giờ quy định. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về lao động chưa tốt, hiệu lực các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa cao. Việc xử lý vi phạm pháp luật của doanh nghiệp chưa nghiêm, chưa đủ chế tài đủ mạnh.

Ngoài ra, hiện nay, cán bộ làm công tác đoàn  ở cơ sở là những người không chuyên trách, chưa được đào tạo về nghiệp vụ, còn phụ thuộc vào người sử dụng lao động. Do vậy, đa số công đoàn cơ sở chưa làm tốt vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động.

Các giải pháp

Thực trạng trên cho thấy quan hệ lao động tại các doanh nghiệp cần được cả hệ thống chính trị quan tâm. Nếu vấn đề này không được giải quyết trong thời gian tới sẽ tác động xấu đến sự ổn định trong sản xuất kinh doanh gây thiệt hại cho người lao động, doanh nghiệp và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Trước tình hình trên, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã tập trung chỉ đạo các công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp chú trọng đối thoại nơi làm việc, thương lượng, ký kết thoả ước lao động như: Hướng dẫn Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại nơi làm việc; tổ chức tập huấn về kỹ năng thương lượng tập thể cho đội ngũ cán bộ công đoàn...

Nói về giải pháp nhằm phòng ngừa tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp hiện nay, đồng chí Nguyễn Xuân Thạch, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết: Thời gian tới, bên cạnh việc thường xuyên chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, LĐLĐ tỉnh tiếp tục chú trọng nâng cao hoạt động của văn phòng tư vấn nhằm hỗ trợ, hướng dẫn cho các tổ tư vấn pháp luật tại các doanh nghiệp để trợ giúp pháp lý cho người lao động trong trường hợp người lao động bị xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng; tăng cường công tác tuyên truyền các nội dung quy định của pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ người lao động, người sử dụng lao động.

Để phòng ngừa và giảm thiểu tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp, các cấp công đoàn cần phát huy hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Trước hết, đối với công đoàn cơ sở phải tích cực phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tốt hội nghị dân chủ đầu năm, đặc biệt chú trọng hình thức dân chủ đối thoại tại nơi làm việc để công nhân bày tỏ những khúc mắc, từ đó sẽ giải quyết cơ bản những vấn đề về việc làm, tiền lương, BHXH và thực hiện các chế độ mà pháp luật quy định.

Đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phải thành lập và phát huy hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn pháp luật ở các cấp công đoàn. Thông qua hoạt động tổ tư vấn pháp luật để tuyên truyền các nội dung quy định của của pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động.

Đ.Nguyệt