.

Quảng Trạch: Tăng cường các biện pháp phòng, chống lụt bão

Thứ Tư, 30/08/2017, 08:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau trận lũ lụt lịch sử năm 2016, Quảng Trạch là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với tổng thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, hệ thống công trình thủy lợi, hồ đập chứa nước trên địa bàn bị hư hại và xuống cấp nghiêm trọng. Để chủ động ứng phó với mọi diễn biến bất thường của thời tiết, huyện Quảng Trạch đã sớm xây dựng và triển khai nhiều phương án phòng, chống bão lũ, tìm kiếm cứu nạn nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão.

Toàn huyện Quảng Trạch hiện có 30 hồ chứa nước lớn nhỏ, trong đó có 4 hồ chứa nước lớn là hồ Tiên Lang, Vực Tròn, Sông Thai, Trung Thuần với dung tích trên 75 triệu m3. Sau trận lũ lụt lịch sử 2016, hệ thống công trình thủy lợi, hồ đập chứa nước trên địa bàn bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt là các hồ chứa thuộc huyện quản lý được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, như: hồ Bàu Mây, hồ Đồng Vạt xã Quảng Phương; hồ Nước Sốt, Khe Dẻ xã Quảng Lưu; hồ Khe Chay xã Quảng Hợp...

Khi lượng mưa quá lớn rất dễ xảy ra nguy cơ vỡ đập, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của khu dân cư dưới hạ lưu. Bên cạnh đó, với sự biến đổi ngày càng khó lường của thời tiết, lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.800mm đến 2.200mm, kết hợp với triều cường dẫn đến lũ, lụt ngập úng trên diện rộng. Địa hình huyện Quảng Trạch có độ dốc lớn, bờ biển dài cùng với lưu vực sông Gianh, sông Roòn có nhiều nhánh chia cắt nên khi xảy ra lũ quét, việc chỉ huy và cơ động lực lượng ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn.

Để chủ động ứng phó với mọi diễn biến bất thường của thời tiết, hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, Quảng Trạch đã sớm kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN), Đội xung kích cứu hộ, cứu nạn để chủ động phòng, chống và đối phó tình huống bất lợi khi xảy ra bão lũ. Nhiều phương án được xây dựng và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên với phương châm “chủ động phòng tránh – đối phó kịp thời – khắc phục khẩn trương, có hiệu quả”.

Hồ Vực Tròn (xã Quảng Hợp, Quảng Trạch) đã được sửa chữa, gia cố hệ thống kè nhằm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.
Hồ Vực Tròn (xã Quảng Hợp, Quảng Trạch) đã được sửa chữa, gia cố hệ thống kè nhằm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.

Ông Trần Thanh Định, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Quảng Trạch cho biết, Huyện đã chú trọng kiểm tra các công trình giao thông, thủy lợi để xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa bảo đảm vận hành an toàn trước mùa mưa bão. Trong năm 2017, huyện đã trích gần 10 tỷ đồng từ ngân sách để sửa chữa, khắc phục hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa.

Mặt khác, Ban chỉ huy PCLB và TKCN huyện Quảng Trạch cũng đã xây dựng nhiều tình huống dự kiến để có phương án phòng, chống, cứu nạn, cứu hộ hiệu quả, phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng khu vực.

Đối với các địa phương gần lưu vực sông, thường xuyên chịu cảnh ngập lụt, như: Cảnh Hóa, Phù Hóa; các khu vực hay có  lũ ống, lũ quét, như: Quảng Hợp, Quảng Thạch, các hồ đập lớn trên địa bàn đều được lên kế hoạch phòng, chống, cứu nạn và tích cực luyện tập theo từng phương án.

Huyện bảo đảm thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, chuẩn bị tốt mọi cơ sở vật chất, phương tiện và nhân lực. Nhiều phương án đã được địa phương triển khai, như: tập trung lực lượng khắc phục các sự cố ngay tại các điểm xung yếu, tổ chức sơ tán dân khu vực hạ lưu ra khỏi vùng nguy hiểm nhằm bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng trong từng thôn và từng gia đình để chủ động ứng cứu khi có thiên tai xảy ra.

Còn với các địa phương miền biển, huyện tổ chức triển khai thống kê số lượng, chủng loại, tình hình hoạt động của các phương tiện để có kế hoạch chỉ huy, chỉ đạo phòng tránh cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả. Đồng thời, chính quyền địa phương, tăng cường các biện pháp kiểm tra phương tiện để thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm bảo đảm yêu cầu quy định. Đặc biệt, các đội tàu đánh bắt xa bờ phải đăng ký ngư cụ, trang thiết bị thông tin để thường xuyên theo dõi, thông báo tình hình khi xảy ra sự cố.

Ngoài việc xây dựng các phương án cụ thể, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN huyện Quảng Trạch cũng đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ và nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn tính mạng là trên hết và giảm thiểu tối đa thiệt hại.

X.Phú