.

Chợ hai tầng và sự lãng phí

Thứ Năm, 31/08/2017, 09:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Với vai trò là nơi thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, ở nhiều xã, chợ được đầu tư xây dựng với quy mô 2 tầng, chi phí vài tỷ đồng. Tuy nhiên, do đầu tư xây dựng không căn cứ vào nhu cầu thực tế địa phương, khiến những ngôi chợ này sau khi xây xong chỉ được sử dụng tầng 1, còn tầng 2 bỏ hoang rất lãng phí.  

Đầu tư tiền tỷ...

Được xây dựng để phục vụ cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch), chợ Phú Quý là một trong những chợ địa phương được đầu tư xây dựng có quy mô lớn so với các chợ ở những địa phương khác. Theo ông Phan Văn Trưng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Việt Trung cho biết thì, Chợ Phú Quý hiện nay được xây dựng trên nền chợ cũ.

Tầng 2 chợ Hôm, Lộc Thủy (Lệ Thủy) không ai thuê phải làm kho chứa hàng.
Tầng 2 chợ Hôm, Lộc Thủy (Lệ Thủy) không ai thuê phải làm kho chứa hàng.

Trước đây, chợ cũ là một đình chợ rất nhỏ và hẹp, khoảng 200-300m2, các quán được lợp bằng tôn hoặc bạt rất tạm bợ. Do thấy nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân trong thị trấn tăng lên nên UBND thị trấn đã xin đầu tư xây dựng chợ Phú Quý.

Ông Trưng cũng cho biết, chợ Phú Quý được xây dựng có tổng diện tích 528m2, quy mô hai tầng, với tất cả 129 ki ốt. Chợ có tổng mức đầu tư lên đến  7,7 tỷ đồng, trong đó 4,4 tỷ đồng là sử dụng Ngân sách Nhà nước, 3,3 tỷ còn lại dự kiến sau khi chợ hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ lấy số tiền đấu giá các ki ốt để trả cho nhà thầu.

Năm 2010, chợ Phú Quý được xây dựng xong và đưa vào sử dụng với sự kỳ vọng sẽ trở thành nơi buôn bán nhộn nhịp của người dân thị trấn Nông trường Việt Trung. 

Cũng được xây dựng với quy mô 2 tầng, chợ Hôm, Lộc Thủy, Lệ Thủy là chợ xã phục vụ nhu cầu mua bán hàng hóa cho người dân trong vùng. So với các chợ ở những xã lân cận thì chợ Hôm là một trong chợ nông thôn được đầu tư xây dựng quy mô lớn.

Ông Dương Công Nhân, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho hay: Chợ Hôm được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2004. Toàn bộ kinh phí xây dựng đều do ngân sách của huyện cấp. Chợ Hôm có tổng diện tích khoảng 1.000m2, phần đình chợ được xây dựng thành 2 tầng với nhiều ki ốt.

Phía ngoài phần sân chợ không mái che là nơi buôn bán các loại thực phẩm như thịt, cá... các loại. Ngoài phục vụ nhu cầu mua bán cho người dân trong xã, chợ Hôm còn là địa chỉ mua bán của một số ít người dân các xã lân cận An Thủy, Phong Thủy. 

Diện tích tầng 2 của chợ Phú Quý, thị trấn Nông trường Việt Trung bị bỏ trống từ khi đưa vào hoạt động.
Diện tích tầng 2 của chợ Phú Quý, thị trấn Nông trường Việt Trung bị bỏ trống từ khi đưa vào hoạt động.

...để rồi bỏ hoang lãng phí

Mặc dù được đầu tư xây dựng lên đến hàng tỷ đồng nhưng khi đưa vào sử dụng, hiệu quả của các chợ nói trên lại không được như kỳ vọng ban đầu. Tại chợ Phú Quý trái với dự tính ban đầu, toàn bộ tầng hai của chợ đã bị bỏ hoang rất lãng phí từ 7 năm nay.

Ông Phan Văn Trưng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho hay, sau khi chợ khánh thành, chính quyền thị trấn đã cho người dân đến đấu các ki ốt để buôn bán. Giá của ki ốt tầng hai là 50 triệu/10 năm, tầng một là 75 triệu/10 năm.

Mặc dù giá thuê ở các ki ốt tầng hai thấp hơn nhiều so với các ki ốt ở tầng một để thu hút các tiểu thương nhưng đến nay, toàn bộ 67 ki ốt tầng hai vẫn phải bị bỏ trống. Không chỉ tầng hai, một số ki ốt ở tầng dưới cũng chưa được thuê hết.

Tại chợ Hôm, Lộc Thủy tình trạng này cũng xảy ra tương tự. Toàn bộ diện tích tầng hai của chợ cũng bị bỏ trống từ khi chợ đi vào hoạt động. Ở tầng một, một số ki ốt cũng chưa được thuê hết.

Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, tiểu thương Lê Thị Tư, đang bán ở chợ Hôm cho biết: Ở đây, đa số người dân đến chợ chủ yếu là mua các mặt hàng thực phẩm tươi sống, trong khi đó, chợ dành nhiều diện tích xây các ki ốt để buôn bán tạp hóa nên mới xảy ra tình trạng ở trong chợ thì không có người thuê, phía ngoài chợ ở khu bán thực phẩm như rau, cá thì nhiều người phải ngồi chen chúc nhau. Tiểu thương Nguyễn Thị Huyền cũng đang bán ở tầng một chợ Hôm cho hay: Do chợ thiết kế không phù hợp.

Các ki ốt chợ quá hẹp, trong khi cầu thang lên xuống giữa hai tầng lại chiếm quá nhiều diện tích của chợ nên không thu hút được các tiểu thương khác đến bán. Bên cạnh đó, tâm lý của người tiêu dùng ở nông thôn là chỉ thích mua sắm đơn giản, tiện lợi, nên họ không muốn phải lên tầng hai  vì mất thời gian.

Một người dân ở thị trấn Nông trường Việt Trung lại cho biết: “Chợ nông thôn chỉ cần xây một tầng nhưng rộng rãi, thoáng mát để chúng tôi đi lại mua sắm cho dễ dàng là hợp lý. Chứ xây hai tầng như vậy ít người muốn lên tầng hai lắm. Nhất là những người có tuổi như chúng tôi rất ngại phải lên tầng vì mỏi chân”.

Xây dựng chợ nông thôn với quy mô lên đến hai tầng liệu có phù hợp với nhu cầu của người dân?.
Xây dựng chợ nông thôn với quy mô lên đến hai tầng liệu có phù hợp với nhu cầu của người dân?

Trước tình trạng này, để tránh lãng phí diện tích tầng trên, chính quyền các địa phương đã có nhiều giải pháp để khắc phục, tuy nhiên đến nay các diện tích chợ này vẫn phải bị bỏ trống. Ông Phan Văn Trưng cho hay: Do diện tích tầng trên rộng nên trước đây, thị trấn cũng đã khuyến khích người dân đến thuê để mở các dịch vụ như bi da, bóng bàn... Vậy nhưng do phía dưới là chợ, nhiều người sợ lộn xộn nên đã không đến thuê.

Được biết, do số lượng các tiểu thương đến đấu giá để bán tại các ki ốt quá ít nên đến hiện tại số tiền 3,3 tỷ đồng xây dựng chợ, UBND thị trấn Nông trường Việt Trung vẫn chưa hoàn trả hết cho nhà thầu. Đối với chợ Hôm ở xã Lộc Thủy, Chủ tịch UBND xã lại cho biết: Hiện tại, diện tích tầng trên của chợ Hôm đã được một số tiểu thương thuê để đựng hàng với giá chỉ 3 triệu đồng/5 năm. Tuy nhiên cũng chỉ được một vài người, diện tích trống còn lại vẫn tương đối nhiều.

Chợ nông thôn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, để xây dựng chợ cần nhìn vào tình hình thực tế của địa phương và nhu cầu của người dân để có hướng đầu tư phù hợp, tránh tình trạng xây dựng tiền tỷ nhưng lại sử dụng không hết, làm lãng phí nguồn ngân sách của Nhà nước.

Đ.Nguyệt