.

Quảng Ninh: Tăng cường phối hợp phòng, chống thiên tai

Thứ Năm, 31/08/2017, 09:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Ninh là một trong những địa phương hàng năm chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lụt. Trước những diễn biến ngày càng khó lường của thời tiết, từ những kinh nghiệm trong công tác phòng, chống lụt bão các năm trước, huyện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, trên địa bàn huyện, thiên tai đã làm 5 người chết, 20 người bị thương, 22.000 lượt nhà bị ngập lụt; trên 200 nhà và 80 phòng học, nhà công vụ, nhà ở tập thể.... bị thiệt hại; 400ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng và mất trắng; lương thực bị ẩm ướt trên 500 tấn; 1.500 con gia súc bị chết, cuốn trôi; hơn 400 ha diện tích ao nuôi thủy sản bị thiệt hại.

Về giao thông, trên 20km đường bị hư hỏng và nhiều cống, đập, đê, kè bị xói lở nghiêm trọng. Ngoài ra, các công trình đang thi công cũng bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại do thiên tai trên toàn địa bàn huyện trong năm 2016 đến nay ước tính gần 150 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, UBND huyện, Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã chủ động tổ chức các đoàn về tận cơ sở, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, không để xảy ra các sự cố, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình phục vụ công tác PCTT-TKCN.

Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức nhân đạo từ thiện đã quan tâm thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời đối với các hộ gia đình bị thiệt hại, góp phần bảo đảm ổn định cuộc sống cho nhân dân trên địa bàn. Toàn huyện đã có 407 lượt các đoàn, nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên mọi miền đất nước đến ủng hộ, cứu trợ với tổng số tiền, hàng trên 25 tỷ đồng.

Điện lực huyện Quảng Ninh chú trọng kiểm tra, tu bổ hệ thống lưới điện trước mỗi mùa mưa bão.
Điện lực huyện Quảng Ninh chú trọng kiểm tra, tu bổ hệ thống lưới điện trước mỗi mùa mưa bão.

Các địa phương trong huyện cũng đã chủ động lực lượng, phương tiện tại chỗ, huy động nguồn lực khắc phục sửa chữa các đoạn đường, kè, kênh, mương bị xói lở, bảo đảm giao thông thông suốt.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, trang thiết bị phục vụ bị công tác cảnh báo bão lụt, thảm họa thiên tai của huyện Quảng Ninh chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ và nhân dân còn chủ quan trong việc phòng, chống thiên tai. Công tác quản lý tàu thuyền đánh bắt trên biển đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn còn bất cập, lúng túng trong việc thống kê vị trí, số lượng người, phương tiện, gây khó khăn trong chỉ đạo.

Theo ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, Trưởng Ban chấp hành PCTT-TKCN huyện, để chủ động đối phó với thiên tai, nhất là tình hình bão lũ có thể xảy ra trong những tháng cuối năm 2017, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, huyện Quảng Ninh tiếp tục chú trọng tuyên truyền Luật Phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực cảnh báo đến với mọi người dân về thiên tai, nhất là với các hiện tượng thời tiết xảy ra bất thường trái quy luật với mức độ và sức tàn phá ngày càng cực đoan, khốc liệt; đồng thời tổ chức các lực lượng tình nguyện xung kích trong công tác PCTT-TKCN trong cộng đồng.

Cùng với việc kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng chuẩn bị các phương tiện, vật tư cho công tác này. Huyện đã cung cấp 300 áo phao và 75 phao tròn về tận các xã, thị trấn; trong đó xã Trường Sơn và Trường Xuân có số lượng nhiều hơn. Đồng thời, toàn huyện đã chuẩn bị 4 xuồng cao tốc, 34 nhà bạt, 336 phao các loại, 2.000m3 đá hộc, 20.000 bao cát, 37 máy phát điện... Ngoài ra, huyện còn sẵn sàng huy động thêm ở các xã, thị trấn, các doanh nghiệp trên địa bàn và trong dân với 30 thuyền máy, 50 thuyền cô le, 1.000 phao cứu sinh, 6 tàu trên 90 CV... để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện cũng đã xây dựng phương án di dời dân ở các vùng thường xuyên ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở bờ sông, cửa sông, những vùng thường xảy ra lũ quét, lũ ống, vùng có một số hộ dân đang sinh sống trong nhà chưa kiên cố ở một số địa bàn các xã, như: Hải Ninh, Tân Ninh, Võ Ninh, Trường Xuân, Trường Sơn...

UBND huyện phân công trách nhiệm cụ thể và yêu cầu phối hợp chặt chẽ, đồng bộ đối với các cấp, các ngành, địa phương và các thành viên trong Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện. Trong đó, UBND các xã, thị trấn chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng để huy động ứng cứu kịp thời khi xảy ra thiên tai. 

Ngành Y tế chuẩn bị thuốc và dụng cụ y tế, phòng ngừa dịch bệnh, chỉ đạo hệ thống bệnh viện, trạm y tế, cấp cứu thương vong. Sau thiên tai, cần tập trung các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, khắc phục hậu quả lụt bão. Các địa phương lập kế hoạch, phương án tổ chức lực lượng tham gia làm nhiệm vụ cấp cứu, chữa bệnh cho nhân dân trong vùng có thiên tai xảy ra và bố trí người cùng tham gia làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng lũ, bão.

Ban chỉ huy Quân sự, Công an huyện, lực lượng Bộ đội Biên phòng vừa làm công tác chuẩn bị phòng chống bão, lũ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, vừa làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh...

Hương Trà