.

Lệ Thủy: Chung tay phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Thứ Tư, 05/07/2017, 09:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Vùng chiêm trũng Lệ Thủy có hệ thống sông ngòi, ao hồ dày đặc, vì lẽ đó, tai nạn đuối nước luôn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các tai nạn thương tích cho trẻ em nơi đây. Để hạn chế tình trạng đuối nước và tạo môi trường học tập, vui chơi an toàn cho trẻ em, huyện Lệ Thủy đã có nhiều giải pháp hiệu quả, tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người dân cũng như sự chung tay góp sức của cộng đồng.

Thực trạng báo động...

Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Lệ Hằng, Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Lệ Thủy cho biết, qua khảo sát thực tế đầu năm 2016, tỷ lệ học sinh (HS) biết bơi đạt rất thấp.

Cụ thể, đối với HS tiểu học, tỷ lệ HS biết bơi chỉ đạt 12,94%. Trong đó, đối với khu vực cụm quốc lộ, cụm đường 15 và cụm phía trước, như: Cam Thủy, Mỹ Thủy, Hồng Thủy, Sen Thủy, Tân Thủy..., tỷ lệ HS biết bơi càng thấp. Đối với HS THCS, tỷ lệ biết bơi đạt 35,6%, nhưng cũng chỉ tập trung ở các trường vùng giữa và miền biển. Đa số HS không biết bơi ở cụm quốc lộ, cụm đường 15 và cụm phía trước. Điều đáng nói, số HS biết bơi chủ yếu được gia đình dạy, còn thông qua sinh hoạt tại các câu lạc bộ là rất ít.

Theo thống kê của Phòng LĐ-TB-XH, số lượng trẻ em bị tai nạn đuối nước qua hàng năm của huyện gia tăng. Năm 2016, toàn huyện xảy ra 2 vụ đuối nước. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn huyện đã xảy ra 3 vụ tai nạn đuối nước, gây tử vong cho 3 trẻ em ở xã Hồng Thủy, Phong Thủy và Sen Thủy. Trong đó, em Nguyễn Thành Đạt (sinh năm 2004), ở thôn Mốc Thượng 1, xã Hồng Thủy, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên ngoài giờ học, em phải lo phụ việc cho gia đình.

Vào cuối tháng 5 vừa qua, khi trên đường đi chăn bò về, em lội qua kênh mương, không may bị tai nạn đuối nước. Hai trường hợp còn lại do gia đình chủ quan trong việc trông coi trẻ nhỏ nên đã xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Theo đánh giá của địa phương, nguyên nhân xuất phát hầu hết là do trẻ không biết bơi, chiếm khoảng 70% số vụ. Với thực trạng như vậy, nên cứ vào dịp hè, việc học bơi để giúp phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em luôn là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm.

Tuy nhiên, tình hình thực tế tại huyện Lệ Thủy cho thấy, cơ sở vật chất cho việc dạy bơi, học bơi còn nhiều hạn chế. Ngoài hai mô hình dạy bơi tại trung tâm thị trấn Kiến Giang là bể bơi của Trung tâm VH-TD-TT và Khu vui chơi Thế hệ mới, lâu nay huyện không có thêm bể bơi mi ni, bể bơi di động hay bể bơi tự tạo nào khác ở các điểm xã, thị trấn.

Bể bơi của Trung tâm VH-TD-TT huyện Lệ Thủy thu hút nhiều học sinh tham gia các khóa học bơi.
Bể bơi của Trung tâm VH-TD-TT huyện Lệ Thủy thu hút nhiều học sinh tham gia các khóa học bơi.

Vì vậy, số lượng trẻ em được tham gia các khóa học bơi còn thấp. Các xã, thị trấn cũng chưa quy hoạch mặt bằng để xây bể bơi và nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng bể bơi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, số lượng giáo viên thể dục được đào tạo chuyên ngành bơi lội và kỹ năng phòng, chống đuối nước cho HS một cách bài bản trên địa bàn cũng thiếu.

Theo bà Ninh Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy xuất phát từ thực trạng đó, huyện đã ban hành kế hoạch phòng, chống đuối nước và phổ cập bơi an toàn cho HS phổ thông giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Huyện đã xây dựng kế hoạch phổ cập rộng rãi môn bơi lội như một môn học trong nhà trường, nhằm trang bị cho HS những kỹ năng sống sót khi gặp trường hợp nguy cấp trong môi trường nước. Đồng thời, địa phương cũng sẽ hoàn thành phổ cập bơi cho 100% đơn vị xã, thị trấn trên địa bàn theo mục tiêu và lộ trình cụ thể.

Và những cách làm hiệu quả

Điều đáng ghi nhận, xuất phát từ kế hoạch của địa phương, một số ngành, đơn vị trên địa bàn huyện đã triển khai những cách làm hiệu quả và tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Điển hình là Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Lệ Thủy. Bà Võ Thị Tường Vy, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy cho biết, trong năm học 2016-2017 vừa qua, 100% các trường tiểu học và THCS trên địa bàn đã tổ chức triển khai chương trình bơi an toàn và phòng, chống đuối nước cho HS trở thành môn học chính khóa.

Chương trình giáo dục bơi an toàn và phòng, chống đuối nước (cấp tiểu học) và chương trình dạy môn bơi lội cho HS THCS do Phòng GD-ĐT xây dựng đã được Sở GD-ĐT thẩm định. Ngoài ra, các trường tổ chức phương án rõ ràng, cụ thể phù hợp với điều kiện của từng đơn vị để phụ huynh lựa chọn.

Chính nhờ triển khai nghiêm túc, chương trình phòng, chống đuối nước và phổ cập bơi an toàn, bắt đầu vào hè 2017, bể bơi của Trung tâm VH-TD-TT và Khu vui chơi Thế hệ mới trên địa bàn thị trấn Kiến Giang rất đông HS tham gia các khóa học bơi.

Em Nguyễn Quỳnh Khánh Vy, HS lớp 7 đang tham gia học bơi tại bể của Trung tâm VH-TD-TT phấn khởi cho hay, đến tham gia lớp học tại đây, các em không chỉ được giáo viên hướng dẫn kỹ thuật bơi, mà còn được trang bị đầy đủ kỹ năng phòng, chống đuối nước, như: cách thả nổi, cách đứng nước, cách cứu đuối.... Cùng với đó, các em còn được trang bị nhiều kiến thức hữu ích về kỹ năng sơ cấp cứu khi gặp tai nạn đuối nước.

Ngoài ra, các trường học cũng đa dạng hình thức tuyên truyền phòng chống đuối nước và dạy bơi cho HS, phụ huynh. Bởi, không chỉ HS mà bản thân phụ huynh cũng cần được nâng cao nhận thức về phòng, chống đuối nước. Vì vậy, phụ huynh ngoài việc tự nguyện đưa con em đến tập bơi ở những bể bơi đạt chuẩn thì việc chủ động dạy bơi cho con em được xem là giải pháp cơ bản ban đầu khi hệ thống bể bơi trên địa bàn còn hạn chế.

“Thay vì luôn nơm nớp lo lắng về sự an toàn cho con mỗi khi hè đến, năm nay, tôi lựa chọn cho con tham gia học bơi. Đây không chỉ tạo ra sân chơi bổ ích, an toàn, mà còn giúp con bổ sung thêm hành trang, kỹ năng bổ ích cho cuộc sống...” - chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang, thị trấn Kiến Giang, đăng ký cho con gái học bơi tại Trung tâm VH-TD-TT chia sẻ.

Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn huyện có 10% trường tiểu học và THCS có bể bơi theo TCVN hiện hành và 65% các trường có ít nhất 1 bể bơi tự tạo an toàn, huyện Lệ Thủy đã và đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực phục vụ dạy bơi an toàn và phòng, chống đuối nước cho HS.

Qua đó, huyện đã có phương án hỗ trợ rõ ràng và mang lại hiệu quả. Đối với một công trình bể bơi ở các điểm xã, huyện sẽ hỗ trợ 1/3 kinh phí, xã, thị trấn sẽ chịu trách nhiệm 1/3 kinh phí và số còn lại sẽ huy động từ nguồn đóng góp của phụ huynh. Từ cách làm này, trong dịp Tháng hành động vì trẻ em năm 2017, Lệ Thủy đã có thêm 2 bể bơi được khánh thành và đưa vào phục vụ việc dạy và học bơi cho trẻ em trên địa bàn tại Trường tiểu học Hưng Thủy và tiểu học Mỹ Thủy.

Để  bảo đảm lộ trình đầu tư xây dựng các bể bơi, huyện cũng đã rà soát và phân chia theo 4 cụm vùng miền gồm: cụm phía trước, cụm quốc lộ, cụm đường 15 và cụm vùng giữa. Dự kiến, bể bơi Trường tiểu học Mai Thủy và tiểu học số 2 An Thủy sẽ khởi công trong thời gian tới.

Thùy Lâm