.

"Cờ an toàn giao thông": Mô hình hiệu quả

Thứ Sáu, 08/05/2015, 09:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Ra đời từ năm học 2006-2007 tại Trường THPT số 2 Bố Trạch, đến nay, mô hình “Cờ an toàn giao thông” nơi đây vẫn duy trì hiệu quả trong học sinh nhà trường, đồng thời lan tỏa đến các bậc phụ huynh và người dân trong khu vực. Mô hình đã góp phần giảm tai nạn giao thông học đường và giữ gìn an toàn giao thông trên địa bàn.

Còn nhớ năm học 2006-2007, khi trên 1.000 học sinh và giáo viên của Trường THPT số 2 Bố Trạch đang chuẩn bị lễ chào cờ thì nhận được tin ba em học sinh của trường bị tai nạn giao thông và tử vong. Đó thực sự là cú sốc lớn khiến những thầy cô giáo nhà trường phải suy nghĩ và tìm ra giải pháp nhằm hạn chế và đẩy lùi tai nạn giao thông.

Thời điểm ấy, thầy giáo Trần Ngọc An là hiệu trưởng của trường, đã trăn trở rất nhiều và cuối cùng “phát minh” ra mô hình “Cờ an toàn giao thông”. Theo đó, cờ được in tên trường, số hiệu của từng em học sinh để dễ dàng quản lý. Để làm được điều này, thầy An đã tham khảo ý kiến của cơ quan chức năng như Cảnh sát giao thông, Sở Giáo dục-Đào tạo và chính quyền địa phương. Các ý kiến đều thống nhất và đồng tình với phương án này, mô hình “Cờ an toàn giao thông” đã ra đời và ghi dấu ấn tại ngôi trường này.

Sau sáu năm học, đến thời điểm này, “Cờ an toàn giao thông” tại Trường THPT số 2 Bố Trạch vẫn duy trì đều đặn và phát huy hiệu quả của mô hình. Thầy giáo Phạm Trung Dũng, Bí thư Đoàn trường cho biết: Từ khi ra đời đến nay, mô hình đã thực sự phát huy hiệu quả trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông và tính mạng, sức khỏe các em học sinh.

Hình ảnh quen thuộc của các em học sinh Trường THPT số 2 Bố Trạch với cờ an toàn giao thông trước ghi đông xe.
Hình ảnh quen thuộc của các em học sinh Trường THPT số 2 Bố Trạch với cờ an toàn giao thông trước ghi đông xe.

Nằm ngay cạnh con đường huyết mạch nối quốc lộ 1 đến các danh thắng thuộc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, với số lượng học sinh đông và phân bố rải rác ở nhiều địa phương lân cận, những năm trước đây, tai nạn giao thông luôn là nỗi ám ảnh đối với nhà trường và người dân trong khu vực. Thế nhưng từ thời điểm nhà trường áp dụng mô hình “Cờ an toàn giao thông”, ý thức của các em học sinh được nâng cao rõ rệt.

“Tan trường, không còn cảnh đạp xe hàng hai, hàng ba, phóng nhanh vượt ẩu. Từ đó đến nay đã không còn xảy ra tai nạn đáng tiếc nào cho dù lưu lượng tham gia giao thông trên đoạn đường này ngày càng đông. Và trên mỗi lá cờ được in số hiệu của từng em học sinh đã tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình quản lý.

Vì không chỉ cán bộ Đoàn trường, giáo viên trong trường mà ngay cả người dân khi phát hiện ra học sinh nào của trường vi phạm trật tự an toàn giao thông, họ sẽ báo số hiệu trên lá cờ về trường là chúng tôi tìm hiểu, nhắc nhở học sinh đó hoặc gửi văn bản đề nghị ban công an xã nơi học sinh ở xử phạt và trường cũng có hình thức kỷ luật”, thầy Dũng nói.

Không chỉ có những tác động tích cực đối với các em học sinh, mà mô hình “Cờ an toàn giao thông” đã ảnh hưởng quan trọng đến nhận thức của các bậc phụ huynh và người dân địa phương khi ngày ngày được chứng kiến con em mình gương mẫu chấp hành tốt các quy định khi đi trên đường. Nhờ vậy, mô mình đã có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong nhà trường mà đến tận cộng đồng dân cư.

Ông Nguyễn Hữu Phi, xã Cự Nẫm cho biết: Hàng ngày, nhất là dịp tan trường, hình ảnh các em học sinh tham gia giao thông rất trật tự với lá cờ đỏ in số hiệu của mình đã trở nên quen thuộc với mọi người. Điều rất tuyệt nữa là khi chứng kiến con em mình chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông, mỗi một người dân, đặc biệt là phụ huynh cũng từ đó tự nâng cao ý thức của bản thân trong quá trình tham gia giao thông. Đây là một mô hình hiệu quả và được người dân trên địa bàn rất đồng tình ủng hộ.

Còn em Lê Thị Thu, lớp 12A2 chia sẻ: Mỗi ngày đến trường, với lá cờ được gắn trước ghi đông xe đạp, em và các bạn luôn tự nhắc nhở mình phải chấp hành tuyệt đối các quy định khi tham gia giao thông. Đến thời điểm này thì hầu hết học sinh trong trường đều tự giác, rất ít trường hợp vi phạm bị nhắc nhở. “Đến trường mỗi ngày với Cờ an toàn giao thông, bố mẹ em đã yên tâm hơn rất nhiều, không còn phải lo lắng những khi con tan học muộn hay có công việc đột xuất ở trường nữa!”, Thu cho biết thêm.

Với những hiệu quả rõ nét mang lại từ mô hình cũng như sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, những năm qua, mô hình “Cờ an toàn giao thông” đã trở thành điểm sáng không chỉ của huyện Bố Trạch mà của toàn tỉnh. Trường THPT số 2 Bố Trạch đã được Tỉnh đoàn, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngành Giáo dục-Đào tạo đánh giá cao hiệu quả và khuyến khích các trường học trong tỉnh áp dụng, nhân rộng mô hình bởi những hiệu quả rõ rệt của nó trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông học đường nói riêng và trong xã hội nói chung.

Ngọc Mai