.

Những "bóng hồng" trên sóng dữ

Thứ Sáu, 05/09/2014, 07:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở những làng chài ven biển, chuyện người phụ nữ đi đánh bắt cá vùng biển gần bờ không phải là ít. Tuy nhiên, những người phụ nữ bất chấp sóng to, gió lớn vươn ra khơi xa với những chuyến đi biển dài ngày thì có thể gọi là hiếm. Thế nhưng, ở thôn Tân Xuân, phường Quảng Phong (Quảng Trạch) lại có những người phụ nữ như thế. Tinh thần bám biển của những "bóng hồng", những nữ ngư phủ Tân Xuân mạnh mẽ như con sóng giữa trùng dương.

"Nữ tướng" khiếm thính giữa trùng dương

Vốn dĩ, nghề đánh bắt thủy hải sản dài ngày trên biển chỉ dành cho giới đàn ông khỏe mạnh. Vậy mà, phụ nữ Tân Xuân vẫn phải bất chấp gian khổ, lăn lộn với sóng gió quanh năm để mưu sinh bằng nghề, chẳng kém gì so với cánh đàn ông. Vì miếng cơm manh áo, vì kế sinh nhai, những người phụ nữ chân yếu tay mềm trở nên mạnh mẽ, can trường.

Bà Hoàng Thị Quang (55 tuổi) là một trong những điển hình cho nữ ngư phủ kiên cường bám biển khơi xa ở thôn Tân Xuân này. Bà Quang bị khiếm thính từ nhỏ, lâu dần khi không nghe được tiếng nói của con người làm cho bà bị nói ngọng.

Dù khiếm thính, quanh năm bà vẫn lặn lội sớm khuya với sóng nước, nỗi khổ cực của bà chẳng thể nào tả xiết. Khi mới tiếp xúc với bà, chúng tôi khó có thể nghe được những gì bà nói, nhưng ngồi chuyện trò hồi lâu thì dần hiểu được. Còn bà chỉ nhìn tín hiệu môi để biết và hiểu chúng tôi nói gì. Cuộc trò chuyện của chúng tôi với bà chỉ trở nên dễ dàng hơn khi có người “phiên dịch” là em Hoàng Thị Quỳnh (con gái bà).

Bà Quang cho biết: Năm 1966, khi bà và các bạn đang ngồi học thì máy bay Mỹ ném bom. Bà được cô giáo bế xuống hầm trú ẩn. Vừa đặt bà xuống hầm thì sức ép của bom làm cô giáo chết, còn bà bị thương ở tai và sau một thời gian thì tai bà không nghe được nữa.

Đến năm bà 19 tuổi, mẹ bà mất. Bà cùng cha đi biển để nuôi người chị học đại học và 5 người em. Vì vậy, bà hiểu hết nỗi khổ và gian truân của nghề chỉ dành cho đàn ông. Thương bà, người con gái vừa bị khiếm thính vừa phải thay mẹ chăm sóc đàn em - có người đàn ông trong làng muốn kết duyên nhưng bà không nhận lời. Một phần vì bà mặc cảm với bản thân, sợ mình là gánh nặng cho người khác; phần khác bà còn phải lo cho những đứa em nên không dám nghĩ đến hạnh phúc riêng. Tuổi xuân của bà gắn bó với những ngày đêm lênh đênh cùng con sóng và trôi qua lúc nào chẳng hay.

Khi các em đã trưởng thành và có cuộc sống riêng, cảm thấy buồn và cô đơn, khát vọng được làm mẹ trong bà trỗi dậy. Năm 36 tuổi, bà làm mẹ đơn thân. Khi con gái tròn 1 năm 2 tháng tuổi, bà cho con ở với dì rồi tiếp tục những chuyến đi biển dài ngày. Có những lần, tàu của bà ra đánh bắt cá ở Vịnh Bắc Bộ, vào ra Hải Phòng bán cá, tiếp phẩm kéo dài đến 3 - 4 tháng mới về. Khi bà trở về, con gái thấy lạ, không quen hơi ấm của mẹ nên không cho bế...

Đàn ông đi biển đã vất vả, phụ nữ làm nghề biển càng vất vả trăm lần. Còn đối với bà Quang, vừa là phụ nữ lại vừa khiếm thính thì khó khăn không thể nào kể xiết. Bà chia sẻ: Không có gì khổ bằng khi phụ nữ phải đi biển. Có những lúc gặp sóng to, gió lớn tưởng chừng xô ngã mình xuống biển, mọi người hô hoán gọi nhau, tôi cũng không thể nghe được gì. Tôi chỉ biết cố gắng bám trụ, thấy họ làm gì thì mình làm nấy. Đi mãi riết cũng quen. Thấy hoàn cảnh tôi như vậy nhưng lại chăm chỉ làm việc, không sợ khó nhọc nên anh em trên tàu đều cảm thông. Bất tiện nhất là khi họ dặn tôi làm một việc nào đó thì tôi phải đứng đối diện mới hiểu được họ nói.

Bà Nguyễn Thị Liếc chuẩn bị tàu thuyền, ngư lưới cụ để ra khơi.
Bà Nguyễn Thị Liếc chuẩn bị tàu thuyền, ngư lưới cụ để ra khơi.

Tranh thủ thời gian nghỉ sau những chuyến biển dài ngày, bà Quang nhận đan lưới thuê, mỗi tháng kiếm thêm 300 - 400 nghìn đồng để trang trải cuộc sống. Cũng vì thương mẹ vất vả nên em Quỳnh học hết lớp 9 thì nghỉ học và đi làm thuê. Điều đặc biệt là Quỳnh có năng khiếu và rất đam mê ca hát. Vượt qua hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Quỳnh đã thi vào Học viện âm nhạc Huế khoa thanh nhạc.

Quỳnh chia sẻ: Em sẽ cố gắng học tập thật tốt, mong sao có công việc để mẹ đỡ vất vả. Mong muốn của em là mua cho mẹ cái máy trợ thính vì mẹ thường nói với em - mẹ được thấy  nhưng chưa bao giờ được nghe con hát. Máy trợ thính để mẹ nghe được trị giá 250 triệu đồng, vì gia cảnh khó khăn nên mẹ chẳng bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa...

Không chỉ bà Quang mà còn nhiều người phụ nữ ở Tân Xuân cũng phải bám biển để mưu sinh. Mặc dù đã già nhưng bà Nguyễn Thị Liếc (61 tuổi) vẫn cùng con trai đi biển, có những chuyến biển kéo dài 10 đến 15 ngày. Bà cho biết: Chồng tôi mất cách đây 12 năm, những đứa con của tôi đã có gia đình riêng. Cuộc đời tôi đã gắn liền với biển đã ngót 40 năm. Khi còn sức khỏe là tôi vẫn cứ đi biển, gắng được ngày nào hay ngày đó, vừa lo cho cuộc sống của bản thân vừa phụ giúp con cái...

Cứ thế, những phụ nữ Tân Xuân vẫn tiếp tục bươn chải trong cuộc mưu sinh cùng với biển.

Can trường bám biển

Ở Tân Xuân, chúng tôi được nghe, được cảm nhận về những chuyến đi biển thấm đẫm mồ hôi của những nữ ngư phủ nơi đây. Không chỉ có những người phụ nữ như bà Quang, bà Liếc mà ngay cả những phụ nữ có chồng cũng ra khơi. Họ là những người bạn đồng hành cùng chồng, cùng con trong những chuyến đi biển dài ngày. Gần 60 tuổi, dáng người bà Nguyễn Thị Thân đầy vẻ khắc khổ, khuôn mặt sạm đen, lòng bàn tay chai sần, dấu tích của hàng chục năm mưu sinh trên biển.

Khắp trong thôn ngoài xã, bà Thân cũng nổi tiếng là nữ ngư phủ kì cựu bám biển. Nhiều người đàn ông phải nể phục sức đi biển của bà. Bà Thân sinh ra trong một gia đình nghèo, lại mồ côi cha khi lên 9 tuổi. Bà là con thứ ba trong gia đình có 6 anh em. Mẹ bà cũng là người đi biển giỏi. Thương mẹ vất vả, mấy anh em bà thường xuyên thay nhau phụ mẹ đi biển. Cuộc đời bà gắn với biển thuở mới 16 tuổi, bắt đầu từ những chuyến đi biển gần bờ.

Bà Thân kể: Nghề đi biển chỉ dành cho đàn ông, là phận nữ nhi nhưng từ nhỏ tôi đã gắn liền với biển. Có lẽ, tôi có duyên với nghề biển. Năm 20 tuổi, tôi lấy chồng, chồng tôi cũng làm nghề biển. Trước đây, vợ chồng tôi vất vả lắm. Hai vợ chồng cùng con cái phải lênh đênh trên chiếc thuyền nay đây mai đó. Nhưng nhờ trời cho sức khỏe, hai vợ chồng chịu khó làm ăn nên dành dụm được ít tiền đóng con tàu nhỏ để đi biển. Tích tiểu thành đại, chúng tôi đã đóng được tàu công suất 230 CV.

Từ khi có tàu, đời tôi gắn liền với những chuyến biển dài ngày, tính đi tính lại cũng gần 20 năm. Vợ chồng tôi xây dựng căn nhà này cũng nhờ biển cả. Hiện nay, 4 đứa con của tôi đã trưởng thành, lập gia đình riêng nhưng vẫn theo cha mẹ đi biển dài ngày. Con gái đầu của tôi đã 38 tuổi, theo nghiệp mẹ đi biển cũng hơn 10 năm. Cả gia đình 6 người cùng đi biển nên mỗi chuyến biển chỉ gọi thêm 1 lao động đi cùng nữa là đủ.

Ông Việt, chồng bà Thân, chia sẻ: Phụ nữ ở đây, nếu đã quen “mùi” biển rồi thì đi biển giỏi hơn cả đàn ông. Thường thì phụ nữ giúp làm mồi câu, kéo câu, lo nấu cơm nước nhưng khi chồng mệt cũng có thể cầm lái. Vợ tôi nhìn rứa thôi chứ đi biển khỏe lắm, bám biển quanh năm, chỉ có khi mô biển có bão mới chịu nghỉ.

Dẫu biết phụ nữ đi biển vất vả, khó khăn, “nếm” đủ thăng trầm nhưng không ai có ý định bỏ nghề. Bởi đi biển cùng chồng một phần có thêm thu nhập, phần khác vợ chồng được cùng nhau làm ăn, cùng nhau chia sẻ mọi khó khăn, lam lũ nơi đầu sóng ngọn gió. Ở Tân Xuân này, cứ vào mùa cá bấc từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch, những tàu to, công suất lớn đều ra Vịnh Bắc Bộ khai thác thủy hải sản, rồi ở lại cảng Hải Phòng.

Chính vì vậy, những phụ nữ cũng theo chồng ra khơi 3 - 4 tháng mới về. Chị Nguyễn Thị Tốt đi biển cùng chồng, con đã 12 năm tâm sự: Trước đây, tôi chỉ đánh bắt cá ở vùng biển gần bờ. Năm 19 tuổi tôi lấy chồng rồi sinh con nên phải nghỉ biển một thời gian dài. Sau nhiều năm làm ăn, vợ chồng tôi đã mua được con tàu công suất 150 CV. Khi con cái đã lớn, tôi quyết định đi biển lại, vừa làm việc vừa có thể chăm sóc chồng những lúc ốm đau. Đêm trên biển lạnh cắt da, cắt thịt hay nhiều lần gặp sóng lớn có lúc tưởng bỏ mạng, nhiều lúc tôi cũng định bỏ nghề nhưng rồi không bỏ được. Quen sóng nước, lên bờ lâu là thấy nhớ biển...

Nghe những nữ ngư phủ Tân Xuân kể về nghề biển và nhìn những nụ cười hiền lành, mộc mạc đậm chất biển, tôi cảm nhận được cuộc sống đầy lạc quan và nghị lực phi thường của họ. Và tôi hiểu, những nữ ngư phủ Tân Xuân mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng ở họ có chung một điểm là sức sống bền bỉ, là nghị lực vươn lên và tình yêu với biển cả bao la.

Nguyễn Lê Minh