.

Tai nạn bom mìn với trẻ em: Nỗi đau còn sót lại

Thứ Năm, 14/08/2014, 10:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Gia đình anh Phạm Văn Bảy và chị Mai Thị Kính ở Phúc Trạch, huyện Bố Trạch có lẽ chẳng bao giờ nguôi ngoai nỗi đau mất hai đứa con trai chỉ trong một buổi trưa bởi một quả bom bi còn sót lại sau chiến tranh. Đó là một nỗi đau trong rất nhiều nỗi đau mà hậu quả bom mìn sau chiến tranh để lại. Đó cũng như là hồi chuông đáng báo động cho xã hội trong việc tuyên truyền cho trẻ em tránh xa và cảnh giác với mối nguy hiểm do bom mìn gây ra.

Những tai nạn thương tâm

Quảng Bình là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của sự ô nhiễm bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam. Trung bình, mỗi mét vuông đất đai ở tỉnh ta chứa khoảng 29kg các loại bom, mìn khác nhau. Nhiều năm qua, hàng chục người dân đã bị thiệt mạng hoặc bị thương tích do tai nạn bom, mìn gây ra.

Kết quả điều tra từ năm 1975 đến nay cho thấy, Quảng Bình có 5.847 người bị tai nạn bom mìn, trong đó làm chết 2.909 người. Từ năm 2003-2013, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 164 vụ tai nạn bom mìn làm chết 49 người, bị thương 115 người. Năm 2013, có 6 vụ tai nạn bom mìn tại tỉnh ta, trong đó Tuyên Hóa 1 vụ, Bố Trạch 3 vụ, Quảng Trạch 2 vụ. Đặc biệt, tai nạn bom mìn đối với trẻ em chiếm tỷ lệ 21% trong tổng số vụ tai nạn bom mìn.

Mới tính 6 tháng đầu năm 2014, đã có 2 trường hợp trẻ em chơi đùa với bom mìn làm chết 2 em và 2 em bị thương. Ngày 22-5, xảy ra vụ nổ bom mìn thương tâm, cháu Phạm Sỹ Hùng (9 tuổi) và em trai Phạm Hữu Khương (5 tuổi), con vợ chồng anh Phạm Văn Bảy - chị Mai Thị Kính (thôn 3, Phúc Đồng, xã Phúc Trạch) đi chăn bò thì nhặt được một khối sắt có hình tròn, thấy lạ mắt nên đem về. Khi hai cháu đem khối sắt trên ra hiên nhà, dùng kềm tác động vào, đập xuống nền xi măng, khối sắt phát nổ làm hai cháu tử vong tại chỗ. Ngày 7-1, cháu Trần Hữu Nam (SN 1996) và em trai Trần Khắc Tuấn (SN 2001) con anh Trần Khắc Minh (xã Hoa Thủy, Lệ Thủy) cũng đã bị thương nặng do chơi đùa với bom bi.

Các em học sinh được tận mắt quan sát và học cách nhận biết một số loại mìn, vật nổ thường gặp.
Các em học sinh được tận mắt quan sát và học cách nhận biết một số loại mìn, vật nổ thường gặp.

Trước đó, ngày 23-10-2013, một vụ tai nạn thương tâm do bom mìn đã xảy ra tại Trường THCS Lê Hóa. Vụ nổ làm em Hoàng Tuấn Vũ bị tử vong. Còn em Đinh Phương Nam bị thương nặng. Cả hai em đều là học sinh lớp 8A, Trường THCS Lê Hóa. Qua tìm hiểu nguyên nhân được biết, các em học sinh đã nhặt được một vật kim loại đã gỉ sắt ở bờ sông mang về chơi và phát nổ...                       

Các biện pháp phòng tránh bom mìn cho trẻ em

Tai nạn bom mìn hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người dân có ý thức đề phòng. Nhưng thực tế, phần lớn trẻ em hiện nay không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng an toàn khi gặp phải bom mìn và vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Sự nhận thức không đầy đủ dẫn tới thiếu trách nhiệm, bất cẩn và sao nhãng của cha mẹ, thầy giáo, cô giáo trong việc bảo vệ cho trẻ em có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Bên cạnh đó, môi trường sống, học tập, sinh hoạt của trẻ đang thiếu an toàn. Vì vậy, việc giáo dục phòng tránh bom, mìn cho các em ở tỉnh ta là hết sức cần thiết, đặc biệt là với những địa phương bị ô nhiễm bom, mìn mức độ cao.

Ngày 4-12-2013, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh Công binh), phối hợp các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh tổ chức buổi truyền thông, tuyên truyền cách phòng tránh bom, mìn sót lại sau chiến tranh cho các em học sinh tại Trường THCS Lê Hóa, xã Lê Hóa (Tuyên Hóa). Tại đây, thượng tá Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn- Bộ Tư lệnh Công binh đã hướng dẫn cho giáo viên và học sinh cách nhận biết một số loại mìn, vật nổ thường gặp và cách xử lý khi phát hiện các vật nghi là bom, mìn, vật nổ. Đặc biệt, các em học sinh đã được xem các đoạn phim tài liệu về bom mìn và tác hại của bom mìn.

Thượng tá Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, những buổi giáo dục cho học sinh cũng như tuyên truyền cho thầy cô như thế này có ý nghĩa quan trọng, vì hậu quả thương tâm do bom, mìn, vật nổ gây nên chủ yếu do nhận thức không đầy đủ. Các em nhìn thấy những quả bom bi, lựu đạn có hình dạng, màu sắc lạ thì hay tò mò và nghịch nên dễ dẫn đến nổ và gây ra thương vong.

Do đó, khi các em nắm được thông tin, nhận thức được sự nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của bản thân, gia đình và những người xung quanh thì các em sẽ tuân thủ các biện pháp đã được học để bảo đảm an toàn.

Để phòng tránh tai nạn bom mìn và vật liệu nổ cho trẻ em, cần nâng cao nhận thức của cha mẹ, giáo viên và cộng đồng..., đặc biệt là trẻ em về mối nguy hiểm này và các biện pháp phòng ngừa an toàn khi xử lý.

Đồng thời, dạy cho trẻ em biết cách xử lý và phòng tránh bom mìn, vật nổ: không cho trẻ em tham gia rà tìm sắt vụn, phế liệu chiến tranh; tuyệt đối không được đụng chạm, cầm, ném hoặc di chuyển bom mìn, vật nổ, vật lạ, khi nhìn thấy phải báo ngay với người lớn; không được dùng sỏi đá, que, gậy hoặc những vật khác để ném, đạp vào bom mìn, vật nổ, vật lạ; không được cưa, đục, tháo gỡ hoặc đốt cháy bom mìn, vật nổ, vật lạ; không được đi vào những vùng đã có biển báo cấm, biển báo nguy hiểm...

Phòng tránh bom, mìn cho trẻ em là hoạt động xã hội, nhân đạo, mang ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đối với thế hệ trẻ. Đây là công việc cần sự quan tâm của từng gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Thanh Hoa