.

Nhịp cầu nối bờ vui

Thứ Năm, 07/08/2014, 10:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Với nguồn vốn 9,8 tỷ đồng từ Chương trình 30a và Báo điện tử Dân Trí, huyện Minh Hóa đã xây xong chiếc cầu treo nối từ bản Hưng qua bản Ông Tú (xã Trọng Hóa). Nhịp cầu đã nối bờ vui, chấm dứt việc phải bơi qua sông của hàng trăm học sinh và người dân trong xã, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế-xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Ám ảnh chuyện bơi

Cách đây ba năm, tôi đã có chuyến đi thực tế tại bản Hưng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa. Tại đây, tôi đã nghe nhiều giáo viên phản ánh về chuyện học sinh bản Ông Tú, Ka Oóc đi học phải bơi. Để kiểm chứng điều đó, tôi ngồi chờ đến lúc tan học khoảng 11 giờ trưa.

Sau đó, có 15 em học sinh ở các bản bên kia sông chạy xuống khe, cởi quần áo cùng toàn bộ sách vở cho vào một túi ni lông thổi căng lên rồi ôm bơi qua sông. Chứng kiến cảnh tượng đó, trên người tôi nổi cả da gà giữa trời nắng oi bức.

Từ điểm xuất phát, nước đẩy các em trôi xuôi dòng hơn chục mét mới đến được bờ bên kia. Dù lúc đó, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh cùng giáo viên các lớp theo dõi mỗi khi học sinh đến lớp hoặc về nhà nhưng vẫn thấy không an tâm vì quá mất an toàn. Trung bình mỗi năm, học sinh bản Ông Tú, Ka Oóc phải nghỉ học ít nhất 1 tháng do mưa lũ lớn không bơi qua được.

Việc qua lại dòng nước này khiến nhiều người suýt bỏ mạng. Cô Cao Thị Thức, một giáo viên từng dạy ở xã Trọng Hóa nhớ lại: “Năm 2009, tôi với một giáo viên khác qua bản Ông Tú dạy học trên con đò nhỏ, ra giữa dòng gặp nước xoáy thì bị lật. Cô giáo kia  bơi được vào bờ, còn tôi thì bị nước cuốn trôi gần 200 mét nhưng may được một người dân phát hiện và cứu sống”.

Cầu treo mới được xây.
Cầu treo mới được xây.

Già làng Hồ Nhâm, ở bản Ông Tú cũng suýt chết vì một lần bơi qua con nước khe Dọi này. Ông kể: “Lúc đó, tôi có việc đi qua xã nên phải bơi, khi ra giữa dòng thì bị chuột rút khiến chân tay co lại rồi nước cuốn trôi. Cũng rất may có người phát hiện và cứu sống”. Không chỉ có học sinh mà còn hàng chục hộ dân của 2 bản vẫn luôn ám ảnh mỗi lần bơi qua sông. Và ước mơ có một cây cầu nối đôi bờ luôn cháy bỏng trong họ.

Giấc mơ có thật

Chuyến đi đó về, tôi đã có bài viết “Bơi đến trường” đăng trên Báo Quảng Bình. Sau đó, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phản ánh nên sự việc được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là các cấp chính quyền và các nhà hảo tâm, bạn đọc báo Dân Trí...

Sau khi thống nhất, huyện Minh Hóa đã cho xây dựng cây cầu treo, bảo đảm lưu thông cho cả xe thô sơ, xe máy và người qua lại. Cầu rộng 2,7m, dài 105m nối từ bản Hưng qua bản Ông Tú. Vốn đầu tư xây cầu là 9,8 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình 30a và bạn đọc Báo điện tử Dân Trí. Công trình do Ban quản lý các Dự án kinh tế miền núi huyện Minh Hóa làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần dịch vụ và thương mại 343 là đơn vị thi công. Đến thời điểm này, chiếc cầu treo cơ bản đã hoàn thành, người dân và phương tiện đã qua lại thuận tiện chứ không còn cảnh bơi nước.

Qua ba năm, chúng tôi trở lại xã Trọng Hóa. Sau cơn mưa rừng đêm trước, nước khe Dọi lại dâng cao, đục ngầu và cuộn chảy. Gặp lại già làng Hồ Nhâm đang bước đi trên cầu treo đầy phấn khởi. Ông nói: “Có cầu mới rồi, miềng và dân bản vui cái bụng quá. Cảm ơn Đảng, Nhà nước và các nhà hảo tâm đã quan tâm xây dựng cầu treo để bà con yên tâm qua lại, không phải bơi như trước nữa”. Em Hồ Bun, một học sinh ở bản Ông Tú bộc bạch: “Có cầu mới nên chúng cháu vui lắm, chừ không sợ bơi nữa mô. Đến mùa mưa lũ to chúng cháu cũng được đi học chứ không ở nhà như trước”.

Từ khi có cầu treo, bà con bản Ông Tú đã huy động cả dân làng vác cuốc, xẻng, xà beng phá đá mở một con đường nhỏ để tiện cho việc đi lại. Giờ đây, bà con có thể lên xuống bản bằng xe máy, cán bộ dưới xuôi lên công tác cũng thuận lợi hơn. Bí thư Chi bộ Hồ Phoong nói rằng: “Cầu xây xong là miềng đi mua xe máy về rồi học bằng lái luôn. Chừ ngoài xã có việc gì, miềng chạy xe máy khoảng 20 phút là tới nơi chứ không phải đi bộ, bơi sông nữa”.

Ông Đinh Xuân Tiến, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ vận động bà con trong bản, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và các đoàn tình nguyện mở một con đường cấp phối để người dân tiện đi lại”.

Xuân Vương