Số hóa tư liệu địa chí: Đường còn dài, còn gian nan
(QBĐT) - Trong những cuộc du ngoạn qua nhiều làng quê của Quảng Bình, chúng tôi may mắn được tiếp cận với một “kho vàng” di sản, đó là số lượng lớn thư tịch cổ hiện đang tản mát trong dân gian. Cùng với các tư liệu địa chí được lưu trữ tại Bảo tàng, Thư viện tỉnh, đó chính là tinh hoa, tâm huyết của bao bậc tiền nhân để lại. Vậy nhưng, điều đáng lo ngại là nếu thế hệ hậu sinh không có cách để bảo tồn, gìn giữ và số hóa thì những tinh hoa vốn dễ mất sẽ chỉ còn trong quá vãng.
Trong quá trình dịch thuật nguồn tư liệu Hán Nôm sưu tầm được tại các làng quê trên địa bàn tỉnh, ông Trương Quang Phúc (CLB Hán Nôm tỉnh) được tiếp xúc với nhiều tài liệu cổ, mà một vài tài liệu trong số đó được ông đánh giá là “vô cùng quý hiếm”. Vậy nhưng, điều khiến một người suốt đời trăn trở với kho vàng di sản Hán Nôm như ông Phúc lo ngại là phần lớn các tài liệu này đã bị hư hỏng, nhẹ thì bị sờn góc, nặng hơn thì bị mối mọt gặm nhấm hoàn toàn. Ông Phúc cho chúng tôi xem một cuốn gia phả cổ dày hàng trăm trang mà ông đang dịch. Có một điều đặc biệt, trên những trang giấy đã sờn màu, những nét chữ còn rất đều đặn và sắc sảo. Theo ông, đây là một trong những cuốn gia phả của dòng họ đầy đủ và viết hay nhất từ trước đến nay ông được tiếp cận. Thế nhưng, điều đáng buồn là các mép giấy đã bị hư hỏng nghiêm trọng, rách nát vì mối mọt. “Có lẽ khi thấy gia phả hư hại, không cứu vãn được nữa thì con cháu trong dòng họ này mới bắt đầu nỗ lực để dịch thuật, tìm hiểu gốc gác của mình. Dù sao muộn còn hơn không. Nhưng tốt nhất là phải số hóa, lưu trữ tài liệu bằng cách khác, không chỉ riêng cuốn gia phả này đâu, mà tất cả các tài liệu cổ đều cần phải làm như vậy, nếu như thực sự muốn bảo tồn”, ông chủ nhiệm CLB Hán Nôm tỉnh cho biết thêm.
Ở một số làng quê, sắc phong chỉ được mang ra vào những dịp lễ hội quan trọng. |
Một thực tế phũ phàng rằng, dù bản thân những chủ nhân của di sản giữ gìn bằng tất cả tấm lòng và trách nhiệm, thì những biện pháp bảo quản thủ công cũng không thể chống lại được sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian. Cùng với đó thì việc bảo quản, lưu trữ tài liệu cổ của người dân không đúng cách đã khiến cho “kho vàng” này càng nhanh chóng bị hư hại. Đối với các sắc phong giá trị, nhiều gia đình, dòng tộc thường cuộn tròn, bỏ vào ống rồi đặt ngay ngắn ở chỗ trang nghiêm nhất của ban thờ gia tiên. Họ chỉ tiến hành khai ấn vào những dịp lễ, tết quan trọng. Khói hương, ẩm mốc vô tình biến những tư liệu vốn mỏng manh này càng trở nên khó giữ.
Đó là thực tế của hầu hết nguồn tư liệu cổ đang tản mát trong dân gian. Còn tại Bảo tàng, Thư viện tỉnh cũng đang có chung một nỗi lo tương tự. Các tư liệu địa chí về Quảng Bình hiện đang được lưu trữ tại đây cũng đã khá cũ kỹ và đang có dấu hiệu hư hại. Theo ông Nguyễn Bá Tước, Phó giám đốc Thư viện tỉnh, hiện cơ quan này đang lưu giữ hơn 2.500 bản tài liệu địa chí với khoảng 1.000 đầu sách. Phần lớn trong số này là độc bản, trong đó có những bản chép tay trên chất liệu giấy từ rất lâu đời. Nhiều tài liệu nghiên cứu khá kỹ về mảnh đất và con người Quảng Bình những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, như: Du lịch Quảng Bình, Nghề trồng thuốc lá ở Quảng Bình...
Để bảo tồn vốn quý này, Thư viện tỉnh có chủ trương quản lý chặt chẽ, cẩn thận. Bạn đọc nếu muốn tiếp cận kho tư liệu này thì chỉ có thể được đọc tại chỗ. Và lẽ đương nhiên, cùng chung số phận với tất thảy những tài liệu cổ nhuốm màu thời gian khác, những tư liệu địa chí tại Thư viện tỉnh hiện cũng đang đứng trước nguy cơ bị hư hại. Năm 2014, cơ quan này cũng đã tiến hành phục chế, đóng lại bìa cho một số tư liệu cũ, trong đó có một số bản đồ về địa lý tự nhiên tỉnh Quảng Bình xuất hiện cách đây hơn cả trăm năm trước. Vậy nhưng, đó chỉ là những biện pháp tạm thời, trước mắt. Về lâu dài, cần phải có biện pháp lưu trữ, bảo tồn tư liệu cổ ấy bằng nhiều cách hiện đại và hiệu quả hơn. Một khi tài liệu địa chí trong kho thư viện được số hóa sẽ giúp bạn đọc dễ dàng tìm đọc tài liệu qua hệ thống máy tính, có thể đọc được tài liệu ở mọi lúc mọi nơi bằng các thiết bị điện tử, các thư viện cũng có thể dễ dàng chia sẻ thông tin với nhau. “Cái khó của đơn vị là nguồn kinh phí. Bởi nếu muốn số hóa tư liệu, cần có một máy scan chuyên dụng có thể scan cho tư liệu khổ lớn. Mà rõ ràng, những máy móc hiện đại như vậy thì thường rất tốn kém”, ông Tước khẳng định.
Nhiều tấm bản đồ quý đang bị phai màu theo thời gian. |
Trước thực tế đáng ngại ấy, sau nhiều năm ấp ủ, tháng 7-2016, đề tài “Nghiên cứu, sưu tầm và dịch một số tư liệu Hán Nôm quan trọng có liên quan đến tỉnh Quảng Bình” đã được triển khai. Đây là đề tài do Bảo tàng Tổng hợp tỉnh chủ trì, ông Trương Quang Phúc, Chủ nhiệm CLB Hán Nôm tỉnh làm chủ nhiệm. Công tác sưu tầm không tiến hành tràn lan mà chỉ tập trung vào các thư tịch cổ quan trọng có liên quan đến quá trình hình thành và phát triển tỉnh Quảng Bình. Bởi hiện tại, ngoài các văn bản viết về Quảng Bình được lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, một số ít ở Bảo tàng Tổng hợp, Thư viện tỉnh còn phần lớn các tư liệu cổ vẫn còn tản mát trong dân gian. Theo ông Phúc, sau hơn một năm bắt tay vào thực hiện đề tài, hiện nhóm đã tiến hành dịch gần hết số lượng tài liệu sưu tầm được; càng dịch, càng khám phá ra được những điều thú vị và quý giá từ lịch sử, từ cha ông. Trong đó, có những tài liệu thực sự rất quý hiếm và hàm chứa nhiều giá trị.
Nhưng, điều quan trọng là để những giá trị ấy phát huy trong thực tiễn đời sống, những tư liệu sưu tầm, dịch nghĩa được cần phải được bảo quản dưới dạng hiện đại, số hóa tất cả tài liệu, đồng thời đưa lên mạng internet để nhiều người có thể cùng truy nhập và các học giả có thể cùng nghiên cứu. Để thực hiện được điều này cần rất nhiều kinh phí. “Đường còn dài, còn nhiều gian nan phía trước, trong khuôn khổ của một đề tài khó lòng thực hiện được”, ông chủ nhiệm CLB Hán Nôm khẳng định.
Diệu Hương