Mở thư viện ở làng
(QBĐT) - Những năm qua, các “thư viện nông dân” do Hội Nông dân (ND) kết hợp với Thư viện tỉnh thành lập ở các làng quê trong tỉnh đã thu hút hàng ngàn lượt người đến đọc. Khi đến với các “thư viện nông dân”, người nông dân và bà con không chỉ được đáp ứng nhu cầu văn hoá đọc mà thư viện còn là kho kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và pháp luật... thiết thực với cuộc sống.
Đưa kho kiến thức về làng
Phần lớn người nông dân ở tỉnh ta quanh năm chân lấm, tay bùn, chăm chỉ làm ăn, thế nhưng cơ hội để tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là kiến thức về văn hóa, xã hội của bà con còn rất hạn chế.
Trước thực tế đó, từ tháng 10-2013, Hội ND tỉnh tiến hành mở ra các “thư viện nông dân” đặt tại các làng quê thuần nông như: Vĩnh Ninh, Võ Ninh (huyện Quảng Ninh); Đồng Sơn (TP. Đồng Hới); Đại Trạch (huyện Bố Trạch); Phù Hóa (huyện Quảng Trạch)...
“Thư viện nông dân” đầu tiên được thành lập và đặt ngay tại nhà của ông Phùng Xuân Ngõ (74 tuổi), một hội viên nông dân ở thôn Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh. Không chỉ cho trưng dụng nhà đặt thư viện miễn phí, 2 vợ chồng ông Ngõ còn kiêm luôn thủ thư không công, luôn nhiệt tình đón tiếp bà con nông dân trong vùng.
Chính vì vậy, từ ngày thư viện đi vào hoạt động, bà con nông dân trên địa bàn rất hồ hởi đón nhận, cứ những lúc rảnh rỗi việc đồng áng lại tìm tới thư viện để đọc sách báo, tìm hiểu kỷ thuật làm ăn. Tròn 4 năm qua, không kể buổi sáng, trưa, chiều, tối... cứ có thời gian rảnh rỗi là ông Hàn Đình Đức (65 tuổi) đều đạp xe tới thư viện để được đọc sách, báo.
“Tui là nông dân quanh năm suốt tháng lục cục ngoài đồng, ngày đi làm tối về có xem ti vi hoặc nghe đài rồi đi ngủ chứ làm chi có sách, báo mà đọc. Từ ngày có thư viện do Hội ND lập, tui được đến đây đọc sách báo miễn phí, không chỉ nâng cao kiến thức về chính trị, xã hội mà tui còn học được nhiều cách thức làm ăn hay” – Ông Đức chia sẻ.
Thư viện nông dân đầu tiên được Hội Nông dân tỉnh lập ở nhà ông Phùng Xuân Ngõ. |
Theo thủ thư của thư viện cho biết, để tạo điều kiện cho nhiều người được đọc sách, báo, thư viện còn có thể cho nông dân mượn sách về nhà đọc nhưng với đi điều kiện phải đem trả đúng thời gian quy định để cho nhiều người khác cùng được đọc. Thế nên, không biết từ bao giờ, thư viện trở thành nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất của những người nông dân chân chất.
Tại một “thư viện nông dân” khác đặt ở nhà văn hóa tiểu khu 10 phường Đồng Sơn (TP.Đồng Hới), do ông Nguyễn Trọng Hòa, Chi hội trưởng Chi hội ND tiểu khu 10 làm thủ thư, ngày nào trong tuần cũng có người tìm đến đến để đọc sách. Nhiều người khi tới thư viện còn dẫn theo con, theo cháu để cùng đọc sách báo.
Ông Lê Thanh Cao (57 tuổi), một đọc giả quen thuộc của thư viện chia sẻ: “Mỗi lần tới thư viện tui đều dẫn mấy đứa cháu đi theo. Mình đọc những cuốn về kỹ thuật sản xuất, pháp luật... còn cho các cháu đọc sách văn học, truyện thiếu nhi. Lâu dần cũng thành quen, tuần nào chúng cũng bắt tui dẫn đến thư viện”
Hiện nay, tại “thư viện nông dân” đặt ở nhà ông Phùng Xuân Ngõ đã xây dựng được gần 1.500 đầu sách, báo, tạp chí. Tại các thư viện còn lại cũng đã có từ 250 đầu sách, báo, tạp chí... trở lên với nhiều thể loại phong phú, phục vụ nhu cầu thiết thực của bà con nông dân như: sách kỹ thuật phục vụ sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, phổ biến kiến thức pháp luật... mà còn nhiều loại sách phục vụ các đối tượng khác. Thế nên, với các “thư viện nông dân”, kho kiến thức đã đưa về làng, gần hơn với người nông dân.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng ban Tuyên giáo Hội ND tỉnh cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, các “ hư viện nông dân” mở cửa liên tục các ngày trong tuần. “Điều đáng mừng là từ khi mở cửa đến nay, các thư viện đã hoạt động rất hiệu quả, thu hút được hàng ngàn lượt người đến đọc sách và nghiên cứu tài liệu.
Bạn đọc của “thư viện nông dân” không chỉ là những người nông dân hay cán bộ hội mà còn thu hút nhiều thanh niên và học sinh trên địa bàn... Đây thực sự là kênh tiếp cận thông tin hữu ích, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật và là địa chỉ sinh hoạt văn hoá, tinh thần cho người dân nông thôn..”, ông Thành chia sẻ.
Theo ông Thành, hiện nay Hội ND tỉnh đang thống kê, luân chuyển và bổ sung mới (mỗi thư viện 150 cuốn) đầu sách cho các thư viện, để các thư viện trên được duy trì tốt và ngày càng phát triển. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hát triển thêm nhiều thư viện ở các làng quê, vùng nông thôn khác, đáp ứng tốt hơn nhu cầu văn hoá đọc của nông dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo các thủ thư tại các “thư viện nông dân” để thư viện ngày càng phát triển, rất cần sự hỗ trợ, cung cấp thêm nhiều những nguồn tài liệu bổ ích và sách báo hơn nữa nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đọc bà con nông dân.
Phan Phương