.

Cho riêng tôi một nước Nga nho nhỏ

Thứ Sáu, 17/11/2017, 10:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Dẫu chưa một lần đến nước Nga rộng lớn xa xôi, nhưng từ lâu tôi đã luôn có cho riêng mình một nước Nga nho nhỏ rộng chừng mười mét vuông. Ấy là những chiếc xe tăng đã gắn bó với tôi suốt bốn năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Là tôi tính khoảng rộng trong lòng xe, gồm buồng lái xe khá chật hẹp dành riêng cho mỗi mình tôi. Buồng chiến đấu tương đối rộng hơn cho pháo thủ, pháo hai và trưởng xe; và cùng với căn hầm cạn dưới gầm xe mỗi khi đóng quân dài ngày đâu đó trong rừng hay dưới tán cao su. Tôi từng gắn bó với nhiều loại xe: T34 (Tê ba tư, ba mươi hai tấn - “năm anh em trên một chiếc”) loại xe từng là nỗi kinh hoàng của quân đội phát xít Đức trong thế chiến hai; T54 (Tê năm tư, 36 tấn với tính năng vượt trội). Xe thiết giáp K63 chở cả một tiểu đội bộ binh cơ giới...đều cho chúng tôi riêng một khoảng không, mà bây giờ đây khi cuộc chiến đã lùi rất xa, tôi có thể gọi đó là “ Không gian văn hóa Nga đích thực”.

Vì sao vậy? Vì trong lòng mỗi chiếc xe ấy dày đặc “tiếng Nga” ở mỗi bộ phận. Tôi có hai năm học tiếng Nga ở trường đại học. Là lái xe, dựa vào tính năng của bộ phận, tôi phiên ra nghĩa của từ, đọc vanh vách khiến “các cha” pháo thủ với trưởng xe phục lăn. Từ nào không phiên được, tôi giở từ điển.

Không phải chỉ từ điển Nga-Việt, rời cổng trường khoa Ngữ Văn bước lên chiếc xe quân sự ngày nhập ngũ tôi “đa mang” theo khá nhiều sách trong ba lô, chủ yếu là tác phẩm văn học Nga. Có lẽ vì hồi ấy văn học Nga ngự trị trong chương trình đại học, mà còn bởi tính nhân văn hấp dẫn. Không phải chỉ mình tôi, nhiều bạn khác cũng cố cõng theo, nhưng chặng đường hành quân dã ngoại trên đôi vai chưa quen vác nặng của “lính cậu” khiến nhiều chàng, dù tiếc rẻ, cũng đành giã từ dần. May cho tôi, sau ba tháng huấn luyện bộ binh được chuyển sang tăng-thiết giáp nên “bảo tồn” được cái thư viện quý báu này. Thư viện! Danh từ này là cách gọi của một cậu pháo thủ phiên chế xe khác. Anh ta tên Sơn, quê Hà Tĩnh, nguyên là sinh viên đại học hàng hải, giữa chiến trường mà suốt ngày ư ử tiếng Anh với giấc mộng sau chiến tranh sẽ làm “Thủy sư đô đốc”. Một hôm cầm sách qua gầm xe tôi học chán chê, rồi bỗng nói: “Cho tao gửi vào cái “thư viện’ của mày để đi ra đây một tý!”. Cái danh xưng gọi thành quen đến mức nhiều khi cần lấy bột canh, lương khô hay đạn AK để ra suối bắn cá cũng nói: “lên thư viện mà lấy”.

Những năm tháng ở chiến trường, giữa hai chiến dịch, lui về trong các cánh rừng, tôi bắt đầu trình diễn khả năng “thủ thư” của mình. Cũng không nhiều lắm, nhưng toàn hàng độc: “Sông Đông êm đềm” của Sô-lô-khốp đủ cả bốn tập. “Đubrốp ski- Người con gái viên đại úy” và tập “Thơ tình” của thi hào Pu-skin “Con đường đau khổ” của A-lếch-xây Tôn-xtôi, tập truyện của Pau-top-ski... Riêng một cuốn kinh điển của học sinh phổ thông hồi ấy là “Thép đã tôi thế đấy” thì không mang theo. Có lẽ, một phần vì tôi gần như đã thuộc từng đoạn ngắn, phần vì chính cái tính phổ cập đến mức thông dụng của nó. “Chiến tranh và Hòa bình”, riêng tác phẩm này thì với tôi là cả một câu chuyện dài. Số là, tập truyện gồm ba tập dày và rất nặng. Ngày nhập ngũ, tôi cứ đắn đo mãi, cuối cùng phải bỏ lại, chỉ mang theo một tập có cái chương kể về công tước An-drây Bôn-côn-ski tham chiến và bị thương nặng nằm ngắm bầu trời Au-stec-lit, để rồi cũng chính tôi, một anh chàng nhà quê lên thủ đô học đại học, nhập ngũ chiến đấu, bị thương nặng mang đầu máu nằm ngửa giữa bãi cát cũng mơ màng ngắm bầu trời Au-stec-lit-Quảng Trị. Xe tôi có pháo thủ Hoa Xuân Toàn, sinh viên đại học nông nghiệp (sau này trong trận Cửa Việt đã lập công rất lớn). Lại có cậu pháo hai người dân tộc Thổ, quê Cao Bằng, tên Lền. Trưởng xe tên Thôn người Thái Bình. Khi cao hứng thì một tên đọc cho cả bọn nghe nhưng thường thì mỗi người một cuốn. Các xe khác cũng đến “thư viện” của tôi mượn sách. Buồn cười, hồi đó mà cũng đã có thói “cửa quyền”. Một cậu bảo: “Xe mình cho bọn chúng mượn sách thì chúng phải cho xe mình cái gì chứ!”.

Chúng tôi còn hát khá nhiều những ca khúc Nga. Thú thực, hồi ở trường đại học, tôi học tiếng Nga rất kém. Phần vì không có năng khiếu ngoại ngữ, phần vì suất cơm sinh viên lửng quá. Thậm chí khi nhập ngũ, tôi và anh bạn Hải Triều còn nợ môn tiếng Nga cuối năm hai. Nhưng hát thì lại là chuyện khác. Tôi thuộc khá nhiều ca khúc trữ tình Nga và hát được cả hai thứ tiếng Nga-Việt. Các thành viên trong trung đội xe tăng khoái lắm, cứ tập hợp dưới gầm xe tôi để nghe và tập. Từ Ka-chiu-sa, Đôi bờ, Chiều Mát-xcơ-va, Thanh niên sôi nổi, Cây liễu nhỏ. Đến cả nhạc Ý như Xan-ta-lu-xia, Trở về Xo-ri-en-to cũng hát bằng tiếng Nga. Một lần, có cậu pháo thủ tên Pẩu từ trung đội khác sang chơi, Lền tung ra với người đồng hương một tràng tiếng Thổ khiến chúng tôi ngơ ngác. Gặng hỏi, hắn thú nhận là đã nói với Pẩu rằng, khi nào rỗi thì qua đây hát tiếng Nga, hay lắm...

Cứ thế được khá lâu. Cuối bảy hai, tôi và Toàn được điều về Quảng Trị nhận xe khác. Phải đi bộ ba chục cây số. Tôi đành san sẻ bớt cho các bạn ở lại, chỉ cõng đi vài cuốn thân thiết nhất. Về Cửa Việt, tôi lại có không gian để hát và tập cho đồng đội ca khúc Nga rất nổi tiếng trong thế chiến 2 của Xê-đôi “Chiều hải cảng”. Thậm chí, đại đội trưởng còn thửa đâu về được một cây ghita. Cứ chiều chiều trên bãi cát Cửa Việt, khi hoàng hôn tím sẫm phía chân trời, mặc pháo hạm ùng oàng bay qua trên đầu, mặc bom B52 nổ dài đến hụt hơi đâu đó, chúng tôi cứ vô tư cào lên phím đàn và gân cổ hát: Chiều xuống, chiều dần buông / Lặng lẽ trời mờ sương/ Đêm về sóng lênh đênh êm trôi rì rào...

Và rồi, việc gì phải đến cũng đến. Hiệp định Pari được ký kết. Các nhà chiến lược quân sự cả hai bên đều đủ thông minh để hiểu rằng, cần phải tranh thủ chiếm lấy cảng Cửa Việt trước khi ngừng bắn theo tinh thần hiệp định. Và, trận đánh cuối cùng diễn ra ác liệt kéo dài từ khoảng 3 giờ sáng đến hơn bảy giờ giữa đại đội tăng thiết giáp của chúng tôi với gần hai chiến đoàn đối phương. Tôi và pháo thủ Toàn thoát chết trong tích tắc...

Cái “thư viện” nho nhỏ và không gian văn hóa Nga của tôi đã “tuẫn tiết” cùng với chiếc xe tăng mang số hiệu 704. Nhưng, trong trái tim tôi, hình bóng con chữ trong những trang sách, dư âm giai điệu bất hủ của những ca khúc trữ tình Nga của những ngày tháng cam go nhất của đời người mãi mãi không bao giờ phôi phai.

Nguyễn Thế Tường