.

Người quen kẻ lạ

Chủ Nhật, 23/07/2017, 15:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Đã thành lệ, sáng mùng một Tết, nhóm chức sắc trong tổ dân phố lại đảo một vòng thăm khắp lượt “thần dân” trong tổ. Kiểu đi chúc Tết tập thể như thế thực ra là để che giấu tâm lý sợ trách nhiệm.Bởi nếu độc hành du xuân ngày đầu năm và lại là người “đạp đất”, chẳng may năm đó nhà người ta gặp xui xẻo thì rất dễ bị “truy trách nhiệm”. Vậy nên cứ dàn hàng ngang xông vào, nếu cả năm đụng eo sèo rủi ro, chủ nhà cũng chẳng thể trách ai, có chăng là trách chung, mà chung là chẳng nhằm vào ai cả nên chả ngán. Là tổ phó dân phố, tất nhiên tôi luôn có mặt trong những chuyến “vi hành” đầu xuân như thế.

Cũng một lần đi chúc Tết bà con trong tổ, tôi gặp lại chị; lúc đầu cứ ngờ ngợ, không tin là người bạn học cùng khóa hơn ba mươi năm trước nay lại là láng giềng gần. Chị thay đổi nhiều, tất nhiên, nhưng tôi vẫn nhận ra sau vài câu thăm hỏi. Tôi vui, hào hứng nhắc lại kỷ niệm trường xưa lớp cũ, với những lam lũ thuở thiếu thời, đinh ninh nhận được sự đồng cảm. Nhưng đáp lại hồ hởi của khách là sự gượng gạo, chỉ ừ à cho qua chuyện của chủ nhà; hình như chị không muốn gợi lại một thời khốn khó. Nhìn vẻ hững hờ, có phần lảng tránh của người bạn học năm xưa, tôi mất hứng, chủ động tắt “phát”, chỉ ngồi “thu”.

Nhìn chị thay chồng tiếp khách, tôi giật mình nhận ra người quen này nay lạ đến không ngờ. Nếu không được anh tổ trưởng rỉ tai trước khi vào nhà thì tôi nghĩ chị là sếp chứ chẳng phải bà nội trợ-vợ sếp. Giọng chị vênh lên đầy vẻ trịch thượng trước những thuộc cấp của chồng; cứ luôn mồm gọi em kêu chú, dù chỉ nhìn thoáng qua, tôi chắc các “chú em” cũng đều vào hàng anh của chị. Chị cũng chẳng cần giữ ý xã giao như thường thấy ở nhiều người trong ngày Tết. Khi một vị khách hỏi, bức tranh anh ta tặng hôm tân gia sao không thấy; chị gạt ngang: “Tặng là việc của chú, treo hay không tuỳ gia chủ!” Như để thêm thân tình, một người đề nghị nâng cốc với chủ nhà nhưng bị phủ đầu: “Khách không được mời chủ!?” Ngồi một lát thì có người tới nhà đưa giấy mời chồng chị dự buổi gặp mặt đồng hương đầu năm. Chị nhìn lướt qua mảnh giấy rồi nhăn mặt, xổ giọng bề trên: “Ông xã tôi có trách nhiệm với cả tỉnh, không thể sa đà vào đồng hương xóm để người ta dị nghị!” Chị còn đi xa hơn khi hỏi chuyện cơ quan chồng giống như cấp trên trong cuộc; kế đó là những nhận xét bình luận về công việc và nhân sự, ra vẻ lãnh đạo lắm. Chắc chị chẳng vô tình khi vòng vo kể lể, đúng hơn là “nêu gương” những thuộc cấp của chồng chu đáo, biết điều với gia đình sếp bằng giọng cảm tình không giấu giếm.

***

Nhớ lại thời đi học, kỷ niệm “đỉnh” nhất về chị là đi trễ, trễ quanh năm suốt tháng. Ngoài học đường, cô học trò nhà khó nào thư thả được đâu. Bằng chứng là mỗi sáng đến trường, chị thường đèo theo những bó rau, mớ củi xuống chợ bán rồi mới lật đật đến lớp. Nhiều sáng mùa đông mưa phùn gió bấc, đạp xe ngang qua chợ huyện, tôi nhìn cô bạn học với nón cời áo vá, ngồi thu lu chờ bán từng mủng khoai rổ sắn mà lòng ái ngại. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh mãi trong tôi, dẫu chị đã nghỉ học từ giữa năm lớp 11. Sau này, về họp lớp, tôi nghe các bạn bảo, giờ chị có chồng làm lớn nên khác lắm.

Tranh minh họa
Minh họa: Tiến Hành

Nhắc chuyện đi học trễ của chị là nhớ chú Thọ bảo vệ của trường. Chẳng rõ chức danh chính thức là gì nhưng việc của chú là đánh trống, coi ngó cổng cửa trường lớp và nhắc nhở học sinh chấp hành nội quy. Hồi đó, chú mới ngoài năm mươi nhưng tóc đã bạc nhiều. Dịp lễ hay thứ hai chào cờ, chú mới diện xa-vin đóng thùng, ngày thường chú bận bộ đồ nâu nên trông càng... cổ kính. Sáng sáng chú đứng ngay gốc phượng gần cổng, lặng mẽ quan sát đám học sinh ùa vào sân trường. Chốc chốc chú lại vẫy một đứa tới gần để nhắc vì quên kéo khóa quần hoặc bảo nhớ chải tóc khi đến lớp. Lắm lúc chú tự tay sửa lại cổ áo hoặc cài lại cúc cho một nam sinh nào đó.

Tất nhiên, chuyện đi trễ của cô bạn tôi vừa gặp lại không thể qua mắt chú Thọ. Sau khi đánh trống vào lớp, chú đóng cổng trường; trễ vài phút, chỉ nhắc nhở rồi cho vô; trễ hơn thì ghi tên để trừ điểm thi đua. Lúc đầu, cô bạn hay đi trễ luôn có tên trong “sổ đen” của chú. Nhưng rồi, chú đổi ý sau lần thấy cô đèo sau xe bó củi che khuất cả người đứng ngoài cổng khi tiết học thứ nhất đã bắt đầu khá lâu. Có lẽ do không bán được củi nên cô chở luôn đến trường. Chú Thọ đứng lặng, tròn mắt nhìn rồi bước lại gần hỏi chuyện người đang bối rối với mồ hôi lấm tấm trên trán; sau cùng, chú hé cổng cho vô. Cô còn đi trễ dài dài nhưng không bị nhắc nhở, phê bình nữa; hơn thế, chú Thọ còn chỉ cho lối vào lớp mỗi khi đến muộn; đó là cái cổng phụ phía sau trường, dẫn vào khu tập thể giáo viên. Được “xi nhan” nên mỗi bận vội vã tới trường sau khi bán xong mớ nông sản nào đó, cô vào học bằng lối ấy. Những bữa đó, cô bước phăm phăm như chạy, mặt cúi gằm, cứ như sợ người khác bắt gặp.

Một hôm, đi ngang hành lang trước phòng hiệu trưởng, tôi nghe vọng ra những lời đối đáp, một gay gắt bực dọc, một thanh minh giải bày. Tò mò, tôi đứng lại, dỏng tai; nghe rất rõ giọng thầy hiệu trưởng chấn chỉnh chú Thọ: “ Sao anh có thể làm như thế? Trong khi anh nghiêm khắc với các em khác nhưng lại ưu ái cô học trò trễ hết lần này đến lần kia!? Chính các em học sinh đã phản ánh với ban giám hiệu là chú Thọ thiên vị...”. “Tôi xin lỗi thầy nhưng sự thật là thế này thầy ạ... Hoàn cảnh em đó rất đáng thương...” Giọng chú Thọ đứt đoạn rồi nhỏ dần, khiến tôi không thể nghe tiếp.

Chú buồn. Liền mấy ngày sau chú phờ phạc thẫn thờ, ra vô vật vờ. Chú bất ngờ kín tiếng, hình như ngại nhìn cả đám học sinh vốn “rét” chú xưa nay. Đã thế, ngày ngày không còn thấy chú đứng nơi cổng uốn nắn đám người đứng sau “ma quỷ”. Không lâu sau, chú chuyển khỏi trường.

***

Tốt nghiệp đại học sư phạm, về sở giáo dục chờ nhận công tác, tôi gặp lại chú Thọ. Tái ngộ người xưa, chú cháu đều mừng. Mấy ngày nằm chờ việc, tối nào tôi cũng cuốc bộ từ nhà khách sang phòng bảo vệ của chú chuyện trò đến khuya. Coi tôi như người bạn, chú tâm tình sẻ chia đủ chuyện; lang thang bao đồng rồi lại quay về mái trường hai người từng gắn bó. Giọng chú buồn buồn lẫn nuối tiếc khi nhắc lại việc phải xa ngôi trường ấy. Chú bảo, sau lần gặp thầy hiệu trưởng, chú nghĩ nhiều lắm. Dẫu lãnh đạo nhà trường và thầy cô đều thấu hiểu cảm thông sự ưu ái chú dành cho cô bé đi trễ nhưng còn học sinh, các em sẽ nghĩ gì về người luôn nghiêm khắc với chúng mỗi khi mắc lỗi nhưng lại bao che người đi muộn. “Trong khi tôi vẫn hay răn dạy học trò về sự công tâm công bằng nhưng dưới mắt các em tôi đã làm điều ngược lại. Đã vậy, nếu tôi còn ở đó, không những bị các em xem thường mà kỷ cương của trường cũng vì tôi mà phần nào mất đi sự tôn nghiêm”. Đó là lý do khiến chú chọn quyết định khó khăn-xin nghỉ việc. Nhưng lãnh đạo đã điều chú về sở công tác.

Khi ở cùng khu tập thể của sở giáo dục, tôi thường tạt qua thăm chú. Không con, vợ mất, thỉnh thoảng mới có mấy đứa cháu họ dưới quê lên thăm nên suốt ngày chú thui thủi trong căn hộ chung cư; làm bạn với mấy thú cưng và ti-vi là chính. Sáng sớm và chiều muộn, chú thường bắc ghế ngồi nơi ban công, nhìn mông lung vô định. Đã có lần tôi định nói với chú, cô học trò nghèo từng được chú che chở năm xưa nay ở cùng tổ dân phố đấy. Nhưng tôi đắn đo rồi thôi, bởi nói ra chắc chú buồn khi biết người quen xưa đã hóa ra kẻ lạ.

Chú Thọ đã trải những ngày sống khổ cuối đời do bị liệt nửa người. Mỗi lần tôi ghé thăm, chú ngước nhìn với đôi mắt ngấn nước, miệng lắp bắp mà không cất nên lời. Mấy đứa cháu thay nhau lên chăm chú rồi thuê người hỗ trợ, tiền bạc cũng vì thế nối nhau ra đi. Những đồng nghiệp cũ, nhiều cựu học sinh trường huyện hay tin đến thăm đông, bà con láng giềng cũng không nỡ khép lòng ngoảnh mặt. Ban cán sự tổ dân phố đứng ra quyên tiền giúp chú.

Xin được nói ngay, từ khi có chân trong nhóm “quyền lực” của tổ, điều tôi ái ngại nhất là đi vận động đóng góp tài chính. Hộ nghèo khó kẹt đã đành, người giàu thì chắc gì ai cũng sẵn lòng mở túi. Vậy nên mỗi lần gõ cửa các nhà làm cái việc không mong đợi ấy, tôi lại mơ hồ lo lo, tưởng như mình đem tin buồn đến cho họ vậy. Ai vui vẻ nộp, tất cho người thu nhẹ lòng; ai càm ràm nhăn nhó, khiến kẻ nhận cũng rầu theo.

Lần đi quyên tiền giúp chú Thọ, tôi nản lòng ngay khi đến nhà cô bạn học ngày xưa. Tất nhiên, “mở màn thuyết khách”, tổ trưởng đều nêu vắn tắt lý do việc làm, vài nét về người cần giúp nhưng như thế chưa đủ để chị nhận ra người quen thuở trước. Tôi toan nói rõ hơn về người chị từng hàm ơn nhưng nhìn vẻ khinh khỉnh của chủ nhà, thấy ghét nên thôi. “Ai chủ trương việc này?”; “Việc quản lý chi tiêu khoản tiền thu được?”; “Có công khai với bà con trong tổ?”... Đáp lại chất vấn lẫn hoài nghi của chị, tổ trưởng giải thích cặn kẽ, với giọng điềm đạm kiên trì đến nhẫn nại. Chủ nhà chuyển sang kêu ca giữa trời: “Cứ đặt ra hàng trăm khoản thu, chỉ chết người nghèo!” Chị còn đi xa hơn khi dự cảm về những khuất tất phía sau việc thiện: “Lắm khi đóng góp nhiều nhưng chắc gì đã đến được người cần giúp”. Cũng như tôi, tổ trưởng ngồi bất động, nhìn trân trân vào tường rồi cúi xuống, thở dài. Lâu sau anh bật dậy, bất ngờ lớn tiếng: “Chị đã nói vậy thì thôi!”. Anh quay lưng dứt khoát, tôi lặng lẽ đi theo. Ra khỏi ngôi nhà sang trọng ấy, lòng tôi dại đi trong nỗi đau chợt đến.

Khi chị nhận ra người quen thì đã muộn; ấy là hôm truy điệu chú Thọ. Đứng lẫn trong đám đông bà con cùng phố, chị lặng nghe trưởng ban lễ tang đọc lời điếu, trong đó có tóm tắt quá trình công tác của người đã khuất. Chị đứng sững, há hốc nhìn di ảnh nhòa sau khói hương; cúi mặt rồi lại ngước lên, đôi mắt căng tròn bỗng nhòa lệ.

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Hoạt