.

Các trọng điểm trên đường 12A lịch sử

Thứ Hai, 17/07/2017, 14:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong hệ thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình, đường 12A trên tuyến Đông – Tây vượt dãy Trường Sơn là một trong những con đường được khai mở sớm nhất, có vị trí quan trọng, là điểm nút chiến lược về giao thông vận tải chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam và nước bạn Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đường 12A do Pháp xây dựng bắt đầu từ ga Tân Ấp (Tuyên Hóa) đến tận biên giới Việt – Lào với tổng chiều dài gần 75 km, được chia làm hai đoạn: từ Tân Ấp đến xóm Cục chủ yếu đi bằng xe lửa và từ xóm Cục vượt đèo Mụ Dạ tới Naphao (Lào) đi bằng đường dây cáp hay gọi là “không trung thiết lộ”. Năm 1953, Liên khu IV cho khôi phục, sửa đường và làm cầu cống dã chiến. Năm 1954, đường cơ giới từ Tân Ấp đến Naphao (Lào) được khai thông. Năm 1957, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục khôi phục và mở rộng  đường 12A từ ngã ba Khe Ve tới đèo Mụ Dạ dài hơn 45 km, xây dựng cầu cống bằng bê tông vĩnh cửu, thông xe toàn tuyến. Năm 1964, theo thỏa thuận của chính phủ hai nước Việt Nam và Lào, tuyến đường 12B được sửa sang nối từ đèo Mụ Dạ đến ngã ba Lằng Khằng. Từ đây, ta lại mở thêm đường rẽ nối với đường 9 gọi là đường 129.

Trước năm 1965, đường 12A là tuyến đường ngang vượt Trường Sơn duy nhất có thể vận tải cơ giới. Trong kháng chiến chống Mỹ, mặc dầu địa hình vô cùng hiểm trở nhưng đây là huyết mạch giao thông, đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, vũ khí qua nước bạn Lào rồi chuyển tiếp vào chiến trường miền Nam. Vì vậy, khi phát hiện được, đế quốc Mỹ đã tập trung không quân đánh phá dữ dội hòng cắt đứt tuyến chi viện chiến lược của quân và dân ta. Chúng điên cuồng ném bom đánh phá các hậu cứ, ngầm, cầu suốt dọc cả tuyến đường 12A từ ngã ba Khe Ve đến tận đèo Mụ Dạ. Nhiều trọng điểm địch liên tục dội bom khốc liệt như Khe Ve, Bãi Dinh, La Trọng, đồi 37, Cổng Trời, Cha Lo, đèo Mụ Dạ...

Để giữ vững mạch máu giao thông quan trọng này, đội thanh niên xung phong (TNXP) C759 gồm những chàng trai, cô gái huyện Tuyên Hóa được thành lập tăng cường lên chốt ở các trọng điểm trên đường 12A. Với quyết tâm “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, mỗi trọng điểm là một trận địa kiên cường, lực lượng TNXP cùng với bộ đội, chiến sĩ đã không ngại gian khổ, hiểm nguy, vượt qua mưa bom bão đạn, anh dũng chiến đấu, bắn hạ nhiều máy bay địch, bảo vệ tuyến đường, bảo đảm chi viện kịp thời cho chiến trường.

Đài tưởng niệm di tích lịch sử Bãi Dinh.
Đài tưởng niệm di tích lịch sử Bãi Dinh.

Là điểm xuất phát của đường 12A, ngã ba Khe Ve là điểm tập kết hàng hóa, vũ khí, nơi tổ chức vận tải cơ giới vượt khẩu “lật cánh” đầu tiên của Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn để chuyển vào chiến trường. Từ năm 1965 đến 1973, hỏa lực không quân Mỹ luôn tập trung đánh phá ngăn chặn rất khốc liệt, tháng cao điểm hơn 600 lần nhưng quân và dân ta vẫn kiên cường, dũng cảm chiến đấu bảo đảm thông suốt cho tuyến hành lang chi viện chiến lược.

Tại Km số 6-8 trên đường 12A, La Trọng là khu vực có cầu, ngầm, đèo,  cũng là nơi đặt kho trung chuyển. Mùa khô 1965 - 1966, địch đánh sập cầu La Trọng khiến cho việc vận chuyển hàng hóa rất khó khăn qua các suối, ngầm. Từ năm 1966-1968, địch tập trung đánh chặn ở suối, ngầm La Trọng, lúc cao điểm  chúng huy động trên 900 lần máy bay ném bom đánh phá gây sình lầy, tắc đường nhiều km. Trong lúc đó, xăng dầu, lương thực và vũ khí chi viện cho 559 bị đứt quảng, bộ đội và TNXP buộc phải cõng xăng dầu bằng ba lô, ống bương vượt qua hàng rào lửa đạn của giặc để chuyển tiếp vào chiến trường. Tại đây, rất nhiều bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, hàng ngàn tấn hàng hóa bị đốt cháy, phá hủy bởi bom đạn.

Cầu Bãi Dinh trên trục đường 12A ở km 28-29, thuộc địa phận xã Dân Hoá, nơi có lực lượng C759 chốt giữ cũng là một trong những trọng điểm địch đánh phá ác liệt. Một khối lượng lớn bom, đạn của giặc Mỹ trút xuống nơi đây khiến cầu bị phá hủy hoàn toàn, rất nhiều chiến sĩ bị thương và hi sinh. Nhưng với ý chí sắt đá, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, đồng bào và chiến sĩ ở đây đã kiên trì bám trụ, khắc phục hậu quả do bom đạn cày xới, bảo đảm thông suốt cho tuyến đường.

Tại km 21 đường 12A, đồi 37 – Cha Quang thuộc bản Y Leng, xã Dân Hóa là một trong những trọng điểm đế quốc Mỹ tập trung đánh phá ác liệt nhất. Tại đây, biết bao chiến công hào hùng của lực lượng TNXP C759 được lập nên trong cuộc chiến đấu với hỏa lực không quân Mỹ để bảo vệ huyết mạch giao thông. Đây cũng là nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ TNXP C759 anh hùng ngày 3-7-1966 khi đang làm nhiệm vụ khôi phục mặt đường do bom đạn địch đánh phá đã đi vào lịch sử dân tộc như một bản hùng ca bất tử.

Sự kiện bi hùng đó được kể lại rằng: ngày 3-7-1966, địch cho nhiều tốp máy bay thay phiên nhau dội bom xuống khu vực núi Y Leng, tại km 21 đường 12A. Nơi đây có ngọn đồi Cha Quang do các tiểu đội A2, 4, 6, 7 của C759 và các chiến sĩ công binh đang chốt giữ làm đường. Suốt từ 1 giờ sáng đến 12 giờ trưa hôm sau, bom đạn địch đội xuống ngọn đồi này, cày xới hàng ngàn khối đất đá đổ sập xuống mặt đường, vùi lấp cả đơn vị TNXP C759 đang làm nhiệm vụ lúc 22 giờ đêm 3-7-1966. Hơn 50 chiến sĩ C759 bị thương và 11 chiến sĩ công binh hy sinh được đưa ra khỏi hiện trường, còn lại 8 thi thể TNXP đang bị vùi lấp trong đống đất đá đổ sập chưa thể đưa lên được. Tình thế vô cùng cấp bách, đường tắc khiến nhiều đoàn xe vận tải bị ùn ứ, nếu chờ lấy được thi thể của các đồng đội thì địch sẽ phát hiện và tập trung đánh phá, khi đó thiệt hại sẽ gấp bội, còn nếu san đường thông xe thì thi thể các đồng đội sẽ ra sao? Rất khó khăn để đưa ra một quyết định vẹn toàn. Cuối cùng, vì tiền tuyến mà nén lại đau thương, “máu 759 có thể đổ nhưng đường 759 không thể bị tắc”, đó là quyết tâm cũng là mệnh lệnh từ trái tim của các chàng trai, cô gái C759 anh hùng. Toàn đơn vị đã biến đau thương thành hành động, quyết định san đường thông xe trong nỗi đau day dứt, tiếc thương vô hạn trước sự hy sinh lớn lao của các đồng đội. Đường được khai thông, từng đoàn xe thẳng tiến vào chiến trường, các chiến sĩ trong đơn vị tiếp tục lao vào tìm kiếm đồng đội. Thi thể các liệt sĩ TNXP lần lượt được tìm thấy sau một ngày, hai ngày, ba ngày, đặc biệt có liệt sĩ phải sau 45 ngày mới tìm được. Một nhà bia tượng niệm đã được xây dựng ngay bên sườn ngọn đồi 37 - Cha Quang để ghi dấu những chiến công vẻ vang của đại đội TNXP 759, đồng thời tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Điểm cuối cùng trên đường 12A là cụm trọng điểm Cổng Trời - Cha Lo - đèo Mụ Dạ. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là khu vực cửa khẩu Việt - Lào nên có vai trò rất quan trọng trong việc trung chuyển hàng hóa sang Trung và Hạ Lào. Vì vậy, máy bay Mỹ liên tục ném bom đánh phá, nhất là các điểm tập kết hàng hóa như Cổng Trời, Cha Lo, đèo Mụ Dạ... hòng cắt đứt tuyến chi viện của ta.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, sự hiểm nguy mà lực lượng TNXP, bộ đội, chiến sĩ phải chịu đựng ngày càng cao nhưng “tất cả vì miền Nam ruột thịt! Tất cả để chiến thắng!”, họ đã cùng với con đường đã lập nên những chiến công kỳ diệu. Mỗi trọng điểm địch đánh phá trên tuyến đường 12A đã trở thành địa danh đi vào lịch sử dân tộc với những ký ức không bao giờ phai.

Giờ đây, tất cả các trọng điểm trên đường 12A đã được xếp hạng di tích lịch sử và dựng bia tưởng niệm để tri ân, tưởng nhớ, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ đã viết nên trang sử hào hùng trong cuộc chiến vì độc lập, tự do của dân tộc.

Dẫu biết rằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm thay đổi diện mạo và thay thế sứ mệnh lịch sử của đường 12A năm xưa, nhưng chính con đường 12A huyền thoại ấy là linh hồn, là nền tảng để quốc lộ 12A hôm nay trở thành huyết mạch giao thông kết nối hội nhập phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung.

Cùng với các điểm di tích trên hệ thống đường Trường Sơn ở Quảng Bình, đường 12A là điểm nhấn quan trọng trong hành trình du lịch về nguồn, thăm chiến trường xưa để thắp nén hương thơm tri ân đồng đội.

Minh Đức – Ngọc Ánh
              (BQL Di tích Quảng Bình)