.
Xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian

Để đường xa bớt gập ghềnh...

Chủ Nhật, 26/03/2017, 16:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Đối với văn hóa, văn nghệ dân gian, nguồn kinh phí đóng vai trò quan trọng không chỉ trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản tác phẩm mà còn trong các hoạt động biểu diễn, trao truyền, góp phần đưa các giá trị phi vật thể tồn tại mãi đời sau.

Đây cũng là nỗi trăn trở bấy lâu của đội ngũ những người làm công tác văn hóa, văn nghệ dân gian, bởi dù có đam mê, miệt mài và tâm huyết, họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ, nhất là đối với những cụ tuổi cao sức yếu. Xã hội hóa được đánh giá là hướng đi hiệu quả và thiết thực để góp phần bảo tồn, phát huy kho báu văn hóa, văn nghệ dân gian.

Đầu năm 2017, Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Tuyên Hóa cho ra mắt cuốn sách “Tuyên Hóa - Quê hương, con người”, tập 4. Cuốn sách là tập hợp các bài viết về mảnh đất, con người Tuyên Hóa, từ các địa danh văn hóa, lịch sử, những bậc tướng sĩ, danh sĩ nổi tiếng cho đến các mô hình, điển hình làm ăn kinh tế giỏi, có tâm huyết, công lao xây dựng quê hương trong thời kỳ đổi mới... Đặc biệt, nhiều bài báo viết về Tuyên Hóa nổi bật trên Báo Quảng Bình cũng được quy tụ trong cuốn sách, góp phần giúp người đọc có một góc nhìn toàn diện, đầy đủ nhất về huyện miền núi còn lắm khó khăn này.

Ông Hồ Duy Thiện, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Tuyên Hóa hồ hởi cho biết, kinh phí xuất bản cả 4 tập sách “Tuyên Hóa - Quê hương con người” từ trước đến nay đều từ nguồn vốn xã hội hóa. Từ năm 2014 đến 2017, nhằm mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, cách mạng, văn hóa của quê hương, vinh danh những người con nổi bật, Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Tuyên Hóa đã giới thiệu 4 tập sách, mỗi tập sách đều được đón nhận nhiệt tình và được sự góp ý nghiêm túc, chân thành từ các nhà chuyên môn, bạn đọc.

Cũng như các Hội Di sản văn hóa Việt Nam cơ sở khác, Tuyên Hóa gặp muôn vàn gian nan trong việc bảo đảm nguồn kinh phí cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian. Với sự tận tâm, đam mê của đội ngũ làm nghề, Hội tích cực, chủ động và linh hoạt trong tìm kiếm nguồn kinh phí xã hội hóa từ các cá nhân, đơn vị trên địa bàn tỉnh, huyện và con em xa quê. Nhờ đó, không chỉ xuất bản sách, nhiều hoạt động của Hội cũng được tài trợ và mang lại hiệu quả.

 Nguồn vốn xã hội hóa đóng vai trò quan trọng trong công tác sưu tầm, biên soạn, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian.
Nguồn vốn xã hội hóa đóng vai trò quan trọng trong công tác sưu tầm, biên soạn, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian.

Bà Trương Thị Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiều cổ thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ, nhờ vào nguồn kinh phí xã hội hóa mà nhiều hoạt động của câu lạc bộ được duy trì, phát triển. Với 25 hội viên tuổi đời từ 15 đến 84, chủ yếu làm nghề nông, câu lạc bộ được thành lập từ tháng 10 năm 2015 với mục tiêu phục hồi lại nghệ thuật hát Kiều cổ đã mai một hơn nửa thế kỷ nay. Bên cạnh nguồn kinh phí được hỗ trợ là 10 triệu đồng/năm từ chính quyền địa phương, câu lạc bộ huy động được nguồn quỹ từ xã hội hóa hơn 30 triệu đồng. Số tiền này tuy rất ít ỏi cho hoạt động của câu lạc bộ, nhưng đã phần nào cho thấy sự cố gắng của anh chị em trong việc thường xuyên, chủ động tìm kiếm nguồn tài trợ, từ việc kết hợp với UBND xã cho đến linh hoạt kết nối với các “mạnh thường quân”...

Tuy nhiên, câu lạc bộ vẫn rất cần nguồn kinh phí lớn hơn để tổ chức giao lưu, học hỏi các đơn vị bạn để trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn cho các nghệ nhân biểu diễn. Đặc biệt, trong việc trao truyền cho thế hệ sau, rất cần kinh phí để duy trì và bảm đảm chất lượng. Vì vậy, mục tiêu mỗi hội viên lớn tuổi phải dìu dắt, phát triển một học sinh đam mê Kiều cổ trở nên rất khó khăn. Thiếu kinh phí, câu lạc bộ tự dàn dựng tiết mục và tham gia biểu diễn chủ yếu tại địa bàn xã Châu Hóa. Ước mơ đưa hát Kiều đi xa, nhất là có cơ hội phục vụ du khách lại càng không dễ dàng.

Còn nhớ cách đây không lâu, cũng tại xã Châu Hóa, ông Đặng Xuân Huề, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phẩn xuất nhập khẩu Quảng Bình đã đầu tư nguồn kinh phí hơn 300 triệu đồng cho chương trình vinh danh hai cố nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Hưng và Nguyễn Thị Hội. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh, tuy vẫn còn rất hiếm hoi.

Những nỗ lực của Tuyên Hóa đã cho thấy tín hiệu vui từ công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có được may mắn đó. Theo ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh, xã hội hóa ở lĩnh vực này mới chỉ dừng ở mức theo tâm huyết và sự chủ động nội tại của các tổ chức hội cơ sở, chưa có tính hệ thống, liên kết. Theo đó, các cơ sở hội sử dụng nguồn vốn xã hội hóa để sưu tầm, biên soạn, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian và duy trì hoạt động truyền dạy tại địa phương. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian được ví như một con đường gập ghềnh, khó khăn, và để giảm bớt nỗi vất vả, rất cần có sự định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.

Ông Lê Hùng Phi nhấn mạnh thêm, tỉnh ta rất cần một “cú hích” để hoạt động xã hội hóa có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt đủ sức kêu gọi sự đóng góp của các “mạnh thường quân” - những người đủ tiềm lực để đầu tư cho công tác văn hóa, văn nghệ dân gian. Bản thân Hội Di sản văn hóa, Việt Nam tỉnh sẽ tích cực tuyên truyền mạnh mẽ vai trò, giá trị của các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian đối với địa phương, doanh nghiệp để ai cũng có thể hiểu rõ những đóng góp của đội ngũ này trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc đang đứng trước nguy cơ thất truyền, mai một. Sắp tới, Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh dự định sẽ huy động nguồn vốn xã hội hóa để thống kê, sưu tầm, biên soạn hệ thống truyện tiếu lâm đặc sắc của Quảng Bình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Mai Nhân