.

Cơm nắm đồng trưa

Thứ Tư, 05/11/2014, 13:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Nơi tôi sinh ra và lớn lên là vùng quê nghèo, nơi những con đường nắng thì bụi mù, mưa thì lầy lội còn phên tranh mái lá là vòng tay ấm nồng ôm ấp, chở che cho đời quê. Ở đó, cuộc sống của con người phụ thuộc vào thiên nhiên, vào sự hào phóng của mùa màng khi mà đất đai đã bạc màu còn hạn hán, lũ lụt thì triền miên.

Ảnh minh hoạ (Internet)
Ảnh minh hoạ (Internet)

Người quê tham công tiếc việc, nhất là những hôm gặt chạy đồng. Hạt lúa là tài sản duy nhất mà họ có nên một cơn nắng gắt cũng làm họ đau, nghe bão tố phong ba càng quên ăn mất ngủ. Thế nên khi lúa có thể gặt được là họ kéo nhau lũ lượt ra đồng và bữa cơm trưa bao giờ cũng thật gọn nhẹ bởi chỉ có cơm trắng gói trong mo cau và vài con khô nướng hay quả cà dầm tương được họ mang theo. Đó cũng là món để tôi và bạn bè đưa trưa khi đi học xa nhà.

Để có nắm cơm ăn trưa ngoài đồng, chiều hôm trước mẹ tôi cũng như bao người mẹ khác ra vườn nhặt vài tàu cau vừa rụng đem ngâm nước cho mềm rồi cắt xén gọn gàng, sau đó mẹ tiếp tục phơi sương. Mẹ luôn bật dậy khi tiếng gà báo thức chưa ráo, nhóm lửa thổi cơm rồi mới làm những công việc lặt vặt thường ngày. Cơm chín mẹ xúc vào mo cau gói lại, gói chặt tay để hạt cơm không rời rạc rồi dùng dây chuối buộc vuông góc. Tiếp đến là mẹ nướng khô hay cà, giã muối ớt rồi cũng gói vào miếng lá chuối đã hơ lửa cho mềm.  

Bữa cơm đồng chỉ có thế, mộc mạc đơn sơ nhưng ngon làm sao. Cách ăn cũng mộc mạc. Khi mặt trời đứng bóng người ta nghỉ tay tìm nơi có bóng mát nhóm lửa nấu ấm chè và bày cơm ra ăn. Có bát đũa càng tốt không thì cũng chẳng sao bởi cơm dẻo như xôi nên chỉ việc bẻ ra từng miếng chấm muối ớt rồi nhai. Giữa bao la hương đồng gió nội, giữa tiếng cười nói rôm rả cùng với vô vàn chuyện làng trên xóm dưới miếng cơm dường như có đủ vị mặn nhạt chua cay... có ở trên đời. Cơm mo cau rất ngon là thế và cũng vì chẳng có gì ngon hơn khi mà người ta đang đói, đang vui.

Ngày nay món cơm gói mo cau, cá lóc nướng trui đã đi vào hàng quán, đã chễm chệ ngồi chiếu trên với các vọng tộc danh gia bởi không phải không dưng mà món ăn dân dã quê mùa này có được nếu không vì các món ăn ở thành thị bây giờ có quá nhiều gia vị, nhiều đạm, nhiều chất bảo dưỡng, độc hại. “Bồn bồn mà đem muối chua, ăn cặp cá nướng đến vua cũng thèm” thì chẳng ngoa đâu, ăn thử một lần rồi hẵng biết.

Tôi cũng như nhiều người khác xa quê lao động xây đời, lối sống thị thành đã ít nhiều ăn sâu vào tâm tưởng nhưng mỗi lần nghĩ đến quê là tôi nhớ như thuộc làu thời thơ ấu của mình. Nhớ mo cơm kè kè bên hông đến trường, nhớ mùi cá nướng cháy nám và ánh mắt dịu hiền của mẹ suốt đời chịu khó, chịu thương.

Lý Thị Minh Châu