.

Tiếng hát từ một làng quê

Thứ Sáu, 12/09/2014, 07:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa hiện nay, làng Quảng Xá (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) trở thành điểm sáng của phong trào xã hội hóa văn nghệ quần chúng. Ở Quảng Xá hầu như ai cũng ham thích văn nghệ. Vào các dịp lễ, tết những đêm văn nghệ luôn chật kín người xem. Trong thời kỳ phương tiện nghe nhìn phát triển rộng khắp, tưởng chừng như nhu cầu văn nghệ đã bão hòa thì ở làng Quảng Xá, văn nghệ quần chúng vẫn đầy sức sống.

Ông Nguyễn Trung Lộc, Trưởng thôn Quảng Xá lý giải: “Làng Quảng Xá có truyền thống văn hóa lâu đời. Phát huy truyền thống đó, làng Quảng Xá luôn duy trì phong trào văn nghệ. Mỗi lần tổ chức văn nghệ thì người đăng ký chương trình cũng đông mà khán giả lại càng đông. Hương ước của làng có cả yêu cầu xã hội hóa phong trào văn nghệ đến từng thôn, từng cụm dân cư”.

Đúng như nhận xét của ông trưởng thôn, mỗi khi tổ chức diễn văn nghệ, làng Quảng Xá nô nức rộn ràng như một ngày hội lớn. Từ người cao tuổi đến các cháu thiếu nhi ai cũng háo hức. Trước giờ biểu diễn, không ít khán giả mang ghế đến sớm hơn hàng tiếng đồng hồ ngồi chờ. Nguồn lực phong trào văn nghệ ở Quảng Xá dồi dào phong phú vì được xây dựng dựa trên sự chung tay góp sức của các hội đoàn thể.

Các chi hội Người cao tuổi, Giáo chức, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Nông dân đều có đội văn nghệ. Nguồn lực tiếp theo là thế hệ tuổi trẻ thanh thiếu niên ở trường học, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh...Và  nguồn dự phòng bổ sung không thể thiếu là người Quảng Xá xa quê. Mới đây nhất là buổi văn nghệ chào mừng 69 năm Ngày cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, có tới 24 tiết mục, trong đó hơn 10 tiết mục của người xa quê. Chương trình có chủ đề ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, tình yêu đất nước quê hương.

Cô Ngọc Anh, một MC chương trình văn nghệ quen thuộc của làng cho biết: “Tôi vinh dự có hơn 10 năm dẫn chương trình văn nghệ của làng. Mỗi năm vào dịp Quốc khánh 2-9 và ngày Tết, lễ, đêm diễn văn nghệ luôn chật kín khán giả. Tiết mục đăng ký luôn dồi dào đến mức vượt thời lượng chương trình, có khi phải kéo dài ra nhiều đêm diễn mới có thể hết số lượng đăng ký”. Sự hào hứng nhiệt tình của các ca sĩ làng lắm khi đặt người dẫn chương trình vào tình huống khó xử. Bởi nên cho ai hát trước ai hát sau cho phù hợp với chương trình cũng là vấn đề nan giải.

Bà Nguyễn Thanh Rõi, quê làng Quảng Xá, Quảng Ninh, 84 tuổi vẫn say mê ca hát.
Bà Nguyễn Thanh Rõi, quê làng Quảng Xá, Quảng Ninh, 84 tuổi vẫn say mê ca hát.

Để có được phong trào văn nghệ phát triển, không thể không kể đến sự đóng góp của Hội Người cao tuổi làng Quảng Xá. Các cụ, các mẹ phần lớn đã quá tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng niềm say mê tiếng hát chưa bao giờ vơi cạn. Chính sự hào hứng nhiệt tình của Hội Người cao tuổi đã thắp sáng ngọn lửa nhiệt tình văn nghệ của thế hệ trẻ. Đội văn nghệ Chi hội người cao tuổi có 10 cụ đã duy trì phong trào bằng tất cả tình yêu quê hương.

Có gia đình cả cụ ông cụ bà đều là thành viên của đội như gia đình cụ Nguyễn Thị Tuyết Vân-giáo viên về hưu. Gia đình cụ sẵn sàng tài trợ cho đội văn nghệ áo quần trang phục biểu diễn; lo áo quần trang phục, tìm bài hát để cho đội tập luyện. Hàng chục năm nay, ngoài việc đạo diễn dàn dựng chương trình cho các tiết mục văn nghệ của làng nói chung, Chi hội người cao tuổi nói riêng, cụ Nguyễn Văn Tô còn tâm huyết lưu giữ nhiều tư liệu quý về những làn điệu dân ca truyền thống của làng. Những tiết mục của chi hội người cao tuổi rất được khán giả hoan nghênh như: “Về với Trường Sa” “Tình người hương lúa”, “Tuổi cao chí khí càng cao”. Có những cụ cao tuổi vẫn say mê ca hát như cụ Nguyễn Thị Mược.

Những giáo chức như cô Mai, cô Vinh, cô Điểm, cô Sân... như trẻ lại, được tiếp thêm niềm vui cuộc sống bởi tiếng hát đưa lại. Không chỉ bó hẹp trong làng, người cao tuổi của Quảng Xá đã mang nét đẹp văn nghệ làng lan tỏa ở nhiều miền quê đất nước.

Như trường hợp cụ bà Nguyễn Thanh Rõi ở 8 Thợ Nhuộm Hà Nội đã được cả nước biết đến bởi tiếng hát yêu đời ở tuổi 84. Cụ Rõi cũng là người có nhiều tâm huyết với phong trào văn nghệ làng. Cụ đã xây tặng làng một sân khấu ngoài trời và bộ phông màn biểu diễn. Vốn là cựu quân nhân đã có nhiều năm tháng cống hiến tuổi xuân cho kháng chiến, những lần về thăm làng, cụ đã tổ chức những chuyến du lịch về thăm chiến khu xưa ở Bến Tiêm, dọc sông Long Đại.

Suốt hàng chục km đường sông, cụ Rõi và những cụ ông, cụ bà làng Quảng Xá đã thay nhau hát những ca khúc cách mạng. Con thuyền du lịch như chở đầy tiếng hát đi cùng năm tháng. Tiếng hát ấy bay xa tạo nên dấu ấn đặc biệt, qua đó nhắc nhở giáo dục thế hệ trẻ Quảng Xá niềm tự hào về quê hương giàu truyền thống yêu nước một lòng theo Đảng tham gia kháng chiến.

Nhiều cụ cao tuổi quê Quảng Xá đang sống và làm việc ở mọi miền đất nước đã góp sức mình trong hoạt động xã hội hóa phong trào văn nghệ bằng những đóng góp thiết thực như hỗ trợ nhạc cụ, đóng góp kinh phí tài trợ đội văn nghệ. Có thể kể đến những tấm gương như cụ Dọc, Thiếu tướng Nguyễn Hải, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 15; bác Trai nguyên Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường, bác Kỳ nguyên giám đốc công ty cổ phần Bia Rượu, bà Dương Thị Yên hiện ở Vũng Tàu...

Cơ sở tiếp thêm nguồn lực cho phong trào văn nghệ của làng là những sáng tác về chủ đề quê hương Quảng Xá. Mạch nguồn sáng tạo chẳng bao giờ vơi cạn là những bài hát đề tài làng quê. Ngoài con chim đầu đàn của làng lý luận mỹ học âm nhạc Việt Nam, Phó GS, NGND Dương Viết Á, nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Tuyên, con rể của làng, đội ngũ nhạc sĩ chuyên và nghiệp dư ở Quảng Xá khá đông đảo, có thể kể đến các nhạc sĩ chuyên nghiệp: Dương Viết Chiến, Dương Nguyệt Ánh, Dương Bích Hà, Dương Mạnh Đạt (đã mất) hoặc nhạc sĩ nghiệp dư Nguyễn Đại Thắng...

Đó là bài hát quen thuộc: “Quảng Xá-Mảnh đất tình người” của nhạc sĩ Dương Viết Chiến. Gần đây nhất là bài “Nhớ về Quảng Xá” của cựu phi công Nguyễn Đại Thắng nguyên Phó Giám đốc đoàn phi công dân dụng 919 Việt Nam...

Trao đổi với chúng tôi về phong trào văn nghệ làng Quảng Xá, anh Quốc Dũng, một nhạc công quê ở Hiền Ninh, người có hàng chục năm gắn bó với văn nghệ làng Quảng Xá cho biết: “Phong trào văn nghệ làng Quảng Xá đang được xã hội hóa rộng rãi ít nơi nào có được. Truyền thống say mê âm nhạc đang được tiếp nối ở làng Quảng Xá. Tôi mong muốn truyền thống tốt đẹp này cần được nhân rộng”.

Đó cũng là nhận xét của các bạn đồng nghiệp chúng tôi tại Đài PTTH Quảng Bình. Mỗi khi làm chương trình âm nhạc tại làng: “Tại Quảng Xá giữa người sáng tác-người biểu diễn-khán giả đã có sự đồng điệu, tạo nên môi trường thuận lợi cho phong trào văn nghệ quần chúng”. Hẳn nhiên khó khăn cho phong trào văn nghệ của làng cũng không ít như thiếu nơi biểu diễn. Không ít đêm diễn bị ngắt quãng giữa chừng vì trời mưa. Không ít lần chương trình bị gián đoạn vì thời tiết xấu. Đó là chưa kể khó khăn vì âm thanh, ánh sáng do thiếu sân khấu chuẩn...

Có lẽ thấu hiểu khát vọng của người dân Quảng Xá-Làng văn hóa cấp Trung ương, làng chiến đấu, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có kế hoạch hỗ trợ làng một nhà văn hóa tầm cỡ. Nếu trở thành hiện thực, phong trào văn nghệ Quảng Xá sẽ như được tiếp thêm luồng gió mới để bay cao, bay xa hơn nữa.

Phan Hòa