.

Thơ về biển đảo Tổ quốc hiện nay

Thứ Sáu, 15/08/2014, 08:08 [GMT+7]
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

(QBĐT) - Biển đảo Tổ quốc là đề tài không xa lạ với nhiều nhà thơ Việt Nam. Trước đây, một số nhà thơ nổi tiếng ở nước ta đã có những thi phẩm về biển đảo được chú ý như Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận; Biển của Xuân Diệu; Sóng của Tế Hanh; Cồn Cỏ của Hải Bằng; Cô gái Bạch Long Vỹ của Xuân Thiêm; Thuyền và biển, Sóng của Xuân Quỳnh; Trường ca Biển của Hữu Thỉnh; Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Đồng đội tôi ở đảo Thuyền Chài, Thơ tình người lính biển của Trần Đăng Khoa; Buồm nâu biển biếc của Anh Ngọc; Trường Sa hành của Tô Thùy Yên...

Đặc biệt, khi Biển Đông có dấu hiệu nổi sóng và thực sự nổi sóng bởi những toan tính và hành động lấn chiếm của Trung Quốc thì biển đảo thu hút mạnh mẽ những người làm thơ. Nhiều bài thơ ra đời, khẳng định chủ quyền Tổ quốc, khích lệ lòng yêu nước nồng nàn.

Có thể kể đến các bài thơ ít nhiều được bạn đọc chú ý như Hào phóng thềm lục địa của Nguyễn Thanh Mừng, Mộ gió của Trịnh Công Lộc, Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến; Tổ quốc - cánh sóng của Huệ Triệu; Tổ quốc gọi tên của Nguyễn Phan Quế Mai; Tiếng chuông chùa giữa đại dương xanh của Phan Hoàng; Gió nhà giàn của Nguyễn Quang Hưng; trường ca Người sau chân sóng của Lê Thị Mây; trường ca Tổ quốc-Đường chân trời của Nguyễn Trọng Văn; trường ca Hạ thủy những giấc mơ của Nguyễn Hữu Quý, tập thơ Trường Sa ơi Trường Sa của Lưu Thị Bạch Liễu...

Năm năm trở lại đây, tạp chí Văn nghệ quân đội đã phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức 2 trại viết tập trung cho đề tài biển đảo và chiến sỹ hải quân. Hàng trăm bài thơ cùng với nhiều truyện ngắn thuộc đề tài trên đã ra đời từ các trại viết này. Cũng tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2002 phối hợp với Nhà xuất bản quân đội nhân dân ra ấn phẩm Trường Sa và năm 2009 ra tiếp cuốn sách Đường ra biển lớn tập hợp nhiều tác phẩm văn xuôi và thơ về biển đảo.

Có thể kể tên một số nhà thơ góp tác phẩm trong 2 ấn phẩm trên như Phạm Ngọc Cảnh, Thúy An, Hà Đình Cẩn, Ngô Xuân Hội, Dương Thuấn, Vũ Quần Phương, Phan Tùng Lưu, Nguyễn Ngọc Oánh, Nguyễn Hữu Quý, Trần Anh Thái, Hữu Thỉnh, Hoàng Vũ Thuật, Vương Trọng, Lê Văn Vọng, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Thanh Mừng, Lê Mạnh Tuấn, Nguyễn Đức Mậu, Phạm Đương, Nguyễn Văn Hiếu, Thai Sắc, Nguyễn Quyết Thắng, Võ Văn Luyến, Đỗ Vinh, Mai Nam Thắng...

Khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở thềm lục địa nước ta thì không ít bài thơ dạt dào tình yêu nước, bừng bừng lòng phẫn nộ được giới thiệu liên tục trên báo Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Nhân dân, Quân đội nhân dân...và khá nhiều trang báo khác của trung ương và địa phương.

Có cảm giác như không khí thơ thời chống Mỹ trở lại mà đặc điểm lớn nhất của nó là sự cộng hưởng giữa người cầm bút với xã hội rất lớn. Người ta tạm quên đi những riêng tư, bức xúc phiền muộn của cuộc sống đời thường để hướng tới cái chung dân tộc, cộng đồng mà cốt lõi là lòng yêu nước, sự chia sẻ với những người lính người dân đang trực tiếp bám biển đảo, giữ biển đảo, phần chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo tôi, thơ về biển đảo vừa qua phần lớn khai thác yếu tố sử thi và chất lãng mạn từ biển. Rất nhiều người cầm bút tựa vào lịch sử phổ thông quen thuộc để lập tứ, thiết lập cấu trúc, dàn dựng hình ảnh cho bài thơ như Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến, Tổ quốc gọi tên của Nguyễn Phan Quế Mai; Tổ quốc cánh sóng của Huệ Triệu...

Thơ kiểu này rất hào sảng, mang tính cổ động cao nhưng tôi nghĩ là không mới và rất dễ sa vào sự sáo mòn: Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa và Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa/ Đã mười lần giặc đến tự biển Đông/ Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử/ Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng ...(Tổ quốc nhìn từ biển. Nguyễn Việt Chiến); Qua bão giông dạy ta biết yêu thương/ Hai tiếng “đồng bào” dạy ta điều nhân nghĩa/ Quân thù đến/ Ta đánh cho kinh hồn bạt vía/ Kìa ải Chi Lăng, đây sóng Bạch Đằng (Đảo lại đứng hát ru-Phạm Việt Đức); Người binh phù lấy sóng nước làm sa trường/ Thuyền nan làm da ngựa/ Da rần rần chạm những ngự phê/ Tai âm vang nhiều chỉ dụ/ Vua Lê/ Chúa Nguyễn/ Nhà Tây Sơn/ Châu bản triều đình Huế... (Tòa án Biển Đông-Nguyễn Thanh Mừng)...

Không ít bài thơ viết về biển đảo vừa qua đã trùng lặp về chi tiết lịch sử và truyền thuyết như cọc Bạch Đằng, ải Chi Lăng, gò Đống Đa..., Mẹ Âu Cơ đưa năm mươi người con lên rừng, Cha Lạc Long Quân đem năm mươi người con xuống biển...

Một dạng viết khác là thích đưa và tán những hình ảnh đẹp đẽ nên thơ của biển đảo, của Trường Sa như hoa muống biển tím, hoa bàng vuông, cây phong ba, những con sóng...Tả cảnh nói tình là một thủ pháp quen thuộc của thi ca nhưng để câu thơ đạt được hiệu quả cao là điều không dễ. Thời chống Mỹ trong thơ hay xuất hiện hình ảnh những mầm lá, bông hoa, tiếng chim trên điểm chốt, trọng điểm, tán rừng Trường Sơn... để nói lên sức sống, lòng lạc quan của dân tộc, con người Việt Nam. Thơ về biển đảo bây giờ chắc cũng cần như thế nhưng đòi hỏi một cấp độ cao hơn bằng cách diễn tả mới mẻ.

Cuộc sống của những người lính, người dân bám biển cực kỳ gian khổ hiểm nguy. Tôi đã từng ra Trường Sa, tôi biết, ở đây nước quý như máu và nỗi nhớ đất liền, nhớ người thân không bao giờ nguôi.

Cảm giác cô đơn trống trải không phải là không có. Con người trở nên bé nhỏ vô cùng trước trời biển mênh mang nhất là khi sóng to gió lớn tràn qua đảo, nhà giàn. Đã có những hi sinh đầy xúc động của người lính, người dân bám biển. Vì chủ quyền đất nước, chiến sĩ và nhân dân của ta chấp nhận cuộc sống nhiều nguy nan này.

Hành trình ra biển lớn đầy thử thách cam go và tốn rất nhiều, rất nhiều mồ hôi xương máu của dân tộc. Ở Lý Sơn, Quảng Ngãi từ thời phong kiến đã có câu ca dao: Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về. Thấm thía chất bi tráng ấy nên rất nhiều người khi đọc Mộ gió của Trịnh Công Lộc đã không cầm nổi nước mắt: Mộ gió đây/ đất thành xương cốt/ Cứ gọi lên là rõ hình hài/... Mộ gió đây/ những phút giây biển lặng/ Gió là tay ôm ấp bến bờ xa/ Chạm vào gió như chạm vào da thịt/ Chạm vào nhói buốt Hoàng Sa... (Mộ gió -Trịnh Công Lộc).

Có những chiến sĩ của ta ở Trường Sa đã đổ máu vì đạn pháo của quân bành trướng Trung Quốc. Khi sự việc ấy xảy ra trên Biển Đông có rất nhiều người trong chúng ta không biết. Và nỗi đau dường như nhân lên gấp bội cùng với niềm tự hào về 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đã ngã xuống ở Gạc Ma khi sự thật được công khai: Trường Sa ư với ngày thường xa thật/ Đảo ở đâu tôi có hỏi đâu mà/ Điều phẫn uất là chỉ khi máu đổ/ Đảo mới gần mới thật đảo của ta (Gửi quần đảo Trường Sa-Đỗ Nam Cao).

Người lính hi sinh để lại đằng sau họ những chất chồng đau thương, những bộn bề vất vả của gia đình, người thân. Đừng bao giờ lãng quên điều đó như lời bài thơ Mắt sóng Trường Sa của Nguyễn Quang Hưng: Mắt người còn mãi ngang lưng chiều thu/ Thổi đẫm lời nói thầm tóc xanh con nhỏ/ Hiện vào những chục năm mãi mãi người vợ trẻ/ Nghẹn trong cái nuốt nước khó khăn của cha/ Ngân vọng câu kinh mẹ già/ Con không về vá lại mái nhà/ Con ở lại vòm xanh hóa mưa gọi cây mọc/ Con trong cát đội bờ trên vai đá...

Ngay cuộc sống đời thường ở Trường Sa bây giờ cũng có cái gì đó bất thường. Bất thường bởi Biển Đông chưa êm ả mà luôn dậy sóng, luôn ẩn chứa những nguy cơ xung đột chiến tranh do Trung Quốc gây ra. Ta thấy những nhói buốt của Đặng Huy Giang khi nhìn những em bé ở đảo Sinh Tồn thật sâu sắc: Những em bé ở đảo Sinh Tồn/ Áo xanh quần trắng/ Bảy tuổi đầu đã hát “Khúc quân ca...”/ Bảy tuổi đầu đã “quê hương gìn giữ/ Bảy tuổi đầu đã mơ làm chiến sĩ...//Nghe các em hát lòng chúng tôi quặn thắt/ Sóng đập Trường Sa hay sóng đập lòng người? (Những em bé ở đảo Sinh Tồn-Đặng Huy Giang)...

Tôi nghĩ, quân và dân biển đảo cần ở thi ca một cái nhìn gần với cuộc sống chất chứa gian khổ và dũng cảm của mình để từ đó những trang thơ chân thực đầy vốn sống và nghệ thuật trở thành cây phong ba vững chãi xanh tươi của họ. Để lắng lại hồn dân tộc trong hồn mỗi người thơ về biển đảo nên có chiều sâu. Có rất nhiều ý tứ, chi tiết và cả ngôn ngữ thơ nữa nằm chính ngay trong cuộc sống của những người giữ biển can trường.

Nguyễn Hữu Quý