.
Kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2014):

Lặng thầm công việc phát hành báo chí

Thứ Sáu, 20/06/2014, 16:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Phát hành báo chí là cầu nối giữa báo chí và người đọc, mối quan hệ ấy gắn bó mật thiết. Một tờ báo dù nội dung hình thức hấp dẫn đến mấy cũng không thể phát huy hiệu quả nếu không được phát hành rộng rãi. Trong sự tiến bộ về hoạt động thông tin truyền thông ở tỉnh ta có sự đóng góp đáng kể của những người làm công tác phát hành báo chí.

Hoạt động phát hành

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hương, chuyên viên phụ trách công tác phát hành báo chí Bưu điện tỉnh cho biết: “Hiện nay tỉnh ta có gần 500 loại báo, tạp chí, bản tin được phát hành với số lượng lên tới trên 345.000 tờ/tháng. Riêng các loại báo phát hành trong ngày đã khá lớn, trong đó chiếm số lượng cao nhất là báo Quảng Bình”...

Điều đáng mừng là trên cơ sở có những cải tiến về hành trình đường thư của Bưu điện tỉnh, thời gian gần đây báo Quảng Bình, báo Nhân dân và các loại báo trung ương đã được đến tay bạn đọc trong ngày. Từ chỗ có hàng chục địa phương do khó khăn trắc trở đường vận chuyển, thời tiết, đọc giả phải chờ đến vài ba ngày mới có báo đọc, nay có tới 149/159 xã, phường, thị trấn được đọc báo trong ngày.

Thầm lặng với nghề phát hành

Hiện tại ngoài tổ phát hành báo chí gồm 6 cán bộ chuyên trách, đội ngũ bưu tá tỉnh ta có 158 người. Họ làm theo ca kíp. Để bảo đảm thời gian họ phải làm ngoài thời gian hành chính. Công việc khá vất vả. Tại khu vực Đồng Hới thời gian các tuyến thư báo trung chuyển từ Đà Nẵng ra hoặc từ Hà Nội, Vinh vào thường sau 19h. Mỗi ngày hoàng hôn buông xuống, khi mọi người về với tổ ấm gia đình cũng là lúc những cán bộ phát hành vội vã bắt tay vào công việc.

Chị Trương Thị Nguyên, làm công tác phát hành báo từ năm 1999 đến nay nói vui: “Nghề bưu tá chúng tôi luôn lấy đêm làm ngày”. Báo trung chuyển tới, nhiệm vụ của tổ thư báo là bằng mọi cách phân chia đúng, đủ theo tuyến.Trời về đêm có khi ánh điện chỉ le lói sáng nhưng họ vẫn chạy đua với thời gian để kịp phát hành vào sáng sớm ngày hôm sau. Nhìn bàn tay họ thoăn thoắt đếm báo càng thấy niềm say mê nghề của họ. Chia xong họ giao nhiệm vụ cho những cán bộ bưu tá để tỏa về các hướng. Nếu khi thời tiết bình thường thì không nói gì, còn khi gặp mưa bão, lũ lụt thì người bưu tá phải chịu biết bao vất vả.

Anh Dương Văn Bảy, một cựu chiến binh, một bưu tá có thâm niên gần 20 năm trong nghề nhớ lại: “Nghề bưu tá lấy niềm vui của bạn đọc làm nguồn động viên cuộc sống. Nhớ nhất là những trận bão số 10, số 11 năm 2013, chúng tôi với chiếc xe máy ngập ống bô lặn lội giữa bão tố cố gắng giữ gìn an toàn túi báo để phát tận tay bạn đọc”.

Và trong gian khó vất vả với nghề anh sáng tác những vần thơ để tự động viên đồng nghiệp, trong đó có đoạn: "Công việc rất vất vả-dù nắng nóng hay mưa-trời căm căm gió rét-lòng anh em mải miết-vẫn hăng hái trong nghề". Cũng không ít lần họ phải lặn lội đi tìm địa chỉ của những độc giả mới.

Các bưu tá chuẩn bị đưa báo tỏa về cơ sở.
Các bưu tá chuẩn bị đưa báo tỏa về cơ sở.

Tại một đô thị chưa hoàn thiện, có những tuyến “đường chưa số phố chưa tên’’ thì việc tìm kiếm thông tin của những bưu tá càng vất vả bội phần. Gian khổ nhất vẫn là đội ngũ bưu tá cơ sở. Họ lặng thầm những công việc phát thư báo tại vùng sơn cước xa xôi. Có những cung đường hẻo lánh, muốn đem báo đến các bản có chi bộ đảng vùng dân tộc ít người, người bưu tá phải đi bộ vượt qua nhiều khe suối. Vất vả là tuyến đường Tân Trạch, Thượng Trạch, Ngư Hóa, Trường Sơn, Văn Thủy, Kim Thủy...

Nhiều bưu tá ngoài việc vận chuyển báo còn trở thành những người cổ vũ nhiệt tình để có thêm nhiều độc giả đặt mua báo. Chẳng hạn như những bài báo thể thao nói về World Cup 2014, những gương sáng đảng viên, những nhân tố mới trong thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đều được bưu tá nhiệt tình giới thiệu cho bạn đọc.

Chị Đinh Thị Hoa “bám trụ” nghề phát thư báo tại địa bàn thị trấn Quy Đạt từ khi mới 24 tuổi, nay chị đã 34 tuổi, công việc vẫn làm chị say mê quên ngày quên tháng. Chị Hoa kể: “Làm công việc phát thư báo ở thị trấn Quy Đạt đã 10 năm, tôi thấy rằng báo Quảng Bình đang được bà con nhân dân miền núi ưa thích vì phản ảnh được tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân. Khi thấy người dân ưa thích đọc báo Đảng tôi càng phấn khởi để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.”

Từ một góc nhìn khác, nữ bưu tá miền núi tận tâm với nghề là chị Nguyễn Thị Liên ở xã Văn Hóa tâm sự: “Tôi làm công việc này từ năm 2008. Ngày đó xã Văn Hóa chưa có cầu, tôi phải đi phát báo bằng xe đạp. Qua đò cách trở để phát báo tôi thường đi sớm về muộn. Nguồn động viên tôi là bạn đọc trong xã rất thích đọc báo. Cũng nhờ báo chí con tôi mở rộng tầm nhìn củng cố kiến thức. Cùng với việc xã đã có cầu qua sông, con tôi đỗ đại học, tôi đã có xe máy, nghề bưu tá càng trở nên gần gũi với cuộc sống của gia đình tôi. Dù đồng lương eo hẹp do khó khăn chung của ngành tôi vẫn luôn chung thủy với nghề”.

Bao nhiêu bưu tá là bấy nhiêu tấm gương vượt khó vươn lên. Ngoài công việc phát thư báo, phần lớn các bưu tá vùng nông thôn còn đảm nhận thêm công việc khác như phát tiền lương hưu, bán dịch vụ viễn thông,bảo hiểm... có người còn kèm theo nghề nông, nghề bảo vệ. Tất cả bận rộn để tự nâng cao đời sống gia đình. Đáng nói là dù bề bộn công việc nhưng việc chính là phát thư báo họ luôn ưu tiên hàng đầu. Vì thế báo không hề ứ đọng. Anh Nguyễn Khắc Sáu, bưu tá xã An Thủy, anh Đoàn Viết Phượng, bưu tá thị trấn Quán Hàu, chị Võ Thị Tánh, bưu tá xã Nam Trạch là những điển hình như thế.

Anh Sáu đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường Căm Pu Chia, bao khó khăn chiến trường anh quen nếm trải nay trên lĩnh vực mới anh càng thiết tha hơn để cùng phấn đấu đưa công tác phát hành báo Đảng có bước tiến bộ trên vùng nông thôn An Thủy. Anh Phượng-một bệnh binh đã có 14 năm gắn bó với nghề bưu tá đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Gần đây gia đình anh vươn lên thoát khỏi hộ nghèo. Anh luôn xem công tác phát hành báo chí là bạn đồng hành, là niềm vui cuộc sống. Riêng với chị Tánh dù bận bịu với con nhỏ vẫn bố trí thời gian hợp lý để mang báo Đảng đến với bạn đọc vùng nông thôn Nam Trạch.

Để công tác phát hành báo Đảng ngày càng tiến bộ

Thấy rõ vai trò công tác phát hành báo chí, Bưu điện tỉnh đã có chủ trương từng bước hiện đại hóa lĩnh vực này. Bưu điện tỉnh đã dành 2 xe chuyên dùng vận chuyển thư báo mỗi ngày hai chuyến từ Đồng Hới ra Quảng Trạch, từ Quảng Trạch đi Tuyên Hoá, Minh Hoá và từ Đồng Hới đi Lệ Thủy. Quản lý công tác phát hành báo chí trên mạng, cử đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm được đào tạo chuyên sâu lĩnh vực phát hành. Nhờ vậy công tác phát hành báo chí đã có những bước tiến bộ mới.

Tuy nhiên trước yêu cầu mới của công tác phát hành báo Đảng, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Bưu điện càng cao. Bưu điện tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phát hành,chất lượng phát, củng cố đội ngũ bưu tá từ tuyến tỉnh đến cơ sở; chăm lo chế độ chính sách cho những người làm công tác phát hành báo chí; kịp thời biểu dương những nhân tố điển hình về công tác báo nhằm thực hiện hiệu quả có hiệu quả Chỉ thị 22 của Thường vụ Tỉnh ủy.

Phan Hòa