.

Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp

Thứ Sáu, 21/08/2015, 15:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 21-8, Sở Tư pháp tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp (28-8-1945 - 28-8-2015). Tham dự có đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

>> Ngành Tư pháp Quảng Bình phát huy truyền thống, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Toàn cảnh lễ kỷ niệm.
Toàn cảnh lễ kỷ niệm.

Diễn văn do đồng chí Nguyễn Thị Lài, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp trình bày tại lễ kỷ niệm nêu rõ: Trải qua 70 năm kể từ ngày Bộ Tư pháp cùng với 11 Bộ đầu tiên ra đời theo Tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa (28-8-1945).

Cùng với quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương đã có những bước phát triển quan trọng và ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước.

Đối với tỉnh Quảng Bình, ngày 1-7-1989, được tách từ tỉnh Bình Trị Thiên trở về địa giới hành chính cũ, Sở Tư pháp tiền thân là Phòng Tư pháp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1990 và hệ thống Tư pháp cấp huyện, cấp xã được thành lập theo Quyết định của UBND tỉnh.

Từ chỗ Phòng Tư pháp tỉnh chỉ có 4 cán bộ. Đến nay, Sở đã có 8 phòng nghiệp vụ, tổ chức giúp việc, 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; 8 phòng Tư pháp cấp huyện và hệ thống công chức tư pháp-hộ tịch cấp xã.

Là trong số ít ngành có hệ thống 3 cấp thông suốt và những “cánh tay nối dài” đó là các tổ hòa giải ở cơ sở. Ngành Tư pháp còn giúp chính quyền xây dựng và tổ chức thực hiện hệ thống pháp luật đến các hoạt động chuyên môn có tính sự vụ, tác nghiệp, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp như: công chứng, chứng thực, lý lịch tư pháp, đăng ký hộ tịch, giải quyết các vấn đề về quốc tịch, trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, ngành đã tích cực chủ động, tự giác hưởng ứng có chất lượng các phong trào thi đua, các hoạt động kỷ niệm những sự kiện chính trị, lịch sử, pháp lý của địa phương…

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương và ghi nhận những thành tích, đóng góp của ngành Tư pháp đối với sự phát triển của tỉnh nhà trong thời gian qua.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ mà ngành Tư pháp cần phải tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là: tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020; triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; phổ biến sâu rộng Hiến pháp năm 2013; củng cố và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở địa phương; tăng cường các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính; tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, đấu giá tài sản; kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ; đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí…

Ngọc Hải