.
Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28-8-1945 - 28-8-2015):

Ngành Tư pháp Quảng Bình phát huy truyền thống, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Thứ Năm, 20/08/2015, 10:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Lài, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

- Phóng viên: Trước hết, xin đồng chí cho biết đôi nét về quá trình phát triển của ngành Tư pháp?

- Đồng chí Nguyễn Thị Lài: Ngày 28-8-1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ Cộng hoà ra Tuyên cáo thành lập nội các thống nhất quốc gia gồm 12 bộ, trong đó có Bộ Tư pháp. Từ đó đến nay, trong mỗi giai đoạn cách mạng, mỗi thời kỳ phát triển của đất nước, của bộ máy Nhà nước trong hệ thống chính trị, tên gọi, cơ cấu tổ chức, vị trí, chức năng nhiệm vụ của ngành Tư pháp có sự thay đổi, bổ sung và ngày càng hoàn thiện.

Với tên gọi là ngành Tư pháp giai đoạn 1945-1960, tổ chức Tư pháp (pháp chế) giai đoạn 1960-1981 và trở lại với tên gọi là ngành Tư pháp từ năm 1981 đã kế thừa, mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban Pháp chế, đồng thời quản lý các toà án địa phương về mặt tổ chức. Đối với tổ chức tư pháp ở địa phương có Sở Tư pháp ở cấp tỉnh; Ban Tư pháp (sau đó chuyển thành Phòng Tư pháp) ở cấp huyện, Ban Tư pháp ở cấp xã. Theo Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10-10-2003 của Chính phủ, thì tư pháp-hộ tịch là một trong những chức danh công chức của xã, phường, thị trấn cho đến nay.

Đối với tỉnh Quảng Bình, ngày 1-7-1989, được  tách từ tỉnh Bình Trị Thiên trở về địa giới hành chính cũ, Sở Tư pháp được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 24-4-1990 theo Quyết định 377QĐ-UB của UBND tỉnh, phòng Tư pháp cấp huyện được thành lập theo Quyết định số 673 QĐ-UB ngày 19-8-1993 và ở cấp xã có công chức tư pháp-hộ tịch.

Từ chỗ “đơn thương độc mã”, thì nay nhiệm vụ Tư pháp là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và thực sự đã thu hút cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Để phát huy vai trò và truyền thống của ngành tư pháp, động viên cán bộ, công chức, viên chức tư pháp trong việc xây dựng ngành Tư pháp lớn mạnh, ngày 7-11-1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-TTg  lấy ngày 28-8 hàng năm là “Ngày truyền thống của ngành Tư pháp Việt Nam”.

Đồng chí Nguyễn Thị Lài, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp trao tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015.
Đồng chí Nguyễn Thị Lài, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp trao tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015.

- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết rõ hơn sự thay đổi cơ bản về tổ chức bộ máy và nhiệm vụ của ngành Tư pháp tỉnh, nhất là trong những năm gần đây?

- Đồng chí Nguyễn Thị Lài: Từ chỗ Phòng Tư pháp tỉnh chỉ có 4 cán bộ được tách ra từ Sở Tư pháp Bình Trị Thiên, tháng 4-1990, Sở Tư pháp được thành lập, chuyên viên làm việc theo chế độ trực tuyến. Tháng 8-1996, UBND tỉnh quyết định thành lập 2 phòng thuộc Sở. Đến nay, Sở đã có 8 phòng nghiệp vụ, 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; 8 phòng Tư pháp cấp huyện và gần 280 công chức tư pháp-hộ tịch cấp xã.

Chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp qua mỗi thời kỳ có sự thay đổi, bổ sung, mở rộng với nhiều nhiệm vụ quan trọng và nặng nề, khó khăn hơn, đòi hỏi chất lượng cao hơn. Xin nêu một số dấu mốc quan trọng: Năm 1981, ngay sau khi được tái thành lập, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã được giao nhận lại nhiệm vụ quản lý Toà án nhân dân (TAND) địa phương về mặt tổ chức. Thực hiện Nghị quyết số 8 ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị và Luật Tổ chức TAND, nhiệm vụ quản lý các toà án địa phương về mặt tổ chức lại được chuyển giao cho ngành Tòa án cho đến nay.

Giai đoạn 1945-1950 việc tổ chức thi hành án dân sự (THADS) do thừa phát lại và Ban tư pháp xã thực hiện. Giai đoạn năm 1950-1993, nhiệm vụ này thuộc ngành Tòa án. Theo Pháp lệnh THADS năm 1993, tách công tác THADS ra khỏi hệ thống TAND và ngành Tư pháp được giao là cơ quan quản lý nhà nước về công tác THADS. Đến năm 2008, nhiệm vụ này thuộc Bộ Tư pháp quản lý theo ngành dọc.

Và theo thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, thì Sở Tư pháp có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về THADS, hành chính theo quy định của pháp luật và quy chế phối hợp công tác giữa cơ quan tư pháp và cơ quan THADS  địa phương do Bộ Tư pháp ban hành.

Các nhiệm vụ được bổ sung trong những năm gần đây như: kiểm soát thủ tục hành chính; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (hiện nay có hơn 50 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính);  xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, lập lý lịch tư pháp (trước đây Sở chỉ có nhiệm vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp); xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật; bồi thường nhà nước; đăng ký giao dịch bảo đảm; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp...

Hoặc nhiệm vụ không mới nhưng tăng về quy mô, phạm vi và tính bất cập, phức tạp như: quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực; thẩm định, kiểm tra, tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND; đăng ký, quản lý hộ tịch; quản lý nhà nước về luật sư, giám định tư pháp; phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, bán đấu giá tài sản...

- Phóng viên: 25 năm- một chặng đường không dài so với bề dày lịch sử 70 năm của ngành Tư pháp Việt Nam, nhưng có thể nói ngành Tư pháp Quảng Bình đã có bước phát triển khá toàn diện. Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật nhất?

- Đồng chí Nguyễn Thị Lài: Trong công tác cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, ngành đã tích cực tham mưu,  giúp UBND cùng cấp thực hiện kịp thời việc góp ý, thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của HĐND, UBND cùng cấp bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, khắc phục tình trạng máy móc, cứng nhắc, pháp lý thuần túy; thường xuyên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; tích cực, chủ động tham mưu tổng kết thi hành Hiến pháp và pháp luật; tham mưu và tổ chức thực hiện có chất lượng việc lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý Hiến pháp, luật, bộ luật và văn bản QPPL ở Trung ương; các chủ trương, nghị quyết của các cấp ủy Đảng, các văn bản QPPL của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương đã được thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đồng bộ; cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật trên địa bàn; làm tốt vai trò cơ quan thường trực, đầu mối phối hợp thực hiện nhiệm vụ PBGDPL, làm thay đổi nhận thức trước đây là coi nhiệm vụ PBGDPL là của riêng ngành Tư pháp.

Các ngành, các cấp quan tâm thực hiện nhiệm vụ PBGDPL theo các chỉ thị, chương trình, kế hoạch, đề án về PBGDPL và đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Ngoài thực hiện đại trà, diện rộng, đã chú trọng các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng đặc thù.

Công tác kiểm soát thủ tục hành chính có chuyển biến rõ nét. Các thủ tục hành chính được công bố, công khai, minh bạch và thường xuyên được rà soát. Năm 2013, 2014 Sở đều đứng đầu các sở, ngành cấp tỉnh về chỉ số cải cách hành chính (CCHC); công tác quản lý nhà nước về theo dõi thi hành pháp luật, pháp chế, xử lý vi phạm hành chính mặc dù chưa được đáp ứng về nguồn lực nhưng ngành cũng đã cố gắng triển khai thực hiện; quản lý nhà nước về luật sư, giám định, giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước, công chứng, chứng thực, bán đấu giá tài sản,  đăng ký quản lý hộ tịch, lý lịch tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh; hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp tục được quan tâm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đáp ứng mục tiêu “luôn luôn đi cùng dân”; công tác xã hội hóa các lĩnh vực bổ trợ Tư pháp được quan tâm thực hiện. Các tổ chức bổ trợ tư pháp ngày càng được củng cố, kiện toàn về tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Có thể nói, Sở Tư pháp  là cơ quan hành chính nhà nước, chỉ đứng ở vị trí bổ trợ, nói chính xác là giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước các tổ chức bổ trợ tư pháp, với tư cách là “thẩm phán phòng ngừa”, bổ trợ cho thẩm phán xét xử, nhưng đã đóng góp quan trọng cho nhiệm vụ cải cách tư pháp. Chính hoạt động bổ trợ này cũng đã tác động và góp phần thực hiện mục tiêu của công cuộc cải cách tư pháp. Tạo điều kiện cho cơ quan xét xử trong hoạt động thu thập chứng cứ, bảo đảm khách quan, công minh, nhanh chóng, chính xác khi giải quyết vụ án.

Công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng, đã thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ và cấp tỉnh, 1 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Sở đã tiên phong trong áp dụng quy trình ISO, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả, từng bước hiện đại hóa ngành Tư pháp, bắt nhịp với sự phát triển chung của tỉnh, của ngành.

- Phóng viên: Với những thành tích đã đạt được và đến nay vẫn không ngừng được duy trì, phấn đấu, phát triển, xin đồng chí cho biết phương hướng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp Quảng Bình trong thời gian tới?

- Đồng chí Nguyễn Thị Lài: Trong thời gian tới, trước yêu cầu nhiệm vụ mới của công cuộc CCHC, cải cách tư pháp, chuyển từ hoàn thiện pháp luật sang tổ chức thực  hiện pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật, ngành Tư pháp Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, cải tiến lề lối làm việc; tăng cường các hoạt động hướng về cơ sở; luôn bám sát các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Nghị quyết của Tỉnh ủy, của HĐND tỉnh, các quyết định, chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh và của Bộ Tư pháp để triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, lĩnh vực công tác.

Vì các nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, do đó bên cạnh việc triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, ngành sẽ tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt và ưu tiên cho các đối tượng đặc thù, địa bàn trọng điểm, cho những nhiệm vụ, lĩnh vực quan trọng, có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước như: nhiệm vụ cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; PBGDPL, hòa giải ở cơ sở; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; đăng ký, quản lý hộ tịch; quản lý các tổ chức bổ trợ tư pháp và các nhiệm vụ gắn với dịch vụ công; hướng dẫn các ngành, địa phương  trong việc thực hiện các biện pháp để đạt các chỉ tiêu, tiêu chí về chuẩn tiếp cận pháp luật.

Quá trình triển khai nhiệm vụ, chú trọng về chất lượng và hiệu quả công tác; tăng cường  giáo dục, phát huy truyền thống của ngành; thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo về  mọi mặt, trong đó đặc biệt chú trọng đến giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp; xiết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động; thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực, đạo đức lối sống của công chức, viên chức và chuẩn mực đạo đức của ngành Tư pháp; đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tích cực hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do ngành và tỉnh phát động...

- Phóng viên: Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp, đồng chí có điều gì muốn chia sẻ?

- Đồng chí Nguyễn Thị Lài: Trước hết tôi xin phép được thay mặt cho toàn thể công chức, viên chức và người lao động ngành Tư pháp Quảng Bình hôm nay xin trân trọng cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sát, thiết thực, hiệu quả hơn của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, Bộ Tư pháp, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các sở, ngành, địa phương trong tỉnh; sự đồng hành, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đối với tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp.

Kết quả của ngành Tư pháp Quảng Bình có được đó là kết quả và sự đóng góp chung của cả hệ thống chính trị mà ngành Tư pháp với vai trò là lực lượng chuyên trách, nòng cốt. Trân trọng cảm ơn  các thế hệ cha, anh đi trước đã xây dựng, vun đắp truyền thống của ngành, làm nền tảng vững chắc cho thế hệ sau kế thừa và phát triển.

- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí.   

Ngọc Hải (thực hiện)