.

Truyền thống Công an nhân dân Việt Nam 70 năm qua

Thứ Năm, 06/08/2015, 08:37 [GMT+7]

Phần thứ hai

Công an Quảng Bình qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

(Tiếp theo)

Là một bộ phận máu thịt của lực lượng CAND Việt Nam anh hùng, con em yêu quý của quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”, kế tiếp truyền thống quý báu của các thế hệ cha anh đi trước, 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự hỗ trợ, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ của các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang, được các tầng lớp nhân dân yêu thương đùm bọc, lực lượng Công an Quảng Bình vừa chiến đấu, vừa xây dựng trưởng thành, liên tục lập được nhiều chiến công xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của dân tộc, quê hương, vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

1. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)

Ra đời trong bão táp cách mạng tháng 8-1945, lực lượng Công an Quảng Bình tuy còn non trẻ đã lao ngay vào những trận chiến đấu hết sức gay go và phức tạp; vừa làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan của Đảng, bảo vệ các cuộc đấu tranh của nhân dân, vừa trực tiếp chiến đấu, diệt ác, trừ gian, kịp thời phát hiện ngăn chặn, vây bắt nhiều tên Quốc dân đảng phản động và bọn chủ mưu trong các vụ ám sát chính trị, gây rối, kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng... góp phần củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng ở địa phương.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng Công an Quảng Bình tổ chức luồn sâu trong lòng địch, thu thập tài liệu, nắm chắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn của địch để phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài; đồng thời, bảo vệ vững chắc hậu phương của cách mạng và các vùng căn cứ du kích. Ở các vùng sau lưng địch, lực lượng Công an vừa mưu trí dũng cảm diệt tề, trừ gian vừa phối hợp bảo vệ các lực lượng quân đội xung phong giết giặc, giành thắng lợi giòn dã ở Xuân Bồ, Ba Đồn. Ở các vùng tạm chiếm, Công an Quảng Bình là một trong những mũi nhọn đi trước, vừa xây dựng cơ sở cách mạng, vừa hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của quần chúng; phối hợp với dân quân du kích bảo vệ các đường giao liên quan trọng nối liền vùng tạm chiếm với vùng căn cứ cách mạng.

Biết dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, lực lượng Công an Quảng Bình đã phát động mạnh mẽ phong trào “Ba không”, “Bảo mật phòng gian”. Được nhân dân giúp đỡ, các chiến sỹ Công an đã mưu trí, dũng cảm trừng trị nhiều tên việt gian đầu sỏ, nguy hiểm, tay sai đắc lực của thực dân Pháp. Những chiến công như bắt tên Phan Phước Nam, Chi trưởng an ninh Quảng Trạch; phá tan tổ chức phản động “Việt Kiến” ở Tuyên Hoá; tiêu diệt tên gián điệp Nguyễn Yên ở Hoà Ninh; tên Tỉnh trưởng bù nhìn Nguyễn Hữu Nhơn; tên Tôn Thất Canh, Huyện trưởng Quảng Trạch; tên mật thám Trung Kỳ Lê Hồng Đức; tên Đặng Đông Phương, Trưởng ban di động Ty an ninh Ngụy; tên Nguyễn Âu Tây, Trưởng ban di động phòng nhì Pháp; tên Lưu Đức Trừng, Trưởng Ty an ninh Ngụy... mãi mãi còn lưu truyền.

Bằng những chiến công của lực lượng Công an và nhân dân trong tỉnh trong công tác diệt ác phá tề đã làm cho nhiều tên tri phủ, tri huyện, lý trưởng hoang mang, lo sợ xin nộp đồng triện, vũ khí cho cách mạng, hàng trăm hội tề tan rã, đứng về với cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ hy sinh, các đồng chí Phạm Giang Hồ, Phạm Bá Triêm, Phạm On, Võ Khắc Hoà, Đinh Đề, Nguyễn Giáp, Trương Chấu, Hồ Mũng... và nhiều CBCS Công an khác đã kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh, tô thắm những trang sử vàng của Công an Quảng Bình, góp phần làm nên những chiến thắng vang dội ở địa phương.

2. Thời kỳ xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1975)

Sau ngày hoà bình lập lại (1954), dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, Công an Quảng Bình với nhiệm vụ tiếp quản, quản lý xã hội vùng mới giải phóng ở địa đầu miền Bắc XHCN, đã nhanh chóng triển khai hàng loạt biện pháp nghiệp vụ, kịp thời ổn định tình hình ANTT; phát hiện và bóc gỡ nhiều tổ chức phản động, gián điệp do Pháp-Mỹ cài lại, nhiều tên gián điệp từ miền Nam vượt tuyến ra Bắc hoạt động, nhiều vụ gây rối cưỡng ép giáo dân di cư vào nam...

Trừng trị đích đáng các tổ chức phản động với các tên gọi “Công nông cách mạng” ở Lệ Ninh; “Việt Hưng phục quốc” ở ba huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá; bắt những tên gián điệp nguy hiểm như: Hồng Văn Nam, Nguyễn Việt Quang, Phạm Ơm; xử lý nghiêm minh những tên linh mục phản động: Trương Văn Liệu, Hoàng Ngọc Hồ, Lê Trọng Nghĩa... lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng.

Phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng “Bảo vệ trị an”, “Bảo mật phòng gian”, biến mỗi người dân là một chiến sỹ an ninh, mỗi bản làng là một pháo đài kiên cố; xây dựng phòng tuyến an ninh vững chắc, làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình; tích cực cải tạo bọn tề ngụy; kiên quyết đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng và bọn tội phạm khác; chủ động bắt gọn 38 toán gián điệp biệt kích và hàng chục vụ gián điệp con thoi, ẩn nấp gồm hàng trăm tên, điều tra kết luận hàng trăm đầu mối nghi vấn khác, đập tan âm mưu phá hoại hậu phương hết sức thâm độc của địch.

Trong những năm chống Mỹ, Quảng Bình, Vĩnh Linh là nơi hội tụ của ý chí thống nhất “Bắc Nam một nhà”, “Bình Trị Thiên ruột thịt” đây cũng là chiến trường ác liệt nhất, nơi đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và địch.
Hòng làm suy yếu hậu phương, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc XHCN đối với miền Nam ruột thịt, đế quốc Mỹ đã dùng sức mạnh của bom đạn, mưu toan hủy diệt cả miền Bắc.

Với vị trí chiến lược, Quảng Bình đã trở thành tọa độ lửa trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Giặc Mỹ dùng đủ loại máy bay, tàu chiến với nhiều loại vũ khí, chất độc hoá học để tiêu diệt sự sống trên mãnh đất Quảng Bình. Hơn 8 năm, rền trong tiếng bom đạn, những người dân Quảng Bình với ý chí sắt đá “Nhà tan cửa nát cũng ừ, quyết tâm đánh Mỹ cực chừ sướng sau”; “Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương”... đã kiên cường chiến đấu giỏi và sản xuất giỏi.

Trong những năm tháng đầy gian khổ hy sinh ấy, lực lượng Công an Quảng Bình tham mưu phối hợp với chính quyền, các ngành, các cấp tích cực vận động hướng dẫn, trực tiếp tham gia cùng quần chúng làm hàng vạn hầm trú ẩn, đào hàng chục ngàn km giao thông hào, hàng trăm âu tàu, âu phà, hàng ngàn hầm giấu xe, hầm chứa vũ khí, tài sản... tạo thành những làng hầm, những căn cứ hầm trong lòng đất, trụ vững những nơi ác liệt; bám rừng, bám biển, bám đường, bám phà, bám các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng yếu để chiến đấu, cứu người, cứu xe, cứu tài sản...

Phối hợp với các lực lượng bảo vệ an toàn cho hàng ngàn đoàn quân, đoàn xe, hàng vạn tấn lương thực, vũ khí đạn dược... chi viện cho tiền tuyến. Đưa đón và bảo vệ hàng ngàn đồng bào và các cháu thiếu niên, học sinh ở vùng chiến tranh ác liệt (Quảng Bình-Vĩnh Linh) sơ tán ra các tỉnh miền Bắc theo kế hoạch K8, K10, K15 an toàn. Đồng thời tích cực điều tra, kết luận thành công nhiều vụ án kinh tế, hình sự, góp phần ổn định tình hình ANTT của địa phương.

Cùng chung một chiến hào đánh Mỹ, vì Trị-Thiên ruột thịt, lực lượng Công an Quảng Bình đã kịp thời chia lửa, chia máu, chủ động đưa lực lượng vào miền Nam chiến đấu, chi viện hàng trăm cán bộ ưu tú cho An ninh Trị-Thiên-Huế... góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Trong bản hùng ca của những năm tháng đánh Mỹ, nhiều đơn vị, địa phương của Công an tỉnh nhà đã trở thành những lá cờ đầu trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”. Đó là Ban Công an các xã: Đại Trạch, Võ Ninh; các đồn CAND vũ trang: 101, 132, 119, 120; Đại đội 2; Trạm 305; Đồn CAND số 84; Trạm Cảnh sát nhân dân số 64; Đội cảnh sát PCCC; Công an TP. Đồng Hới; Công an huyện Quảng Ninh; Công an huyện Bố Trạch; Công an huyện Lệ Thuỷ; Phòng bảo vệ chính trị; Phòng Cảnh sát giao thông đã có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND.

Đó còn là những tấm gương sáng của anh hùng liệt sỹ Huỳnh Kim Trung; anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Cù; các liệt sỹ: Nguyễn Bá Chưng, Lê Văn Thành, Đinh Văn Luyện, Đinh Văn Ý, Nguyễn Văn Sói... Các anh hùng: Hồ Bá Thọ, Hoàng Hữu Nờ, Nguyễn Tri Phương, Hồ Phòm, Phạm Bá Hạt, Lê Văn Hiến, Nguyễn Văn Tương, Nguyễn Xuân Giang và nhiều cán bộ chiến sỹ Công an Quảng Bình khác đã không quản gian khổ, hi sinh, dũng cảm vượt qua mưa bom bão đạn, kiên cường chiến đấu vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Theo Tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy-Công an tỉnh

(Còn nữa)