.

Vì sao vẫn còn "kẽ hở" để doanh nghiệp trốn thuế?

Thứ Năm, 11/08/2016, 07:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian gần đây, tình hình tội phạm trong lĩnh vực thuế gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Làm sao để ngăn chặn hiệu quả tình trạng nêu trên, để vừa chống thất thu cho ngân sách nhà nước, vừa tạo sự công bằng cho môi trường kinh doanh giữa các doanh nghiệp là vấn đề đặt ra, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng.

Theo thống kê, năm 2015, Công an tỉnh đã khởi tố 3 doanh nghiệp trốn thuế với số tiền gần 7 tỷ đồng, tăng 2 vụ so với năm 2014. Đầu năm 2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiếp tục khởi tố 3 vụ với số tiền trốn thuế lên trên 15 tỷ đồng.

Điều đáng nói, nếu không kịp thời phát hiện và xử lý các doanh nghiệp nói trên, thì chắc chắn ngân sách nhà nước sẽ thất thoát một số tiền không nhỏ. Trước thực trạng gia tăng của tội phạm trong lĩnh vực thuế, có ý kiến cho rằng, phải chăng do chiêu thức "lách luật" của các doanh nghiệp này quá tinh vi nên cơ quan chức năng khó phát hiện?

Bởi, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện hành vi trốn thuế trong một thời gian dài, nhưng vẫn không bị phát hiện. Đơn cử như trường hợp doanh nghiệp Hiếu Trung (phường Đồng Sơn, TP.Đồng Hới). Từ năm 2013 đến năm 2014, doanh nghiệp này đã có hành vi mua 140 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) không có hàng hóa kèm theo (hóa đơn khống) để kê khai thuế GTGT đầu vào nhằm khấu trừ thuế GTGT đầu ra để trốn thuế với tổng số tiền lên đến 13,9 tỷ đồng. Nhưng đến đầu năm 2016, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) phối hợp với ngành Thuế, hành vi trốn thuế của doanh nghiệp này mới được điều tra làm rõ.

Cơ quan chức năng đang tiến hành khám xét nơi làm việc của một doanh nghiệp trốn thuế.
Cơ quan chức năng đang tiến hành khám xét nơi làm việc của một doanh nghiệp trốn thuế.

Hay như vụ trốn thuế của Công ty TNHH Thương mại Lê Dũng Linh, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) phát hiện công ty này có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế. Theo đó, từ năm 2012 đến ngày 30-6-2013, Công ty TNHH Thương mại Lê Dũng Linh đã nhập khẩu và xuất bán 60.530 con trâu, bò, với tổng doanh thu hơn 281 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong năm 2012, công ty này đã không lập hóa đơn đúng thời điểm bán hàng, không kê khai thuế đầy đủ. Công an tỉnh đã đề nghị cơ quan Thuế phối hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra, truy thu và xử phạt Công ty TNHH Thương mại Lê Dũng Linh số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, lợi dụng các "kẽ hở" của chính sách thuế và công tác quản lý thuế hiện nay, nhiều doanh ngiệp còn "bắt tay" với các doanh nghiệp ngoài địa bàn tỉnh để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước gây không ít khó khăn trong việc kiểm soát và thu thuế.

Vụ trốn thuế tại các Công ty TNHH xăng dầu Ngọc Thanh, Công ty TNHH Hải Vân và Công ty TNHH Phú Hải là một ví dụ. Năm 2014, 3 công ty này đã mua hóa đơn GTGT của một số doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh để hợp thức hóa số lượng dầu mua trôi nổi trên thị trường, với mục đích nhằm khấu trừ thuế GTGT để trốn thuế gần 5 tỷ đồng. 

Rõ ràng hành vi trốn thuế của các doanh nghiệp là cực kỳ nghiêm trọng, chẳng những gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước, mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điều đáng nói là một số doanh nghiệp nói trên vẫn được cơ quan Thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra theo định kỳ. Nghĩa là, doanh nghiệp vẫn nằm trong vòng kiểm soát của cơ quan Thuế.

Thế nhưng, vì sao vẫn còn "kẽ hở" để doanh nghiệp trốn thuế? Vấn đề đặt ra ở đây là công tác theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thuế của các cơ quan chức năng đã thực sự có hiệu quả?

Anh Hoàng Ngọc Trâm, Trưởng phòng Thanh tra thuế (Cục Thuế) cho biết, theo cơ chế quản lý thuế hiện nay, thì doanh nghiệp tự tính, tự khai và tự nộp thuế, nghĩa là các thủ tục để nộp thuế của họ đã đầy đủ, hóa đơn đã hợp pháp, nên khó mà phát hiện. Chỉ khi qua nhiều đợt thanh tra, kiểm tra phát hiện thấy doanh nghiệp có một số dấu hiệu lặp đi lặp lại bất thường về thủ tục, thì cơ quan Thuế mới phối hợp cùng cơ quan Công an vào cuộc xác minh, điều tra.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn lợi dụng Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ về việc doanh nghiệp tự chủ trong việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn để trốn thuế.

Ngoài ra, có thể kể đến công tác quản lý doanh nghiệp hiện nay chưa được chặt chẽ. Việc kiểm tra hồ sơ khai thuế, phân tích và quản lý rủi ro còn hạn chế, dẫn đến chưa nắm bắt, đánh giá chưa đúng thực trạng hoạt động của doanh nghiệp cũng là một nguyên nhân tạo ra "kẽ hở" cho các hành vi trốn thuế. Để hạn chế những kẽ hở không đáng có, cơ quan Thuế đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ quyết liệt, trong đó trọng tâm là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, và đối chiếu theo các tiêu chí rủi ro về thuế nhằm chống thất thu thuế.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan cũng là một giải pháp quan trọng. Có thể nói, sự phối hợp giữa lực lượng Công an và cơ quan Thuế (theo Quy chế phối hợp số 1527/QCPH/TCT-TCCS ngày 31-10-2007 giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) trong thời gian qua đã đóng góp không nhỏ vào việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi trốn thuế. Sự khép chặt của 2 "gọng kìm" này góp phần thu nhỏ các “kẽ hở” trong công tác quản lý, theo dõi các hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực thuế như: trốn thuế, gian lận thuế, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT, in ấn, mua bán và sử dụng trái phép hoá đơn GTGT, chây ỳ không nộp đủ tiền thuế, tiền phạt vào ngân sách Nhà nước và các tội phạm khác về thuế... đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Từ năm 2013 đến nay cơ quan chức năng đã truy thu và xử phạt các doanh nghiệp với số tiền hơn 10,2 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan Thuế chuyển cơ quan Công an 9 doanh nghiệp, cơ quan Công an chuyển cơ quan Thuế 2 doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, ngoài các biện pháp nghiệp vụ truy thu thuế, thì sự phối hợp một cách chặt chẽ, có trách nhiệm, đồng bộ giữa cơ quan Thuế và các địa phương, các ngành liên quan trong việc quản lý doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Và các hành vi phạm tội trong lĩnh vực thuế cũng sẽ khó lọt qua được "khe cửa hẹp" nói trên.

Dương Công Hợp