.

Tình trạng sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc hợp pháp để sản xuất gạch ngói: Cần kiên quyết xử lý

Thứ Năm, 04/08/2016, 08:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, Báo Quảng Bình nhận được thông tin của bạn đọc phản ánh về tình trạng khai thác trộm, khai thác trái phép và việc sử dụng nguyên liệu “lậu” của nhiều cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta trong lĩnh vực sản xuất gạch, ngói. Cùng với đó, bạn đọc hỏi trước vấn đề này cơ quan chức năng đã xử lý và có biện pháp chấn chỉnh như thế nào.

Về vấn đề bạn đọc phản ánh, thông tin từ Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết: Qua đợt thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng sét để sản xuất gạch, ngói trên địa bàn tỉnh vào đầu năm 2016 đã phát hiện 72% nguồn nguyên liệu sét phục vụ cho sản xuất gạch, ngói là nguyên liệu “lậu” (nguồn nguyên liệu không được cấp phép khai thác theo đúng quy định của pháp luật).

Qua thanh tra phát hiện 72% nguyên liệu sét để sản xuất gạch, ngói trên địa bàn tỉnh có nguồn gốc “lậu”.
Qua thanh tra phát hiện 72% nguyên liệu sét để sản xuất gạch, ngói trên địa bàn tỉnh có nguồn gốc “lậu”.

Cụ thể, tại thời điểm thanh tra vào đầu năm 2016, qua thanh tra 21 cơ sở có sử dụng sét để sản xuất gạch, ngói có công suất sản xuất thực tế khoảng hơn 214 triệu viên/năm, tương đương cần sử dụng 215.667m3 đất sét/năm để làm nguyên cho thấy: Chỉ có 4/21 đơn vị được cấp giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, với khối lượng sét được khai thác là 60.000m3/năm. Như vậy, khối lượng sét được phép khai thác để sử dụng hợp pháp chỉ chiếm 28% trong tổng số nguyên liệu thực tế các cơ sở hiện đang sử dụng hàng năm.

Riêng 17 cơ sở sản xuất gạch, ngói trên địa bàn tỉnh không có giấy phép khai thác khoáng sản đều không chứng minh được khối lượng sét khoảng 155.667m3/năm (chiếm 72%) đã và đang làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói từ năm 2013 đến nay có nguồn gốc hợp pháp và cũng không chứng minh được đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khối lượng sét này. Qua kiểm tra cũng cho thấy có 12/21 cơ sở sản xuất gạch, ngói không thực hiện việc kê khai và nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường. Ngoài ra, qua kiểm tra, đoàn thanh tra của Sở Tài nguyên-Môi trường còn phát hiện hàng loạt sai phạm khác của các cơ sở sản xuất gạch, ngói trên địa bàn. 

Qua việc phát hiện các sai phạm nói trên, Sở Tài nguyên-Môi trường đã kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm sai phạm của các cơ sở sản xuất gạch, ngói theo đúng quy định của pháp luật.

Thực tế trên cũng cho thấy, công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác còn bộc lộ nhiều hạn chế và tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra ở một số nơi trên địa bàn tỉnh, nhất là khai thác cát, đất san lấp, sét, đá sét... làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng đã làm thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường, gây nguy cơ mất an toàn một số công trình hạ tầng kỹ thuật, gây thất thu ngân sách... Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND, ngày 21-3-2016 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Nội dung chỉ thị nêu rõ: Nghiêm cấm các cơ sở sản xuất sử dụng khoáng sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, khoáng sản khai thác trái phép để làm nguyên liệu sản xuất. Đến 30-4-2016, các cơ sở sử dụng khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất (có mỏ được cấp phép hoặc hợp đồng với các đơn vị khai thác mỏ), nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu, tiếp tục sử dụng nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc sẽ bị xử lý, đình chỉ hoạt động...

Tuy nhiên, theo thông tin phản ánh của bạn đọc thì hiện tại nhiều cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang khai thác và sử dụng nguyên liệu sét  “lậu” phục vụ cho việc sản xuất gạch, ngói. Qua xác minh bước đầu trên địa bàn các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Trạch cho thấy thông tin bạn đọc phản ánh và cung cấp là có cơ sở.

Đáng nói là, mặc dù thời gian qua các lực lượng chức năng như Cảnh sát Môi trường, Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường... vào cuộc khá quyết liệt và đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp khai thác trái phép, song tình trạng người dân lén lút bán đất sét từ đất vườn, đất trang trại, đất lâm nghiệp của mình mà không hề xin phép bất cứ cơ quan chức năng nào theo quy định của pháp luật vẫn diễn ra khá nhiều.

 Một điểm từng cung cấp nguồn sét “lậu” để sản xuất gạch, ngói khi thực hiện việc san mặt bằng xây dựng công trình trên địa bàn huyện Quảng Ninh.
Một điểm từng cung cấp nguồn sét “lậu” để sản xuất gạch, ngói khi thực hiện việc san mặt bằng xây dựng công trình trên địa bàn huyện Quảng Ninh.

Nguồn nguyên liệu sét “lậu” này được một số cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp sản xuất gạch, ngói mua trực tiếp, hoặc thông qua một số đơn vị cung cấp khác mua đất sét từ đất vườn, đất trang trại, đất lâm nghiệp của người dân, lấy đất từ các công trình xây dựng phải san mặt bằng có nguồn đất sét bóc đi...

Để chấn chỉnh và chấm dứt tình trạng nói trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 08/CT-UBND, ngày 21-3-2016.

Đặc biệt, cần tập trung thanh tra, kiểm tra tất cả các cơ sở, đơn vị sản xuất gạch, ngói trên địa bàn để làm rõ nguồn gốc nguyên liệu là đất sét mà các đơn vị này hiện đang sử dụng, cũng như việc chấp hành các nội dung kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên - Môi trường vào đầu năm 2016 về chấp hành pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng sét để sản xuất gạch, ngói trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, cần kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị, cơ sở sử dụng nguồn nguyên liệu "lậu" theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 08/CT-UBND, ngày 21-3-2016. Đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở, đơn vị sản xuất gạch ngói không thực hiện nghiêm túc các nội dung kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên-Môi trường nói trên.

Bùi Thành