.
Ký sự pháp đình:

Chia đất... chia cả tình thân

Thứ Sáu, 15/05/2015, 10:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Đất đai không chỉ là nơi an cư, mà qua bao đời sinh sống ở đó, nó còn là nơi cố kết nghĩa tình, máu thịt giữa những người thân trong gia đình. Vậy nhưng, chỉ vì những toan tính, vụ lợi về vật chất, mà có lúc người ta sẵn sàng đánh mất tình thân...

 

Ngày anh Lợi còn sống, gia đình ông Năm sống hòa thuận đầm ấm. Con cái và cha mẹ, dù có lúc có xích mích, bất đồng nhưng đó cũng là cái lẽ thường tình của những người thuộc 2 thế hệ, rồi đâu vào đấy cả. Bậc làm cha làm mẹ có cái phép tắc của người bề trên, còn con cái thì vẫn giữ được đạo hiếu của người làm con. Dù trong gia đình, anh Lợi là con độc đinh, nhưng theo ý muốn của con, năm 2004, ông bà vẫn quyết định cho vợ chồng anh Lợi làm nhà ra ở riêng. Ý của ông Năm là để con cái có sự tự chủ, tự do.

Thêm nữa, nói là ở riêng nhưng vợ chồng anh Lợi lại dựng nhà ở bên cạnh, ngay trong vườn nhà, nên mọi bề chăm sóc cho ông bà cũng tiện. Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi qua. Năm 2011, anh Lợi có nguyện vọng muốn ông Năm tặng cho vợ chồng anh toàn bộ thửa đất này (bao gồm cả phần đất của ông Năm). Vì thương con và nghĩ sau này có già yếu thì cũng trông nhờ nương tựa cả vào con, nên ông bà đã đồng ý.

Ngay sau đó, ông bà Năm làm thủ tục tặng cho vợ chồng anh Lợi, chị Thúy toàn bộ quyền sử dụng đất ở và đất vườn của mình. Cùng năm, anh Lợi và chị Thúy được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Có lẽ sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra với gia đình ông Năm, nếu như anh Lợi không đột ngột ra đi vì tai nạn giao thông. Nỗi đau rồi cũng qua đi, khi bên cạnh ông bà vẫn còn có người con dâu và 2 người cháu nội kháu khỉnh, đáng yêu. Thế nhưng, kể từ khi anh Lợi mất, chị Thúy lại thiếu quan tâm, chăm sóc ông bà, mặc dù nhà chỉ cách bố mẹ chồng có mấy bước chân. Ông bà già yếu, trái tính trái nết là một nhẽ, nhưng phận làm con lại không tròn phận làm con.

Chuyện gì đến rồi cũng phải đến. Mâu thuẫn giữa con dâu và bố mẹ chồng xảy ra. Mâu thuẫn đến nỗi tưởng chừng như con dâu, bố mẹ chồng đã cạn hết nghĩa tình; lạnh nhạt đến nỗi, để yên tâm cư ngụ trong ngôi nhà của mình và có nơi để thờ tự hương khói cho ông bà tổ tiên, ông bà Năm muốn con dâu nhường lại cho mình một phần đất lúc trước đã tặng cho vợ chồng con. Nhưng tại các phiên hòa giải ở địa phương, chị Thúy lại nhất mực không đồng ý.

Chỉ khi ông Năm đưa đơn ra tòa, chị Thúy mới chịu đồng ý. Tại tòa, chị yêu cầu tòa chia theo quy định của pháp luật, nhưng phải chia 5 phần bằng nhau. Trong đó, 2 phần của ông bà Năm và 3 phần còn lại của chị và 2 đứa con. Tuy nhiên, cả 2 lần triệu tập của Tòa án, chị Thúy đều vắng mặt. Đến lần thứ 3, Tòa án buộc phải tiến hành xét xử vắng mặt chị Thúy-bên bị đơn. Căn cứ vào các quy định của pháp luật mảnh đất được chia giá trị tài sản thành 5 phần bằng nhau. Ông bà Năm được nhận 2 phần, ba mẹ con chị Thúy được nhận 3 phần còn lại.

Một giọt máu đào hơn ao nước lã, ông bà xưa đã từng dạy thế, mảnh đất kia đâu phải là căn nguyên, nguồn gốc của những mâu thuẫn để đến nỗi phải chia năm sẻ bảy, tình thân của những người trong cuộc theo đó cũng nhạt nhòa đi như bây giờ. Đất đai có thể chia, chứ tình thâm máu mủ đâu có dễ dàng đem ra so bì, chia chác rành rẽ được!?!...

Dương Công Hợp

------------------------------------------

* Tên nhân vật đã được thay đổi.