.

Hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân: Vẫn còn nhiều hạn chế

Thứ Sáu, 02/08/2013, 15:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là đánh giá của Ban Pháp chế HĐND tỉnh thông qua việc thực hiện công tác giám sát, khảo sát và từ tình hình thực tế hoạt động của ngành Tòa án và Viện kiểm sát ở tỉnh ta trong 6 tháng đầu năm 2013.

Theo đó, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2013, mặc dù số lượng các loại án thụ lý tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng TAND hai cấp đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Ngành Tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra xét xử kịp thời các loại án, nhất là các vụ án trọng điểm, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, góp phần giữ vững trật tự, an toàn xã hội.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2013 toàn ngành đã thụ lý 1.329 vụ án các loại (so với cùng kỳ năm 2012 tăng 382 vụ); đã giải quyết, xét xử 991 vụ (đạt tỷ lệ 74,6%); tất cả các vụ án chưa giải quyết do mới thụ lý và đều đang nằm trong thời hạn giải quyết. Nhìn chung, chất lượng giải quyết các loại án đã từng bước được nâng lên, kết quả xét xử cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Các Tòa án đã tăng cường việc xét xử lưu động tại các địa phương (43 vụ án), góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm.

Công tác giám đốc kiểm tra được chú trọng, thông qua việc kiểm tra 923 bản án, quyết định, 726 hồ sơ vụ án, 550 hồ sơ thi hành án hình sự đã kịp thời phát hiện các sai sót trong quá trình giải quyết các loại án của Tòa án cấp huyện để chấn chỉnh, khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các loại án. Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho các Tòa án cấp huyện; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho các thẩm phán, thư ký tòa án và hội thẩm nhân dân tiếp tục được quan tâm. Công tác xây dựng ngành, củng cố kiện toàn tổ chức, cán bộ ở Tòa án hai cấp cũng được chú trọng.

Tuy nhiên, hoạt động của ngành Tòa án vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: Về giải quyết án hình sự, một số vụ án chất lượng xét xử chưa cao, mặc dù đã được chấn chỉnh, hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, vẫn còn một số trường hợp thực hiện chưa đúng hướng dẫn nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, nên đã áp dụng không đúng, dẫn đến việc bị hủy hoặc sửa án.

Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực áp dụng pháp luật của một số thẩm phán và hội thẩm nhân dân còn những hạn chế nhất định. Đối với các loại án khác (dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh - thương mại hành chính...) việc xây dựng hồ sơ, thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật của một số thẩm phán, hội đồng xét xử còn hạn chế.

ẢnhPhiên tòa xét xử vụ án Dương Thị Thúy Hà và chồng là Nguyễn Văn Bảy phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được dư luận xã hội quan tâm.
Phiên tòa xét xử vụ án Dương Thị Thúy Hà và chồng là Nguyễn Văn Bảy phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được dư luận xã hội quan tâm.

Do đó vẫn còn những vụ án bị Tòa án cấp trên hủy hoặc cải sửa do đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, toàn diện, quan hệ phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc giám định, thẩm định, định giá, cung cấp số liệu chưa chính xác nên dẫn đến sai sót. Một số vụ án tuyên không rõ ràng dẫn đến khó thi hành, hoặc không thi hành án dân sự được. Điều đáng nói là tỷ lệ các vụ án dân sự hoà giải thành còn thấp.

Từ thực tế nêu trên, nên chất lượng xét xử một số vụ án chưa cao và còn nhiều vụ án bị Tòa án cấp trên hủy hoặc cải sửa (án bị hủy án 5 vụ, án bị sửa 34). Ngoài ra, ngành Tòa án chưa coi trọng việc xét xử lưu động đối với các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình. Việc phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa phương chưa chặt chẽ dẫn đến hiệu quả xét xử các vụ án có tình tiết phức tạp chưa cao.

Về hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2013 ngành Kiểm sát đã cơ bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các hoạt động tư pháp. Cụ thể, ngành Kiểm sát hai cấp phối hợp với cơ quan điều tra đã khởi tố mới 221 vụ án hình sự; thụ lý kiểm sát điều tra 307 vụ; truy tố chuyển Toà án 212 vụ, 391 bị can; trả hồ sơ yêu cầu  điều tra bổ sung 4 vụ (tỉnh 1 vụ; huyện 3 vụ); thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm 199 vụ.

Trong công tác thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát hai cấp đã chú trọng theo dõi giải quyết tin báo tố giác tội phạm, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, thu thập chứng cứ bảo đảm cho việc khởi tố, truy tố có căn cứ, đúng pháp luật, không để xảy ra tình trạng truy tố oan người vô tội. Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với các hoạt động tư pháp được thực hiện thường xuyên.

Thông qua hoạt động kiểm sát, Viện kiểm sát hai cấp đã kịp thời phát hiện các sai sót, vi phạm của cơ quan điều tra, Tòa án và đã kịp thời ban hành kháng nghị, kiến nghị khắc phục. Cụ thể, đã ban hành 1 kiến nghị đối với cơ quan điều tra và 3 kháng nghị phúc thẩm các bản án của Tòa án cấp huyện. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử, thi hành các loại án và các việc khác theo quy định của pháp luật.

Thực hiện công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam đã phát hiện 15 trường hợp quá hạn tạm giam và một số vi phạm trong công tác quản lý giam giữ. Đã ban hành 13 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm. Trong thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại và những việc khác theo quy định của pháp luật, ngành Kiểm sát đã phát hiện Tòa án hai cấp gửi chậm 89 thông báo, 44 bản án; đã ban hành 10 kiến nghị  yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm và 2 kháng nghị giám đốc thẩm bản án có vi phạm. Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện Kiểm sát và kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp, đã tiếp nhận 159 đơn, tiếp công dân 44 lượt. Trong đó, đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện Kiểm sát 11 đơn, đã giải quyết 100%...

Bên cạnh những kết quả đáng chú ý nói trên thì trong hoạt động của ngành Kiểm sát tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: Tuy là cơ quan thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp và chịu trách nhiệm thực hiện việc thống kê tội phạm, tuy nhiên báo cáo của Viện Kiểm sát chưa đề cập một cách đầy đủ, toàn diện về tính chất, mức độ của tình hình tội phạm để từ đó tìm ra được nguyên nhân, điều kiện phạm tội và đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Chưa đề cập đến những tồn tại, hạn chế, những nguyên nhân, vướng mắc trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. Đáng nói là chất lượng kiểm sát hoạt động điều tra các vụ án hình sự chưa cao, vẫn còn một số vụ án Tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung; tình trạng khởi tố oan sai còn xảy ra. Có vụ án còn biểu hiện sự thiếu nhất quán về quan điểm và cách xử lý, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Qua thông tin từ dư luận cho thấy thời gian qua dư luận khá bức xúc về việc ngành Kiểm sát đã để xảy ra nhiều vụ án oan sai, song chậm được xử lý hoặc thiếu kiên quyết trong chỉ đạo xử lý dẫn đến việc khiếu kiện gây dư luận không tốt trong nhân dân...

Qua việc đánh giá, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề xuất trong thời gian tới ngành Tòa án và Viện Kiểm sát cần quan tâm chỉ đạo và có giải pháp khắc phục các tồn tại và hạn chế nêu trên, đồng thời chỉ rõ cần thực hiện các vấn đề sau: Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng ngành, trong đó chú trọng đưa ra biện pháp tích cực để từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác, phẩm chất chính trị đạo đức của đội ngũ cán bộ, nhất là các chức danh tư pháp như thẩm phán, kiểm sát viên, thư ký, những người tiến hành tố tụng. Làm tốt hơn nữa việc giáo dục pháp luật thông qua công tác giải quyết, xét xử các loại án.

Ngành kiểm sát cần tăng cường kiểm sát việc thi hành án treo và cải tạo không giam giữ, kịp thời kiến nghị khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý người bị kết án của UBND cấp xã. Quan tâm áp dụng thủ tục rút gọn khi điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đủ điều kiện nhằm giải quyết nhanh các vụ án này. Ngoài ra, TAND tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cần thống kê đầy đủ số liệu theo mốc thời gian báo cáo mà HĐND tỉnh quy định, tránh tình trạng số liệu báo cáo của các ngành không thống nhất, khó đánh giá đúng thực chất tình hình tội phạm và chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp...

                                                                                         Đ.T