.

Phụ nữ Quảng Ninh: Chú trọng phát triển mô hình kinh tế điểm

Thứ Hai, 02/10/2017, 16:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Xác định hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm giúp chị em thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững, Hội LHPN huyện Quảng Ninh luôn chú trọng việc xây dựng các mô hình kinh tế điểm. Hội xem đây là các điểm sáng trong sản xuất để động viên chị em học tập, nhân rộng, chủ động đầu tư sản xuất nâng cao kinh tế gia đình.

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng nấm của chị Phạm Thị Hoa ở thôn Phú Lộc, xã Gia Ninh khi nhà nấm linh chi đang vào độ thu hoạch. Để có được hơn 1.500 bịch nấm linh chi phát triển đều, đẹp như hiện tại là công sức hơn 3 tháng trời của vợ chồng chị Hoa và 12 chị em khác trong tổ trồng nấm thương phẩm.

Với vốn kiến thức trồng nấm được tập huấn kỹ càng, chị đầu tư nhà trồng nấm theo các tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm từ độ ẩm, độ cao giàn nấm, khoảng cách các bịch nấm, dây nấm đến quy cách chăm bón nấm. Trên địa bàn xã Gia Ninh, đây là mô hình trồng nấm đầu tiên được hình thành, nên chị em bước đầu còn khá lạ lẫm.

Với tư duy của một cán bộ phụ nữ về hưu, chị Hoa luôn trăn trở về cách tạo được nghề mới, mang lại thu nhập ổn định và phát triển một cách bền vững tại địa phương. Từ đó, chị đã tự học hỏi kỹ thuật trồng nấm, tham quan mô hình tại các HTX trồng nấm trong và ngoài tỉnh, đầu tư xây dựng nhà xưởng và trồng thử nghiệm theo hướng dẫn.

Mô hình trồng nấm của hội viên phụ nữ mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Mô hình trồng nấm của hội viên phụ nữ mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Ban đầu, chị thử nghiệm vài trăm bịch phôi nấm linh chi và hơn 1.000 bịch nấm sò, thấy nấm phát triển thuận lợi, cho thu nhập khá, chị đã mở rộng quy mô và tập hợp thêm 12 hội viên phụ nữ là hộ nghèo và hộ cận nghèo cùng tham gia sản xuất.

Hiện nay, mô hình trồng nấm đang phát triển khá hiệu quả với hơn 22.000 bịch nấm các loại, mỗi năm cho thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Nhận thấy có thể làm giàu từ nghề trồng nấm, chị Phạm Thị Hoa dự định sẽ mở rộng sản xuất thêm nấm mộc nhĩ và chế biến nấm sò khô để tạo việc làm cho nhiều chị em hơn nữa.
Bấy lâu nay, mô hình trồng rau sạch của phụ nữ xã Võ Ninh đã phát huy hiệu quả kinh tế. Từ lợi thế của nguồn nước ở vùng đồi cát, rau màu đã được người dân Võ Ninh sản xuất quanh năm.

Toàn xã có 116 ha trồng rau các loại và có đến hơn 80% hộ gia đình tham gia sản xuất. Rau được trồng xen canh, gối vụ suốt bốn mùa với đa dạng các loại rau thực phẩm, rau gia vị, củ quả... Với kỹ thuật và kinh nghiệm trồng rau lâu năm, cộng với được hỗ trợ tập huấn, cập nhật kỹ thuật mới thường xuyên, nên người trồng rau ở Võ Ninh luôn có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Hơn 80% hộ trồng rau đầu tư làm nhà lưới để tránh tình trạng rau bị ảnh hưởng do thời tiết, khí hậu thất thường.

Tính bình quân giá trị từ mô hình, mỗi năm rau màu mang lại cho người dân Võ Ninh hơn 100 triệu đồng/ ha. Với nguồn vốn tín chấp hơn 11 tỷ đồng từ NHCSXH và 1,3 tỷ đồng từ các quỹ phát triển phụ nữ, Hội phụ nữ xã Võ Ninh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để hội viên được quay vòng vốn, đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Ngoài hai mô hình chỉ đạo điểm trong năm 2017 nói trên, Hội LHPN huyện Quảng Ninh tập trung chỉ đạo cơ sở phát huy hiệu quả các mô hình hiện  có tại địa bàn. Đó là mô hình trồng mướp đắng, dưa hấu tại thôn Long Đại, xã Hiền Ninh; mô hình trồng cây thanh long tại xã Vạn Ninh, các mô hình kinh doanh, phát triển kinh tế trang trại... Hội luôn tạo điều kiện thuận lợi trong việc hỗ trợ kỹ thuật, tín chấp nguồn vốn vay để chị em mạnh dạn phát triển sản xuất, khẳng định vai trò và vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

Duy Hiền
(Đài TT-TH Quảng Ninh)