.

Bàn về quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực sản xuất xe máy

Thứ Tư, 27/09/2017, 10:54 [GMT+7]

Nhiều kiểu dáng xe máy có xuất xứ Trung Quốc và xe máy điện được lắp ráp tại Việt Nam đang xâm phạm kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ. Cùng với đó, hiện tượng sản xuất, buôn bán phụ tùng xe máy, mũ bảo hiểm, dầu nhớt giả mạo nhãn hiệu đang ngày càng gia tăng.

Quang cảnh hội thảo. (Nguồn: VAMM)
Quang cảnh hội thảo. (Nguồn: VAMM)

Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Sở hữu trí tuệ và các vấn đề trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội ngày 26-9.

Đây là hội thảo quốc tế lần thứ 13 do Liên hiệp các nhà sản xuất xe máy châu Á (FAMI) tổ chức và là lần đầu tiên hội thảo về chủ đề này được tổ chức tại Việt Nam.

Diễn giả Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ nói nhấn mạnh chủ thể quyền cần có ý thức đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình tại Việt Nam hay bất kỳ thị trường nào doanh nghiệp thiết lập hoạt động kinh doanh vì đó là tiền đề để bảo hộ và thực thị quyền sở hữu trí tuệ.

Tại hội thảo, diễn giả, tiến sỹ Luật học Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh thanh tra về sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa hoa Công nghệ trình bày về thực trạng của việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, đặc biệt là những khó khăn, thử thách đối với ngành công nghiệp xe máy gặp phải trong việc thực thi Quyền sở hữu trí tuệ và các hướng khắc phục, cải thiện của Nhà nước.

Theo bà, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xe máy rất đa dạng và khá phức tạp. Các hành vi vi phạm này gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành, đến quyền lợi của người tiêu dùng. Việt Nam đang rất cần cải thiện và phát triển việc bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong ngành công nghiệp xe máy.    

Diễn giả Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường đã cung cấp những con số cập nhật về các vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ trên thị trường đã bị phát hiện trong thời gian qua.

Theo số liệu của Cục Quản lý thị trường, trong năm 2016, đơn vị đã xử lý khoảng 2.530 vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (bao gồm hàng giả, hàng nhái) và tịch thu gần 97.194 sản phẩm vi phạm.

Trong sáu tháng đầu năm 2017, số vụ vi phạm xử lý đã lên tới 2.721 vụ, với giá trị hàng hóa vi phạm khoảng 21,82 tỷ đồng, tiền phạt nộp về ngân sách nhà nước là 16,8 tỷ đồng, trong đó, số lượng phụ tùng xe máy giả bị xử lý là khoảng 9.730 phụ tùng các loại, phần lớn phụ tùng này là nhập lậu (9.192 phụ tùng) và số còn lại phụ tùng gắn nhãn hiệu giả sản xuất trong nước.

Đối với mặt hàng xe máy, xe chạy điện, trong 6 tháng năm 2017, tổng số vụ kiểm tra xử lý là 733 vụ, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 2 tỷ đồng với số tiến xử phạt là gần 1,2 tỷ đồng.

Ông Lê Xuân Lộc, luật sư về sở hữu trí tuệ của Công ty Luật T&G cũng chia sẻ về một số trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cụ thể trong ngành công nghiệp xe máy và các biện pháp chủ thể quyền đã thực hiện nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo ông Lộc, hiện trên thị trường còn lưu hành rất nhiều xe điện lắp ráp trong nước hay nhập khẩu từ Trung Quốc có kiểu dáng vi phạm kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký bảo hộ của các hãng sản xuất xe máy lớn ở Việt Nam như Honda, Yamama, Piaggio, đặc biệt là kiểu dáng xe Vespa của Piaggio. Chủ thể quyền có quyền áp dụng các biện pháp pháp lý thích hợp để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Năm 2015, tập đoàn Piaggio thông qua công ty Paggio Việt Nam đã khiếu nại thành công Công ty sản xuất xe máy điện DK về hành vi sản xuất xe điện có kiểu dáng giống xe Vespa của Piaggio. Cơ quan thực thi đã tịch thu và tiêu hủy tại nhà máy của công ty vi phạm hơn 100 xe điện, và áp dụng hình thức phạt hành chính gần 200 triệu đồng.  

Cũng tại hội thảo, ông Shigehiro Kondo, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về thực trạng phòng chống hàng giả tại Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã rất chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động phòng chống hàng giả, hàng nhái khi thiết lập một văn phòng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dưới sự quản lý của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nhằm tiếp nhận các yêu cầu tư vấn, cung cấp thông tin và phối hợp với các bộ ngành liên quan để làm rõ yêu cầu tư vấn từ các doanh nghiệp nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ để từ đó có sự hỗ trợ kịp thời và cần thiết.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn thiết lập và vận hành “Hệ thống kiến nghị liên quan đến việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài để có thể thực hiện việc điều tra thông qua việc kiểm tra hệ thống pháp luật tại các nước có sự vi phạm và tham vấn với chính phủ các nước đó.

Kết thúc chương trình, ông Gianluca Fiume - Đại diện Ban điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đã thể hiện mối quan tâm sâu sắc của VAMM đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam thông qua việc công bố đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền và báo chí "Văn bản kiến nghị của VAMM về thực trạng thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam."

Bản kiến nghị đề xuất hai nhóm giải pháp, một là kiện toàn lại khung pháp lý với một số đề xuất như mở rộng đối tượng sở hữu trí tuệ mà việc xâm phạm các đối tượng này là cấu thành tội hình sự, nâng cao chế tài phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ trong xử phạt vi phạm hành chính. Hai là giải pháp nâng cao năng lực thực thi, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp, các hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước.

Các cơ quan thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nên chủ động hơn trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Vietnam+