.

Một phụ nữ người Rục biết vươn lên thoát nghèo

Thứ Tư, 11/11/2015, 08:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa), có một phụ nữ người Rục đã vượt qua nhiều tập quán canh tác lạc hậu và tâm lý trông chờ ỷ lại để tự lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Đó là chị Hồ Thị Páy, ở bản Mò O Ồ Ồ.

 

Chị Hồ Thị Páy đã vươn lên thoát nghèo nhờ sự cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất.
Chị Hồ Thị Páy đã vươn lên thoát nghèo nhờ sự cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất.

Chuyện phụ nữ làm kinh tế có thể là một việc rất phổ biến và khá quen thuộc đối với chị em ở miền xuôi. Nhưng với chị em phụ nữ người Rục thì đó là cả một quá trình kiên trì, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn để có thể khẳng định được bản thân mình.

Không những giúp gia đình thoát khỏi đói nghèo, tấm gương làm kinh tế giỏi của chị Hồ Thị Páy còn là động lực để bà con đồng bào Rục cùng nhau vượt qua những rào cản về trình độ, tập tục lạc hậu, mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Trước đây, gia đình chị Hồ Thị Páy cũng thuộc vào diện đói nghèo như nhiều hộ gia đình người Rục ở xã Thượng Hóa, quanh năm chỉ biết đốt nương làm rẫy và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Chị Páy kể, năm 1992 chị lập gia đình, tài sản của hai vợ chồng lúc đó chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng. Tám đứa con lần lượt ra đời khiến cho cuộc sống gia đình chị càng thêm khó khăn, túng thiếu.

Tưởng chừng khó khăn chỉ dừng lại ở đó, nhưng biến cố cuộc đời lại ập đến vào năm 2005, khi chồng chị đột ngột qua đời để lại cho chị tám đứa con thơ dại. Bao nhiêu khó khăn chồng chất trên đôi vai người phụ nữ gầy yếu, một mình chị phải tự xoay xở, đối mặt với bao gian khó để chăm lo cho các con.

Ngày đó, trong căn nhà nhỏ xiêu vẹo, mấy mẹ con chỉ biết nương tựa vào nhau để kiếm ăn qua ngày. Dù với bản tính cần cù, chịu khó “hay lam hay làm” quanh năm vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” làm đủ mọi việc nhưng cái nghèo, cái đói vẫn cứ bám riết lấy gia đình chị.

Nhiều đêm không ngủ được, chị trằn trọc suy nghĩ phải làm gì để có thể thoát khỏi đói nghèo, có tiền nuôi các con. Cơ hội đã đến với gia đình chị khi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng về bản trực tiếp hướng dẫn cho bà con cách làm lúa nước. Chị Páy kể, thời gian đầu, dù đã được các chiến sĩ biên phòng “cầm tay chỉ việc” nhưng nhiều người vẫn không dám làm. Nhiều người sợ trồng lúa nước sẽ bị dân làng trách phạt vì làm trái với tập tục “chặt, đốt, cốt, trỉa” của người Rục.

Nhưng được sự động viên, giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã và cán bộ, chiến sĩ biên phòng, chị đã mạnh dạn học cách trồng và chăm sóc lúa nước. Dù bỡ ngỡ với công việc mà từ trước đến giờ chưa bao giờ làm, nhưng chị luôn chịu khó học hỏi và làm theo sự chỉ dẫn của các chiến sĩ biên phòng. Đất không phụ công người, khi những hạt lúa trĩu nặng chính vàng cũng là lúc chị như trút đi được gánh nặng.

“Nhìn những hạt lúa đầu tiên do chính bàn tay mình làm ra, cả nhà ai nấy đều vui mừng, phấn khởi. Từ nay các con tôi sẽ không phải lo thiếu ăn nữa”, chị Páy chia sẻ.

Cũng từ đó đến nay, năm nào gia đình chị cũng làm 2 sào lúa nước, mỗi vụ cho thu hoạch từ 1,5-2 tạ/sào. Không những thế, chị còn chăm chỉ cuốc nương làm rẫy để trồng thêm 4 sào sắn, ngô, rau các loại và chăn nuôi thêm bò, gà để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Vừa chăn nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm nên đàn gia súc, gia cầm của gia đình chị ngày càng phát triển.

Đến nay chị đã mạnh dạn mở rộng quy mô chuồng trại, duy trì đàn bò từ 8 đến 10 con và hàng trăm con gà. Nhờ sự chịu thương chịu khó, dám nghĩ, dám làm mà gia đình chị đã thoát khỏi đói nghèo, có điều kiện để chăm lo cho các con đến trường.

Không chỉ chăm lo làm lụng phát triển kinh tế mà chị Páy còn là một trong những hội viên nòng cốt, có uy tín đối với chị em phụ nữ. Chị luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu tham gia nhiệt tình tất cả các hoạt động của Chi hội phụ nữ bản Mò O Ồ Ồ.

Bên cạnh đó, chị còn là hạt nhân tích cực trong nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản, nhất là trong việc hướng dẫn, giúp đỡ chị em trong chi hội chi tiêu tiết kiệm, mang lại hiệu quả kinh tế. Không chỉ là tấm gương vượt khó vươn lên bằng chính quyết tâm, nghị lực của bản thân, chị còn được người dân địa phương yêu mến vì lòng nhân hậu, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Chị không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, thông tin với mọi người để giúp đỡ nhau cùng phát triển, vươn lên thoát nghèo.

Nhận thức được cây lúa nước chính là cách đơn giản nhất giúp đời sống bà con trong bản được cải thiện, chị đã tích cực vận động chị em mạnh dạn đưa cây lúa nước vào thay thế cây lúa rẫy. Với sự giúp đỡ của chị Hồ Thị Páy, nhiều phụ nữ người Rục ở bản Mò O Ồ Ồ đã bắt đầu thay đổi cách nghĩ, cách làm, cố gắng lao động sản xuất. Dù cái nghèo khó vẫn hiện diện trên mảnh đất này, nhưng không ai có thể phủ nhận bản Mò O Ồ Ồ đang từng ngày thay đổi.

L.Chi-K.Oanh