.

Marketing du lịch: Đã qua thời "hữu xạ tự nhiên hương" - Bài 2: "Phải thay đổi tư duy làm du lịch"

Thứ Hai, 02/11/2015, 08:52 [GMT+7]

(QBĐT) - “Tôi vẫn thường trò chuyện thẳng thắn với các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn rằng nếu làm du lịch mà cứ như thể đi đặt “trộ” đơm cá, đợi khách lạc đường tự tìm đến với mình thì không được. Phải tự thay đổi tư duy làm du lịch, chủ động tạo ra cơ hội, tự quảng bá bằng nhiều hình thức mới mong xứng tầm với tiềm năng”, ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thẳng thắn khẳng định.

Đã đến lúc, du lịch Quảng Bình cần quan tâm đầy đủ tới việc xây dựng, đổi mới cách thức quảng bá, giới thiệu du lịch bởi hiện nay, quan điểm "hữu xạ tự nhiên hương" không còn chỗ trong tư duy về kinh tế du lịch.

>> Bài 1: Sức mạnh của marketing

Rời rạc, thiếu liên kết

Đó là nhận định chung của rất nhiều các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn về vấn đề marketing của du lịch Quảng Bình. Trong chiến lược marketing, thay vì cùng liên kết, hỗ trợ để tạo lợi ích tối đa nhất cho du khách thì nhiều đơn vị lại “mạnh ai người nấy làm”. Sự lủng củng này thể hiện rõ nhất trong quá trình quảng bá trực tuyến. Thay vì các đơn vị lữ hành và lưu trú hay kinh doanh dịch vụ du lịch khác cùng liên kết quảng bá thì nay, khách du lịch phải mất công hơn trong tìm hiểu từng dịch vụ đơn lẻ trên các website khác nhau.

Đó là chưa kể đến phần lớn nội dung của các website này khá nghèo nàn và nhạt. Là website mang tiếng nói chính thống nhất của du lịch Quảng Bình nhưng www.quangbinhtourism.vn do Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch, thuộc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch quản lý lại tỏ ra khá thụ động trong việc thông tin và truyền thông.

Thông tin chỉ có định hướng một chiều chứ không hề có sự tương tác qua lại, chưa được tối ưu hóa cho các thiết bị di động. Đó là chưa kể đến việc website chưa tích hợp tính năng hỗ trợ trực tuyến để có thể trực tiếp giải đáp những thắc mắc cho khách du lịch.

Theo ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH TT&DL Netin, Tổng thư ký Hiệp hội du lịch Quảng Bình thì một thực tế dễ dàng nhận thấy là hầu hết website của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh ta chưa được đầu tư nhiều nên còn khá nghèo nàn về nội dung. Mặt bằng chung là chưa tích hợp đầy đủ các tính năng mà một website du lịch cần có, do đó, hiệu quả quảng bá thông qua website còn khá hạn chế.

Lớp tập huấn về E-marketing du lịch do Tổng cục Du lịch tổ chức cho cán bộ chuyên trách các tỉnh, thành phố trên toàn quốc (Ảnh: Tuấn Anh)
Lớp tập huấn về E-marketing du lịch do Tổng cục Du lịch tổ chức cho cán bộ chuyên trách các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. (Ảnh: Tuấn Anh)

Nguyên nhân được ông chủ tịch Hiệp hội du lịch đưa ra là do các doanh nghiệp thiếu chuyên gia về công nghệ thông tin, khả năng khai thác các ưu điểm của marketing trực tuyến vì thế cũng bị thu hẹp. Khách du lịch muốn tìm kiếm thông tin nhưng một khi website không có các tính năng đủ sức thu hút thì khó có khả năng giữ chân họ đi sâu tìm hiểu.

Còn thụ động

Một điều dễ dàng nhận thấy là mặt bằng chung của các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn còn khá thụ động trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm của đơn vị mình. Mà nói như nhận định thẳng thắn của ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thì “nhiều đơn vị làm du lịch mà như thể đặt “trộ” đơm cá, đợi khách lạc ghé qua chứ không chủ động mời chào, giới thiệu”.

Đó là chưa kể đến chất lượng các dịch vụ chưa cao, giá cả dịch vụ không ổn định, Nhiều đơn vị cứ đợi đến mùa cao điểm lại tăng giá đã tạo ấn tượng không tốt đối với khách du lịch. “Phải thay đổi tư duy làm du lịch từ đó mới nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch. Tất nhiên, đó không phải là việc “một sớm một chiều”, nói là làm ngay được, mà mỗi cơ quan, đơn vị làm du lịch phải tự xây dựng kế hoạch, tự tạo sức hút cho doanh nghiệp mình”, ông Kỳ khẳng định.

Năm 2014, có hơn 2,8 triệu lượt khách du lịch đến với Quảng Bình thế nhưng số lượng khách quốc tế còn khá hạn chế. Một phần lý do bởi công tác quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh ta tại nước ngoài chưa được triển khai hiệu quả. Du khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Úc... chủ yếu là tự tìm đến. Trong thời gian tới, Quảng Bình sẽ tham dự Hội nghị xúc tiến du lịch tại các tỉnh Tây Nguyên cùng nhiều hoạt động kết nối kinh doanh du lịch với các đơn vị lữ hành lớn trong nước.

Tuy nhiên, đại diện một công ty lữ hành cũng thẳng thắn cho rằng có lẽ việc cần làm hiện nay là xác định đúng chiến lược, mục tiêu quảng bá cho du lịch Quảng Bình. “Hằng năm, chúng ta bỏ không ít tiền vào các chương trình Hội chợ xúc tiến du lịch ở các tỉnh, thành mà phần lớn chỉ là các gian hàng triển lãm đơn điệu với vài tấm ảnh, vài tấm poster nghèo nàn, trong khi đó, hiệu quả mang lại lại không như mong muốn. Đã đến lúc du lịch Quảng Bình cần đưa ra một chiến lược marketting đúng hướng và hiệu quả”.

Cần chiến lược dài hơi

Cuối năm 2014, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 3455/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch đến năm 2020. Theo đó, chiến lược này nhấn mạnh đến các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về sự đa dạng của sản phẩm du lịch Việt Nam và các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng nhằm tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách, thu hút khách quay trở lại với nhiều trải nghiệm khác biệt, từ đó nâng cao thị phần tại các thị trường mục tiêu.

Đồng thời, tạo cơ hội hợp tác marketing du lịch giữa nhiều thành phần, đặc biệt là giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và chuyên nghiệp hóa công tác marketing du lịch, hướng tới các phân đoạn thị trường đang tăng trưởng cao cũng như các thị trường mới nổi.

Nhằm hỗ trợ các kỹ năng ứng dụng công cụ điện tử marketing trên mạng internet để phát triển du lịch, trong năm 2015, Tổng cục Du lịch và Dự án EU tổ chức lớp tập huấn E-marketing du lịch cho cán bộ chuyên trách các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.  Và tháng 9 vừa qua, Hiệp hội Du lịch Quảng Bình cũng đã tổ chức lớp tập huấn E-Marketing cho các đơn vị kinh doanh du lịch trong tỉnh với hy vọng nâng cao kỹ năng trong việc tiếp cận một phương thức marketing mới, hiện đại và hiệu quả.

Trong khi xu hướng marketing đang chuyển dịch mạnh mẽ theo sự phát triển của công nghệ và nội dung số, những người làm truyền thông cho du lịch Quảng Bình nếu vẫn chỉ mải miết làm theo các phương pháp cổ điển và truyền thống, tốn kém và hiệu quả không cao thì có lẽ du lịch tỉnh nhà vẫn cần những chuỗi thời gian xa hơn mới xứng tầm với tiềm năng. Rõ ràng, vấn đề ở đây không phải là ngân sách marketing, mà là phương thức marketing và làm thế nào để dịch vụ du lịch Quảng Bình tiệm cận với nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Diệu Hương