.

Chú trọng phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững

Thứ Ba, 08/09/2015, 08:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, ngành chăn nuôi ở tỉnh ta đã có bước phát triển mới và đạt được nhiều kết quả tốt. Nhiều mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường đã xuất hiện, tạo ra xu thế phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.

Xác định chăn nuôi là mũi nhọn và trở thành lĩnh vực chính trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng và thực hiện các dự án, mô hình mới nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm. Tăng cường việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật rộng rãi trong chăn nuôi; tập trung phát triển các giống vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao như: Bò lai sind, bò thịt, lợn hướng nạc, gia cầm siêu thịt, siêu trứng... theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp đi đôi với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ảnh 3 : Nông dân huyện Quảng Ninh phấn khởi khi nuôi thành công giống bò Brahman trắng.
Nông dân huyện Quảng Ninh phấn khởi khi nuôi thành công giống bò Brahman trắng.

Theo số liệu báo cáo từ các địa phương, đa số các loại gia súc, gia cầm hiện nay đều phát triển về mặt số lượng. Cụ thể, đàn trâu có 34.512 con, tăng 4,3% so với cùng kỳ; đàn bò 91.061 con, tăng 4,8% so với cùng kỳ; đàn lợn 351.126 con; đàn gia cầm trên 2,74 triệu con, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Giá trị chăn nuôi năm 2014 đạt 45,6% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng 1,5% so với năm 2013.

Bên cạnh phát triển về số lượng, chất lượng vật nuôi cũng được tỉnh quan tâm chú trọng. Hiện nay bò là loại vật nuôi đang phát triển mạnh và cho hiệu quả kinh tế cao nhất trong lĩnh vực chăn nuôi ở tỉnh ta, do đó chương trình cải tạo đàn bò tiếp tục được đẩy mạnh. Kết quả cho thấy trong năm 2014, các địa phương đã phối giống bằng thụ tinh nhân tạo có chửa cho 11.390 con bò, đạt 151,8% kế hoạch; 6 tháng đầu năm 2015 thực hiện được gần 6.000 con. Nhờ đó tỷ lệ bò lai được nâng cao, đến nay đạt khoảng 35% tổng đàn, tăng 2% so với cùng kỳ.

Nhằm tìm kiếm, nhân rộng thêm những giống bò mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Đề tài khảo nghiệm các giống bò thịt phù hợp với điều kiện địa phương và bước đầu thu được kết quả tốt.

Theo ông Trần Đình Hiệp, Trưởng phòng Kỹ thuật nông nghiệp, Sở NN&PTNT cho biết, trong quá trình khảo sát chọn giống bò mới, chúng tôi nhận thấy các nước láng giềng như Thái Lan, Lào... đã chọn nuôi giống bò Brahman, đây là giống bò thịt nhiệt đới, được nuôi rộng rãi ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Giống bò Brahman có ưu điểm cho năng suất thịt cao hơn các giống bò khác, có thể lực tốt, thích nghi cao với khí hậu nhiệt đới, khô hạn...

Do vậy, Sở NN&PTNT đã đưa giống bò này về nuôi thử nghiệm ở 2 huyện Quảng Ninh và Bố Trạch. Theo đánh giá ban đầu của một số chủ trang trại ở huyện Quảng Ninh, giống bò này dễ nuôi, ít bệnh tật, phát triển nhanh và cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, sở còn chọn thêm giống bò Drought Master, giống bò này cũng có tốc độ sinh trưởng nhanh, năng suất cao. Hiện 2 giống bò này đang được tập trung nhân rộng vào sản xuất.

Bên cạnh việc tuyển chọn các giống bò mới, Sở NN&PTNT cũng lựa chọn thêm nhiều giống lợn siêu nạc như: Pietran, Duroc, Pidu; các giống gà thả vườn chất lượng cao như: Lưỡng Huệ, Ri vàng rơm, Jdabaco... đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Xác định tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, hướng tới phát triển an toàn, bền vững, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh chăn nuôi theo hình thức trang trại, phương thức công nghiệp, hạn chế tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 107 trang trại chăn nuôi, tăng 16 trang trại so với năm 2013. Đã có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lớn, điển hình như Công ty Lê Dũng Linh (Quảng Thọ, TX. Ba Đồn), xây dựng khu chăn nuôi có thể nhập và nuôi một lúc trên 6.000 con trâu, bò với dây chuyền khép kín từ nhập khẩu, nuôi vỗ béo và giết mỗ cung ứng thực phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm luôn được chú trọng hàng đầu.
Công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm luôn được chú trọng hàng đầu.

Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình chăn nuôi mới đã được ứng dụng vào sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ cho lợn sinh sản đồng loạt nhằm thuận lợi cho việc chăm sóc nuôi dưỡng “cùng vào, cùng ra” được chú trọng. Các khu chăn nuôi tập trung được thiết kế khoa học, phù hợp với điều kiện sinh trưởng, phát triển của vật nuôi. Có hệ thống vệ sinh, phòng dịch và quy trình xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường như sử dụng đệm lót sinh học, hệ thống hầm bioga, bể sục khí...

Trong chăn nuôi, các cấp, các ngành, cơ quan chuyên môn của tỉnh luôn đặt công tác phòng, chống dịch bệnh lên hàng đầu; chú trọng công tác tuyên tuyền, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tiêm phòng vacxin phòng dịch, bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo định kỳ; thực hiện quản lý chặt chất lượng nguồn giống, thức ăn, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, bảo quản và chế biến sản phẩm chăn nuôi...

Mặt khác, khuyến khích, hướng dẫn người chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, chăn nuôi sạch theo quy trình VietGap, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, tiến tới một nền nông nghiệp sạch. Do vậy, những năm qua tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh tăng mạnh cả về quy mô và số lượng nhưng không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.

Tuy nhiên, để chăn nuôi thực sự phát triển bền vững, ông Trần Đình Hiệp cho biết, tỉnh xác định phải tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi chăn nuôi từ phát triển số lượng sang phát triển chất lượng và giá trị, trên cơ sở thực hiện tốt việc cải tạo và nâng cao chất lượng đàn giống gia súc, gia cầm; đưa nhanh các giống bò chuyên thịt có năng suất cao đã xác định như Brahman trắng, Drought Master... vào sản xuất; nâng cao chất lượng đàn lợn bằng các giống ngoại có năng suất, chất lượng cao...

Ngoài ra cần thực hiện tốt công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xem đây là yếu tố then chốt để đẩy nhanh phát triển chăn nuôi. Tiếp tục chuyển đổi phương thức chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ trong khu dân cư sang chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, đồng thời bảo đảm vệ sinh môi trường; thực hiện có hiệu quả công tác thú y, phòng chống dịch bệnh...

Lê Mai