.

Tổ hợp tác-mô hình hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp

Thứ Ba, 05/05/2015, 07:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Vài năm trở lại đây, trên cơ sở tự nguyện của các thành viên, với mục đích là cộng tác, trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, mô hình tổ hợp tác đã phát triển mạnh và rộng khắp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 129 tổ hợp tác (THT) nông, lâm, thủy sản đăng ký hoạt động theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác (có chứng thực của UBND xã) với 1.496 thành viên...

Từ thực tế sản xuất tại một số địa phương cho thấy, quá trình hình thành mô hình THT trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp xuất phát từ nhiều nguyên nhân và yếu tố khách quan. Trong đó, đặc điểm quan trọng nhất là sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Bình có quy mô nhỏ, lại phân tán, nên sản xuất hàng hóa từng nông hộ không thể đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là trong khâu kiểm soát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm. Khi việc sản xuất hàng hoá càng phát triển, sự cạnh tranh trong kinh tế thị trường càng cao thì những người lao động riêng lẻ, các hộ cá thể càng có yêu cầu phải liên kết hợp tác với nhau, nếu không sẽ khó có thể tồn tại và phát triển.

Chính vì vậy, nhiều THT sau khi thành lập và đi vào hoạt động đã thực sự là điểm tựa tin cậy cho người nông dân bởi đã mang lại hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội. Đáng kể như các THT khai thác trên biển ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn), Bảo Ninh (Đồng Hới), Đức Trạch (Bố Trạch); THT nuôi thủy sản ở phường Quảng Thuận (Ba Đồn), xã Đồng Trạch (Bố Trạch) và Võ Ninh (Quảng Ninh); THT nuôi bò sinh sản ở xã Kim Thủy (Lệ Thủy); THT giảm tổn thất sau thu hoạch ở xã Võ Ninh; THT trồng mướp đắng ở xã Hưng Thủy (Lệ Thủy); THT trồng và thu mua mủ cao su ở xã Phú Định; THT trồng lúa ở xã Cự Nẫm (Bố Trạch); THT rèn đúc chợ Trường, mộc mỹ nghệ Quảng Hợp ở xã Quảng Hòa (Ba Đồn)...

Ông Trương Hoàng, phụ trách THT An Phú (xã Võ Ninh) cho biết: "THT có 5 thành viên góp vốn để mua sắm tài sản gồm máy gặt đập liên hợp, xe vận chuyển, máy bơm nước, dịch vụ giống... để phục vụ sản xuất cho bà con nông dân.

Liên kết sản xuất theo Tổ hợp tác trên biển giúp ngư dân xã Bảo Ninh (Đồng Hới) tương trợ lẫn nhau và tăng hiệu quả khai thác biển.
Liên kết sản xuất theo Tổ hợp tác trên biển giúp ngư dân xã Bảo Ninh (Đồng Hới) tương trợ lẫn nhau và tăng hiệu quả khai thác biển.

Điểm nổi bật là từ ngày có THT, nông dân trong vùng mới có thời gian thảnh thơi chứ trước đây thì bận tối mặt cả ngày, nhất là vào mùa thu hoạch. Vì khi còn làm ăn đơn lẻ, suốt ngày bà con cắm mặt ngoài ruộng, cứ mạnh ai nấy làm từ khâu gieo, dặm, chăm sóc cho đến gặt và mang sản phẩm đi tiêu thụ. Còn bây giờ, THT đã đứng ra lo liệu và nông dân được cung ứng đầy đủ nhu cầu từ sản xuất đến khâu tiêu thụ. Bên cạnh đó, THT còn giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với mức thu nhập trên 150.000 đồng/người/ngày.

Trong các THT, tổ nuôi bò sinh sản ở bản Cồn Cùng của các nông dân xã Kim Thủy (Lệ Thủy) cũng là một mô hình hợp tác có hiệu quả. THT hiện có 7 hội viên với số lượng chăn nuôi trên 100 con bò sinh sản. Từ khi thành lập đến nay, THT đã trở thành nơi trao đổi kinh nghiệm làm ăn và tiếp nhận kiến thức khoa học - kỹ thuật mới để phục vụ sản xuất.

Chính nhờ sự phân chia thời gian chăm sóc phù hợp và khéo léo, đi đôi với nguồn thức ăn dồi dào nên đàn bò của THT có chất lượng cao, bảo đảm thời gian sinh trưởng. Trung bình thu nhập của mỗi hội viên cũng đạt vài triệu đồng/tháng, và đây là mức thu nhập khá cao đối với lao động ở vùng nông thôn. Ngoài ra, việc chăn nuôi theo hình thức THT còn giúp các hội viên chủ động thời gian cho các công việc trong gia đình.

Còn anh Nguyễn Đức Trung, Tổ trưởng Tổ khai thác hải sản Tân Tiến ở thôn Thượng Đức, xã Đức Trạch (Bố Trạch) thì cho biết: Với mục đích cùng nhau hợp tác, hỗ trợ nhau mỗi khi gặp rủi ro do thiên tai hay tai nạn, hỗ trợ nhau khi vận chuyển sản phẩm vào bờ hoặc vận chuyển nhiên liệu và nhu yếu phẩm từ bờ ra biển, đồng thời thông tin cho nhau về việc tìm kiếm ngư trường, tiêu thụ sản phẩm, từ tháng 11-2011, anh đứng ra vận động 7 chủ tàu cùng 77 thuyền viên liên kết với nhau thành lập Tổ khai thác hải sản Tân Tiến.

Qua hơn 3 năm hoạt động, hiệu quả tích cực của Tổ khai thác hải Tân Tiến đã được các thành viên trong tổ ghi nhận và đánh giá cao. Hiện THT khai thác hải sản Tân Tiến có 11 tàu công suất từ 400CV đến 725CV, tổng vốn đầu tư của 7 chủ tàu khoảng 20 tỷ đồng, mỗi tháng tổ chức khai thác 2 chuyến, mỗi chuyến 10-12 ngày; tổng doanh thu của 7 tàu khoảng 17 tỷ đồng/năm, bình quân thu nhập của 1 thuyền viên trên 5 triệu đồng/tháng, thuyền viên là chủ tàu thu nhập từ 10-20 triệu đồng/tháng.

Điều đáng nói ở đây, là việc hình thành các THT đều mang tính chất tự nguyện, không trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước như thời bao cấp trước đây. Đó là các THT hoạt động trên cơ sở được bảo đảm bằng tính tự nguyện, tự quyết định sự tồn tại và phát triển của mình thông qua hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, đề cao tinh thần tương thân, tương ái vì cộng đồng.

Hoạt động của THT chủ yếu hướng vào mục đích giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống như: trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; cung cấp thông tin và tiêu thụ sản phẩm; phát huy được nội lực của các thành viên trong việc huy động vốn để phục vụ sản xuất...

Đặc biệt, các THT khai thác hải sản trên biển đã phát huy được sức mạnh tập thể, hợp tác chặt chẽ, hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, góp phần tăng sản lượng khai thác, như các tổ Quyết Thắng, Hồng Hà của xã Bảo Ninh sản lượng tăng từ 2-3 tấn/chuyến biển; tổ 4-29, tổ 3-16 của xã Cảnh Dương bám biển dài ngày, thời gian đánh bắt tăng nên chi phí cho mỗi chuyến biển giảm đáng kể...

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh cho biết, với mục đích giúp cho việc đánh bắt của bà con ngư dân đi vào nền nếp, có tính tập thể cao hơn, từ mức độ tổ đoàn kết, THT là bước tiến cao hơn nhằm gắn kết các ngư dân thông qua đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm.

Đội tàu đánh bắt trên ngư trường gồm nhiều tàu, trong đó có một tàu đội trưởng. Vừa khai thác, chiếc tàu này còn có nhiệm vụ phân công các tàu khác đánh bắt, rồi cử ra một tàu khác chuyên vận chuyển sản phẩm đánh bắt vào bờ để tiêu thụ. Tàu nào khai thác sẽ có thời gian bám biển lâu hơn, riêng tàu vận chuyển chỉ làm công việc đưa cá vào bờ để bán rồi mua các nhu yếu phẩm, nhiên liệu mang ra cho các tàu còn đang đánh bắt trên biển.

Có thể nói, khi các thành viên tham gia và THT sẽ khắc phục được một số yếu kém của kinh tế hộ như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất; ngược lại, các THT cũng sẽ sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực về lao động, vật tư và tiền vốn... Vì vậy, có thể thấy mô hình THT là tổ chức kinh tế phù hợp với trình độ phát triển kinh tế ở vùng nông thôn, bất kỳ hộ nông dân nào cũng có thể tham gia và mang lại lợi ích trực tiếp cho tổ viên trong tổ, đặc biệt đối với các thành viên thiếu nguồn lực hoặc thiếu vốn.

Ngọc Lan