.

Sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ

Thứ Năm, 07/05/2015, 07:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, cùng với sự giúp đỡ của Trung ương và sự nỗ lực vượt bậc của chính quyền và nhân dân trong tỉnh, kinh tế-xã hội của Quảng Bình đã từng bước vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong các nguồn lực quan trọng đó, có sự hỗ trợ quý báu từ nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Hoàng Xuân Tân, Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết, trong 10 năm qua tỉnh ta đã tiếp nhận nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) với số tiền trên 30 triệu USD cho khoảng 300 dự án. Nguồn viện trợ này đã tập trung vào các lĩnh vực xã hội đang quan tâm, giải quyết được phần nào nhu cầu bức thiết cho nhân dân các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.

Trong năm 2014, tổng số dự án do các tổ chức PCPNN tài trợ trên địa bàn tỉnh là 63 dự án, được chia thành các nhóm lĩnh vực: khắc phục hậu quả chiến tranh; y tế; xây dựng năng lực tổ chức và hỗ trợ tư pháp; tài nguyên-môi trường; phát triển kinh tế-xã hội; giải quyết các vấn đề xã hội; giáo dục-đào tạo và các lĩnh vực khác. Tổng số vốn cam kết là 8,1 triệu USD, đến cuối năm 2014 đã giải ngân được 5,6 triệu USD.

Một số tổ chức tài trợ các chương trình, dự án có giá trị lớn được thực hiện trong năm 2014 gồm: Tổ chức Mines Advisory Group (MAG) tiếp tục thực hiện Dự án dò tìm và xử lý bom, mìn và vật liệu chưa nổ với giá trị giải ngân đạt 1,2 triệu USD. Ủy ban nhân dân tỉnh và tổ chức MAG đã ký thỏa thuận thực hiện dự án giai đoạn 5, thời gian thực hiện từ 1-2015 đến tháng 12-2017, với giá trị cam kết là 3,9 triệu USD. Tổ chức Plan International đã triển khai nhiều dự án về chương trình chăm sóc sức khỏe trẻ thơ, chương trình lập kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng, chương trình bảo trợ, khắc phục thiên tai, với tổng giá trị giải ngân là 1,1 triệu  USD.

Dự án bảo tồn tài nguyên thiên nhiên do Ngân hàng tái thiết Đức tài trợ trồng rừng tại Minh Hoá.
Dự án bảo tồn tài nguyên thiên nhiên do Ngân hàng tái thiết Đức tài trợ trồng rừng tại Minh Hoá.

Tổ chức Quỹ dân số Liên Hợp Quốc đang triển khai dự án về y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho những người dân khó khăn, với tổng giá trị cam kết là 1,5 triệu USD. Tổ chức Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét, đang thực hiện dự án tăng cường phòng chống sốt rét dựa vào cộng đồng tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao, nâng cao năng lực và tính bền vững của chương trình phòng chống sốt rét quốc gia, với tổng giá trị cam kết là 842.000 USD. Tổ chức SNV với dự án Gieo hạt giống cho sự thay đổi giảm thiểu biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững, với tổng giá trị cam kết là 810.000 USD.

Đặc biệt Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ, từ nhiều năm qua luôn có các dự án hỗ trợ cho Quảng Bình, năm nay tiếp tục triển khai nhiều dự án về cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả đầu ra, xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho cụm dân cư, chăm sóc sức khỏe răng miệng cộng đồng, học bổng Spell, học bổng Spell Goes to College, với tổng giá trị cam kết là 832.000 USD.

Tổ chức Caritas Thụy Sỹ, triển khai các dự án Phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Bình và dự án Khôi phục sinh kế và giáo dục cho người nghèo và trẻ em ở tỉnh Quảng Bình, Việt Nam sau hai cơn bão Wutip và Nari với tổng giá trị cam kết là  371.000 USD...

Các chương trình, các dự án viện trợ phi chính phủ cho Quảng Bình được sử dụng đúng mục đích và bước đầu phát huy được hiệu quả. Chỉ tính riêng dự án dò tìm xử lý bom mìn của tổ chức MAG thực hiện từ năm 2003 đến nay, đã dò tìm và xử lý trên 75.000 quả bom mìn và các vật liệu nổ, gần một phần hai số dân tỉnh Quảng Bình  được hưởng lợi. Dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn của LSN đã kết nối được nhiều nạn nhân và tạo điều kiện cho họ hòa nhập cuộc sống, tự tin và tham gia các hoạt động văn hóa thể thao đạt kết quả tốt. Các dự án khác củng có những hoạt động thiết thực như hỗ trợ nhanh các trường hợp tai nạn bom mìn của Claerpath.

Các viện trợ giáo dục, y tế ở tỉnh ta tập trung vào xây dựng các trường học và cung cấp trang thiết bị, sách vở, học bổng cho học sinh vượt khó..., nâng cao năng lực cho giáo viên, giáo dục và thực hiện quyền trẻ em...

Hiện có hàng chục ngôi trường được xây dựng đúng tiêu chuẩn, từ trường mẫu giáo đến trường THPT, cung cấp các trang thiết bị hiện đại như máy vi tính, bảng chống lóa..góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Xây dựng các trạm y tế, cung cấp trang thiết bị và thuốc khám và chữa bệnh, đào tạo, tập huấn y, bác sỹ, cán bộ y tế thôn bản, thăm khám và cấp thuốc miễn phí...Nhiều trạm xá, bệnh viện được đầu tư xây dựng và nâng cấp, được cung cấp nhiều máy móc thiết bị và thuốc chữa bệnh, hàng ngàn người được thăm khám và hàng trăm lượt người mù được mổ mắt, trẻ em được vá hàm ếch sứt môi...

Ngoài ra, viện trợ PCPNN đã góp phần kịp thời khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra đối với tỉnh Quảng Bình. Với tinh thần “tương thân, tương ái” các cơ quan, tổ chức, cá nhân quốc tế đã có sự hỗ trợ, động viên đồng bào vùng bị thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần, góp phần giúp họ vượt lên khó khăn, ổn định cuộc sống.

Đặc biệt dự án Cứu trợ khẩn cấp người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 10 và số 11 năm 2013 do Hội Chữ thập đỏ Đức tài trợ, đã cấp phát tiền mặt không điều kiện; hỗ trợ sửa nhà; hỗ trợ nước sạch vệ sinh cho nhân dân huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, số tiền cam kết 163.923 USD...

Có thể nói rằng, nhiều chương trình, dự án của nguồn viện trợ phi chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong những năm qua đã phát huy được hiệu quả, đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tuy nguồn vốn nhỏ, song thông qua phương pháp quản lý, chuyển giao kinh nghiệm, tham quan, đào tạo, đã nâng cao năng lực cán bộ cơ sở cũng như người dân vùng dự án, tạo việc làm tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là người nghèo. Sự hỗ trợ đó đã tác động tích cực đến đời sống nhân dân vùng khó khăn, đồng bào dân tộc, phụ nữ. Các tổ chức PCPNN quan tâm và nâng cao chất lượng cộng đồng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tín dụng nhỏ, tập huấn chuyển giao công nghệ trong sản xuất và các kỹ năng khác.

Nhiều mô hình như: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản đã được thực hiện, hàng ngàn hộ nghèo, phụ nữ nghèo đã vươn lên thoát nghèo và tiến tới làm giàu. Về vấn đề bình đẳng giới cũng được các tổ chức PCPNN nước ngoài quan tâm hỗ trợ, thông qua các hoạt động  năng cao nhận thức về bình đẳng giới, tạo việc làm và tăng thu nhập cho phụ nữ.

Ông Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết thêm, năm 2015, các tổ chức PCPNN đã có cam kết viện trợ không  hoàn lại cho tỉnh ta khoảng 6 triệu USD vào các lĩnh vực nói trên. Trong quý I-2015, tỉnh ta  đã tiếp nhận và phê duyệt 3 dự án với tổng mức vốn cam kết 338.000 USD.

Đó là, dự án Nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật thông qua nâng cao vị thế của các tổ chức xã hội dân sự trong việc huy động nguồn lực và thực hiện các chương trình phục hồi chức năng toàn diện dựa vào cộng đồng toàn diện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình của Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật; dự án Học bổng vượt khó, Phẫu thuật chỉnh hình miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; dự án Làm bạn với sách do Tổ chức Shi-shan Foundation Taiwan tài trợ.

Tuy vậy, Quảng Bình vẫn là một tỉnh còn khó khăn, nhu cầu của nhân dân các địa phương còn nhiều vấn đề chưa đáp ứng được. Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, Quảng Bình rất cần sự hỗ trợ của các nguồn lực bên ngoài. Thông qua các tổ chức trong nước và quốc tế, tỉnh mong muốn các tổ chức PCPNN hiểu rõ hơn về Quảng Bình, từ đó góp phần giúp tỉnh giải quyết những khó khăn trước mắt và tạo cơ sở cho sự phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Tr.T