.

Thực phẩm sạch cho dịp Tết Ất Mùi năm 2015: Bao giờ cung mới gặp cầu?

Thứ Sáu, 06/02/2015, 08:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực phẩm sạch ở đây được hiểu là thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, quy trình sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường và thậm chí là sản phẩm được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn quốc gia… Có một thực tế khá mâu thuẫn đang diễn ra hiện nay đối với quy luật cung-cầu thực phẩm sạch cho dịp Tết Ất Mùi năm 2015 tại tỉnh ta, đó là: trong khi nhu cầu về thực phẩm sạch từ rau, củ, quả cho đến gia cầm, thủy sản của người dân ngày càng tăng cao, thì không ít sản phẩm sạch vẫn không tìm được thị trường tiêu thụ và phải chấp nhận xuất kho với giá thành ngang bằng hoặc thấp hơn các sản phẩm trôi nổi, không rõ xuất xứ trên thị trường.

Mô hình sản xuất gà sạch của gia đình anh Đặng Văn Châu (Đức Thị, Đức Ninh, TP.Đồng Hới) xuất chuồng hơn 1.500 con trong dịp Tết Ất Mùi. Anh Đặng Văn Châu chia sẻ, năm nay số lượng gà tiêu thụ ít hơn, bởi có năm con số này lên tới hơn 2.000 con.

Bắt đầu nuôi gà theo hướng an toàn sinh học từ năm 2012, vận dụng kiến thức của một cán bộ Hội Nông dân TP.Đồng Hới, ngay từ khâu chọn giống anh đã lấy ở các cơ sở uy tín của Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT). Quy trình nuôi gà được khép kín hoàn toàn và sử dụng các giải pháp khoa học, hiệu quả, an toàn để xử lý về chuồng trại, máng chăm sóc, sử dụng nước sạch, thức ăn, vắc xin, vitamin, khoáng chất nâng cao thể trạng gà.

Đặc biệt, chuồng trại của anh được đầu tư hệ thống xử lý chất thải, hầm biogas và đệm lót chuồng bằng men sinh học, vỏ trấu. Mỗi năm, anh xuất chuồng từ 10.000-12.000 con gà. Tuy nhiên, điều đáng nói là để tiêu thụ hết số gà, anh chủ yếu dựa vào các thương lái đến lấy tại nhà theo giá của gà thường và khi bán lại lẫn lộn với các sản phẩm gà không rõ nguồn gốc khác. Khâu tuyên truyền sản phẩm chưa có kinh phí để đầu tư, cộng thêm chưa có thương hiệu, nhãn hiệu, khiến gà sạch của anh Đặng Văn Châu ít được biết đến và khi đến tay người tiêu dùng thì khó tạo được niềm tin, uy tín.

Đó cũng là một trong những lý do khiến anh chần chừ chưa mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư lớn hơn cho quy trình sản xuất gà sạch khép kín của mình. Dịp Tết Ất Mùi năm 2015, mặc dù biết nhu cầu gà sạch trong người dân là rất lớn, anh Châu vẫn không dám mạnh tay nuôi nhiều. Hiện nay, để khắc phục khó khăn, anh đang tìm hiểu cách thức đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm của mình để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Cửa hàng giới thiệu sản phẩm rau an toàn nam Bảo Ninh tại chợ Đồng Phú (TP.Đồng Hới) đành chuyển sang các mục đích kinh doanh khác.
Cửa hàng giới thiệu sản phẩm rau an toàn nam Bảo Ninh tại chợ Đồng Phú (TP.Đồng Hới) đành chuyển sang các mục đích kinh doanh khác.

Sản phẩm sạch chưa có thương hiệu, nhãn hiệu khó giải quyết khâu đầu ra là điều dễ hiểu, nhưng đối với sản phẩm đã có chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap như các loại rau, củ, quả của dự án Rau an toàn nam Bảo Ninh (Công ty TNHH THXD Nhật Lệ) mà vẫn chật vật tìm thị trường tiêu thụ ngay cả trong dịp Tết thì quả là một thực tế khó lý giải.

Chị Trần Thị Ánh Nguyệt, Phụ trách Dự án, cho biết, cửa hàng giới thiệu sản phẩm rau an toàn nam Bảo Ninh tại chợ Đồng Phú mới khai trương đầu năm 2014 đã phải đóng cửa sau chưa đầy 5 tháng kinh doanh bởi người tiêu dùng không mặn mà với sản phẩm rau sạch. Thực tế cho thấy, một phần vì giá rau sạch cao hơn so với giá rau tại các chợ, nhưng phần đa là bởi nhận thức của người dân đối với các sản phẩm sạch vẫn còn ở mức thấp.

Hiện tại, rau, củ, quả sạch của Công ty chấp nhận bán cho thương lái theo giá thị trường, tiêu thụ theo rau trôi nổi và hầu như phải bù lỗ cho chi phí nhân công, chăm sóc, giống... Chỉ một phần nhỏ sản lượng được tiêu thụ manh mún theo đúng chuẩn “sản phẩm sạch-người tiêu dùng yên tâm” cho các khách hàng công tác tại một số ngân hàng, sở, ban, ngành trong tỉnh.

Với diện tích hơn 2 ha, các sản phẩm rau sạch được trồng ở đây rất đa dạng về chủng loại: hành, cà rốt, đậu cove, mướp đắng, cà chua, dưa hấu..., đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, như: nước tưới tiêu, sử dụng phân ủ theo quy trình, không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng vi sinh học được chỉ định...

Còn nhớ năm 2012, Công ty TNHH THXD Nhật Lệ đạt mục tiêu nâng diện tích trồng rau sạch lên 7 ha, nhưng nay, sau hơn 2 năm, quy mô vẫn không thể mở rộng hơn. Chị Trần Thị Ánh Nguyệt chia sẻ thêm, vào dịp cận Tết, nhu cầu rau, củ, quả sạch tăng hơn 50% đối với một số mặt hàng. Nhưng, vì thị trường tiêu thụ bấp bênh, thiếu ổn định, trong khi cơ sở hạ tầng, quy mô, diện tích sản xuất cũng chưa đủ điều kiện đầu tư nhiều và nhất là rau, củ, quả dù tươi đến mấy cũng không thể bảo quản dài ngày chờ tìm khách hàng, cho nên, Công ty cũng chỉ có thể cung cấp các mặt hàng theo như ngày thường, không có sự mạo hiểm thay đổi về sản lượng cụ thể.

Để giải quyết mâu thuẫn giữa cung-cầu trong sản phẩm sạch không chỉ trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới mà trong tương lai, ông Mai Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, cần xây dựng một chuỗi liên kết về sản phẩm sạch ở tỉnh ta, từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ, đặc biệt chú trọng ở khâu tuyên truyền, quảng bá. Để thực hiện được chuỗi liên kết này, cần có sự tham gia của một doanh nghiệp đủ tiềm lực và sự hỗ trợ, giám sát, kiểm tra chất lượng chặt chẽ từ cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉnh ta vẫn chưa có một doanh nghiệp có thể “bao thầu” hiệu quả chuỗi liên kết này, bởi không chỉ cần nguồn vốn đầu tư lớn mà còn cả nguồn nhân lực chất lượng cao, trang bị cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn. Tỉnh ta đã có sản phẩm rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGap và một số mô hình chăn nuôi sản xuất theo hướng VietGap trước đây được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hỗ trợ xây dựng. Do đó, vấn đề mấu chốt đặt ra hiện nay trong quá trình hình thành chuỗi liên kết chính là đẩy mạnh khâu tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm.

Bên cạnh việc doanh nghiệp, nhà sản xuất tự đầu tư vào khâu này, việc chung tay hỗ trợ tích cực hơn từ các cơ quan chức năng liên quan cũng rất quan trọng, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Mai Nhân