.

Chiến thắng Bình Phúc vang mãi khúc khải hoàn

Thứ Sáu, 08/12/2017, 10:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Di tích trận công đồn Bình Phúc nằm ngay đầu làng Bình Phúc thuộc phường Đức Ninh Đông, thành phố Đồng Hới.

Nơi đây, hơn 60 năm trước  đã diễn ra sự kiện lịch sử tiêu biểu, đó là trận tấn công đồn Bình Phúc  của Đại đội 206 bộ đội địa phương đêm ngày 6 - 4 - 1954. Chiến thắng oanh liệt đã gây tiếng vang lớn, tạo nguồn cổ vũ động viên tinh thần, khí thế đánh giặc trong Chiến dịch Đông - Xuân 1953- 1954, phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ tiến tới giải phóng quê hương, đất nước.

Năm 1947, sau khi tái chiếm Đồng Hới, thực dân Pháp đã tiến hành đóng chốt các điểm xung quanh thị xã, tăng cường mở các đợt càn quét đốt phá các làng lân cận, mục đích thị uy lực lượng, đồng thời uy hiếp tinh thần của nhân dân. Chúng dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc các công chức, hương lý cũ nhằm lập lại bộ máy nguỵ quyền, phát triển lực lượng nguỵ quân, gián điệp... Đi đôi với việc xây dựng đồn bốt, tổ chức bộ máy nguỵ quyền, giặc Pháp khuyến khích mở chợ nhằm tập trung nguồn lương thực, thực phẩm và tập hợp dân cư.

Về quân sự, mục tiêu của địch lúc này là bao vây tiêu diệt cơ quan chỉ đạo kháng chiến của ta tại chiến khu Thuận Đức. Vì vậy, tại các khu vực dân cư và các con đường dẫn vào chiến khu, địch đều tăng cường kiểm soát và xây dựng, đóng chốt các đồn như: Đức Phổ, Bình Phúc, Thuận Lý...và hệ thống lô cốt dày đặc.

Lô cốt tại di tích trận công đồn Bình Phúc hiện nay. Ảnh: M.QUÝ
Lô cốt tại di tích trận công đồn Bình Phúc hiện nay. Ảnh: M.Qúy

Đồn Bình Phúc được coi là “sân sau của địch”, làm nhiệm vụ biệt kích, thám báo thu thập tin tức, giao nhiệm vụ cho các đồn xung quanh và có nhiệm vụ chốt chặn con đường tiếp tế lên chiến khu. Đồn Bình Phúc có vị trí chiến lược trọng yếu: nằm sát con đường giao thông chính dẫn lên chiến khu, cách quốc lộ 1A khoảng 800m.

Phía nam đồn Bình Phúc, địch lợi dụng con sông Rào Lũy kết hợp với đồn Thuận Lý tạo thành hành lang an toàn bảo vệ thị xã, do tên đồn trưởng Thanh chỉ huy, gồm 2 trung đội, gần 100 tên lính nguỵ và việt gian được trang bị đầy đủ vũ khí và trang thiết bị. Chúng đóng đồn ngay trong khuôn viên đình làng Bình Phúc rộng chừng 2.300m2. Giữa khuôn viên đình làng, phía sau và phía nam sát đình là nhà tăng, cạnh đình làng về phía bắc là nhà chỉ huy đồn; xung quanh đồn, chúng cho xây dựng 3 lô cốt theo hình tam giác để bảo vệ.

Đồn Bình Phúc luôn được chúng canh gác cẩn mật, củng cố chắc chắn để phòng khi các đồn, trạm kiểm soát các vùng xung quanh bị bao vây, chúng rút quân về đồn Bình Phúc. Tháng 8 - 1951, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III họp tại Bến Tiêm (chiến khu Quảng Ninh), chủ trương đề ra là quân dân Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích, mở rộng vùng căn cứ kháng chiến.

Đại đội 362 (bộ đội địa phương Quảng Bình) được tăng cường về hoạt động vùng xung quanh thị xã; công tác trừ gian diệt tề được xúc tiến mạnh mẽ. Để phối hợp với chiến trường chính trong Chiến dịch Đông - Xuân 1953- 1954, quân dân Quảng Bình tích cực hoạt động thọc sâu vào vùng sau lưng địch, đánh mạnh trên quốc lộ 1A, tấn công các vị trí xung quanh thị xã, mở rộng vùng du kích. Ở Đức Ninh, các đồn Đức Phổ, Diêm Điền và các lô cốt xung quanh  liên tiếp bị triệt hạ.

Nhiệm vụ đánh đồn Bình Phúc được giao cho Đại đội 206 thuộc Tiểu đoàn 229 bộ đội địa phương làm chủ công, cùng phối hợp với Trung đội 4 thuộc Đại đội 362 bộ đội địa phương huyện Quảng Ninh và các lực lượng cơ sở địa phương Đức Ninh. Đêm mồng 5, rạng sáng ngày 6 - 4 - 1954, quân ta tiến đánh đồn Bình Phúc.

Do đồn Bình Phúc là “sân sau của địch”, là nơi cố thủ chắc chắn nên muốn chiến thắng địch, ngoài yếu tố bí mật, bất ngờ, đánh nhanh, thắng nhanh thì nhân tố quyết định là phải dùng quân tinh nhuệ, tinh binh, tinh cán và người dẫn đường nhất thiết phải mưu trí, tháo vát.

Trong suốt trận đánh, để thực hiện tốt nhiệm vụ, quân ta đã thông minh, mưu trí, sáng tạo, biết lợi dụng trời mưa to, đêm tối, lại nắm chắc quy luật địch tuần tra  chính xác, nên đã lựa chọn con đường an toàn nhất khi tiến và rút lui, rút ngắn thời gian hành quân tiếp nhận trận địa hơn 1 giờ đồng hồ. Riêng đội mũi nhọn gồm 12 cán bộ, chiến sĩ phải mặc áo trấn thủ bên ngoài, mặc quần đùi màu tối, hoá trang mặt mũi, hai cánh tay, hai chân bằng các thứ như lá khoai lang, nhọ nồi, nén... 

Với tinh thần dũng cảm, mưu trí, tạo thế chủ động, chỉ sau hơn 30 phút, quân ta đã diệt gọn hai trung đội biệt kích, thám báo đồn Bình Phúc ngay trong lòng địch, thu được nhiều vũ khí: 54 khẩu súng các loại, trong đó có 2 khẩu trung liên 24/29; bắt sống 5 tù binh, thu giữ 1 máy điện thoại, 1 máy chữ, 2 xe đạp và nhiều quân trang, quân dụng khác. Đây là trận đánh thu được nhiều vũ khí nhất trong các trận đánh đồn trước đó.

Trận chiến thắng đồn Bình Phúc ngay trong lòng địch đã gây tiếng vang lớn đối với quân dân tỉnh nhà, tạo nguồn cổ vũ động viên mạnh mẽ đến tinh thần chiến đấu của quân dân Quảng Bình trong chiến dịch Đông - Xuân 1953- 1954, tiến tới giải phóng thị xã Đồng Hới.

Với những chiến công xuất sắc trong chiến đấu, Đại đội 206 được  tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng II; nhiều chiến sĩ trong Đại đội được cấp bằng khen và giấy khen của cấp trên.

Hơn 60 năm đã qua, trong kí ức của những người còn sống, chiến thắng trận công đồn Bình Phúc mãi mãi như một khúc khải hoàn về tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, về tính sáng tạo, mưu trí của tập thể lãnh đạo, chiến sĩ Đại đội 206 và nhân dân địa phương, làm nên chiến thắng đồn Bình Phúc- chiến thắng oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 2013, với những sự kiện lịch sử tiêu biểu đã diễn ra tại di tích, đồng thời để đáp ứng nguyện vọng tha thiết của những cựu chiến sĩ Đại đội 206, Ban Quản lí Di tích đã tiến hành lập hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh và đã được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Trận công đồn Bình Phúc tại Quyết định số 2889/QĐ-UBND ngày 21-11-2013.

Anh Đào-Hải Yến