.

Nặng lòng với quê hương

Thứ Bảy, 28/10/2017, 10:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Lần đầu thấy chị là vào mùa xuân năm 1992. Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê sau khi bắt đầu nghỉ công tác. Buổi chiều nhạt nắng, đoàn cán bộ của tỉnh đón Đại tướng trên đỉnh đèo Ngang.

Trên độ cao 400 mét, chủ khách cùng hướng về dải đất quê hương trải dài dưới tầm mắt. Chị Hồng Anh năm ấy vào tuổi năm ba, chưa già cũng không còn trẻ, dáng mảnh mai, hơi trầm tĩnh... Trong giao tiếp, dù đã ở thủ đô từ tấm bé nhưng giọng chị vẫn còn nặng âm sắc miền Trung.

Sinh năm 1939, chị là con gái duy nhất của cuộc hôn nhân ngắn ngủi giữa cử nhân luật Võ Nguyên Giáp với nhà cách mạng Nguyễn Quang Thái (bà Thái là em ruột của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai).

Sinh trưởng ở Hà Nội nhưng chị có tuổi thơ được tưới tắm nước sông Kiến giang. Trong một trang hồi ký của Đại tướng có kể lại giây phút bùi ngùi trong một buổi chiều năm 1940, trên đường Cổ Ngư bên bờ Hồ Tây (nay là đường Thanh Niên-Hà Nội), bà Quang Thái bế con mới một tuổi tiễn chồng lên phía Bắc theo đồng chí của mình hoạt động cách mạng.

Năm năm sau, trên đường chỉ huy đội võ trang tiến xuống đồng bằng, Võ Nguyên Giáp nghe tin vợ đã hy sinh trong nhà tù Hỏa lò. Ấy là lúc con gái Võ Hồng Anh đang được gửi về quê nhà ông bà nội nuôi nấng.

Nhà nghiên cứu Văn Tăng kể rằng, thời ở chiến khu Quảng Ninh trên thượng nguồn sông Long Đại đã từng được gặp trung đội vệ quốc đoàn hành quân dọc đường giao liên thượng đạo đưa con gái Đại tướng ra Bắc.

Có thể là vào năm 1948 khi mà cụ ông Võ Quang Nghiêm (thân phụ của Đại tướng) đã bị Pháp bắt vào giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế) và chuyến đi ấy của đơn vị đặc nhiệm là để đưa cả hai mệ cháu ra Bắc khi mà Bình Trị Thiên đã thành chiến trường khói lửa. Vậy là chị có ít nhất bảy, tám năm thơ ấu ở làng và quê hương đã ghi đậm dấu ấn trong ký ức tình cảm cũng như cách phát âm.

Dịp đó, trong 21 ngày Đại tướng thăm quê Quảng Bình, cùng với các sĩ quan tùy tùng như đại tá Huyên, đại tá Tâm và giáo sư phu nhân, chị luôn có mặt trong tất cả những cuộc tiếp xúc của Đại tướng với cán bộ, nhân dân Quảng Bình. Đó không hẳn là trách nhiệm mà có thể đơn thuần là kính hiếu với cha và tình yêu quê hương từ trong máu thịt.

GS-TS Võ Hồng Anh (bên trái ảnh) cùng gia đình thăm, tặng quà cho Anh hùng lao động Nguyễn Thị Nghèng trong chuyến về thăm quê hương. Ảnh: T.L
GS-TS Võ Hồng Anh (bên trái ảnh) cùng gia đình thăm, tặng quà cho Anh hùng lao động Nguyễn Thị Nghèng trong chuyến về thăm quê hương. Ảnh: T.L

Sau đó một năm, năm 1993, chị lại về quê. Và lần này, theo gợi ý của Đại tướng chị cùng với biên tập viên Đài phát thanh- Truyền hình tỉnh tổ chức chuyến du khảo và làm phim tài liệu “Vui buồn Hạc Hải’. Sinh thời, Đại tướng rất quan tâm đến vấn đề môi trường.

Chị kể rằng, khi nghe chị ngỏ ý muốn về quê, Đại tướng dặn: -“Về thì nhớ ra thăm Hạc Hải”. Ngồi trên thuyền đi ra giữa mênh mông trời nước, đã qua ngũ thập, chị vẫn như một đứa trẻ háo hức với “mênh mông vạn khoảnh leo lẻo dòng trong” (Phủ biên tạp lục), với đàn chim trời ào ạt bay lên, ào ào đậu xuống, với những cơn gió phóng khoáng mang mùi bùn, mùi năn lác và thứ hương hoa của loài cây thủy sinh.

Chị hăng hái trèo lên cái chòi giữa phá, thả mình trên lớp cây thân gỗ nhỏ lổn nhổn mà nông phu tạm rải làm dát giường. Xuống thuyền, tôi mang theo cơm nếp, muối mè, ăn bốc. Chị cũng hồn nhiên rửa tay bằng nước ruộng chùi vào vạt áo, bốc xôi chấm mè ăn...

Lần khác, chị lại về quê. Đãi chị ở hàng cơm Quê Hương ở thị trấn Kiến Giang, chúng tôi có cuộc tranh luận bất phân thắng phụ, nào cá trê hay cá đô (cá lóc) kho tộ hay kho kiểu Lệ Thủy ngon hơn. Con người đi nhiều nước, đào tạo chính quy và được phong học hàm học vị cao, được giải thưởng lớn về khoa học (Giải Kô-va-lép-xkai-a) nhưng cứ về quê là líu lo hồn nhiên như trẻ được quà.

Không phải chỉ khi về quê, mà ở ngay ngôi nhà ở 30 Hoàng Diệu, mỗi lần  Đại tướng tiếp khách Quảng Bình ra là luôn có chị... Cái sự phục dựng căn nhà tổ phụ ở An Xá cũng có đôi điều thú vị. Với sự đạo diễn của chị và người chú ruột là ông Võ Thuần Nho, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục, gia đình đã sưu tầm được khá nhiều vật dụng nông cụ vùng chiêm trũng Lệ Thủy.

Tôi và chị Hồng Hiếu tình cờ trở thành bạn tâm giao của giáo sư Võ Hồng Anh. Mỗi lần về quê, chị thường rủ tôi và chị Hiếu cùng tham gia vài chuyến du khảo gần gần. Đặc biệt, nghe ai rỉ tai cho hay tôi là bạo nói nên nhiều lần đang ở Hà Nội chị gọi tôi đến nói chuyện tình hình quê hương cho ông cụ (Đại tướng) nghe. Hơn hai mươi năm rồi mà tôi vẫn cảm giác xúc động vì cái câu hay nói của chị: “Quảng Bình mình...”.

Một lần, chị về Đồng Hới, dù đã tối muộn chị vẫn rủ tôi cùng sang nhà riêng ông Phan Lâm Phương lúc ấy là Chủ tịch UBND tỉnh để hỏi về việc giải quyết vấn đề phá Hạc Hải. Chúng tôi phải nối máy di động để ông Phương nghe Đại tướng từ Hà Nội trao đổi.

Sau đó không lâu, UBND tỉnh tổ chức một cuộc đối thoại và bàn biện pháp giải quyết có sự tham gia của tôi, phóng viên Minh Toản và nhà nghiên cứu Văn Tăng. Chị là thế, mảnh mai, trong suốt, nhiều lúc cũng hóm hỉnh nhưng khá năng động. Chị như là “vệ tinh” của Đại tướng. Tuổi cao, không thường xuyên về quê được, Đại tướng thường phái chị về. Và mỗi lần như vậy, tôi và chị Hồng Hiếu lại có dịp tháp tùng. Chị yêu quê, yêu mảnh đất tiền nhân...

Một ngày, cách nay gần mười năm, tổ làm phim chúng tôi được chị Hoàng Thị Ái Nhiên đưa lên nghĩa trang Thanh Tước ở Vĩnh Phúc. Giáo sư-Tiến sĩ Võ Hồng Anh nằm đấy, giữa nghĩa trang trầm mặc, giữa những cán bộ khoa học, sĩ quan cao cấp, những người có công lớn với đất nước.

Nghĩa trang cách xa quê hương gần sáu trăm cây số. Chị ra đi ở tuổi chớm thất tuần. Người con duy nhất của chị là anh Việt cũng nặng lòng với quê ngoại. Sau khi chị qua đời chưa lâu, anh về Quảng Bình tìm gặp những người thân thiết với mẹ... Nhiều năm liền anh là quán quân toàn quốc về khiêu vũ thể thao.

Con người sống ở đời có thể tự do như cánh chim trời, có thể bay đi muôn nơi. Nhưng, như một nhà thơ từng viết: “Quê hương là chùm khế ngọt...” là nơi lòng luôn muốn quay về. GS-TS Võ Hồng Anh là một người như vậy.

Nguyễn Thế Tường