.

Sơn Đoòng và "lộ trình ngược" - Bài 2: Thang vượt "Bức tường Việt Nam"-có ảnh hưởng đến di sản?

Thứ Hai, 12/06/2017, 14:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ năm 2013, hang Sơn Đoòng được phép khai thác du lịch. Hành trình khám phá được thực hiện bắt đầu từ cửa trước của hang và khi đến cuối hang, gặp “Bức tường Việt Nam”, thì quay trở ra. Với lộ trình này, du khách lưu lại 4 đêm, 5 ngày. Nếu khai thác Sơn Đoòng theo lộ trình ngược lại, nghĩa là vượt “Bức tường Việt Nam” rồi trở ra theo cửa trước, du khách sẽ chỉ phải trải qua 3 đêm, 4 ngày. Theo các chuyên gia hang động, việc rút ngắn thời gian lưu trú của du khách sẽ góp phần giảm thiểu tác động đối với di sản.

>> Bài 1: Đường đến "thiên đường"

Vượt “Bức tường Việt Nam”

Sau khi vượt quãng đường khoảng 600 mét trong lòng hang theo một tuyến cố định nhằm giảm thiểu đến mức tối đa tác động đối với hệ thống thạch nhũ, chúng tôi tiếp cận nơi các chuyên gia kỹ thuật đã đợi sẵn. Hành trình chinh phục “Bức tường Việt Nam” chính thức bắt đầu.

Với hành trình chinh phục “Bức tường Việt Nam”, ngoài trèo bằng thang, du khách phải vượt độ cao hơn 60m bằng cách đu dây.
Với hành trình chinh phục “Bức tường Việt Nam”, ngoài trèo bằng thang, du khách phải vượt độ cao hơn 60m bằng cách đu dây.

“Bức tường Việt Nam” là khối thạch nhũ có hàng triệu năm tuổi, cao gần 100m nằm cuối hang Sơn Đoòng. Để vượt bức tường này, chúng tôi phải trải qua 2 đoạn. Đoạn 1 có độ dốc 45 độ, dài 65m được gắn dây đai an toàn định vị thành một lối đi bộ trên nền đá phẳng chứ không đi bộ lên những nơi có thạch nhũ đang hình thành. Dây, đai an toàn và thang dây để vượt đoạn này được Công ty Oxalis bắt bulong nở kim loại không gỉ vào đá (loại có chiều dài 10cm và rộng 1cm).

Sau khi được các chuyên gia kỹ thuật hướng dẫn cụ thể về cách thức di chuyển, chúng tôi lần lượt đu dây xuống bức tường dài 65 mét, độ dốc 45 độ trên nền thạch nhũ bóng láng, ẩm ướt. Dù có kinh nghiệm với chuyện vượt độ cao, tôi và nhiều thành viên khác trong đoàn vẫn không khỏi ái ngại, bởi từ điểm xuất phát nhìn xuống dưới hun hút sâu, đèn chiếu sáng chuyên dụng không thể chiếu rõ đích đến. Sau chừng 5 phút dò dẫm leo trên thạch nhũ, tôi đã đến được đích của đoạn thứ nhất.

Tại đây, trợ lý an toàn lại đổi dây đai để chúng tôi tiếp tục đoạn 2 của hành trình chinh phục “Bức tường Việt Nam”. Đoạn 2 là bức tường có chiều cao 25m được thiết kế thang lắp ghép theo phương thẳng đứng có độ nghiêng khoảng 70 độ. Thang được cố định bởi điểm đầu thang và chân thang. Đỉnh thang được cố định vào đá vôi, chân thang được cố định tại nền hang.

Thời điểm khi chúng tôi vượt “Bức tường Việt Nam” xuống đây thì nước dâng rất cao không thể dùng thuyền tiếp tục đi sâu vào trong lòng hang được nữa. Từ phía dưới chân “Bức tường Việt Nam” nhìn lên cao, tôi thật sự choáng ngợp với mảng thạch nhũ khổng lồ có bề mặt thẳng đứng, trơn nhẵn và ẩm ướt.

Do không thể tiến sâu vào trong lòng hang vì nước dâng rất cao, chúng tôi quyết định vượt trở lại “Bức tường Việt Nam” để quay về. Mọi việc trở nên rất suôn sẻ từ sự chuyên nghiệp của đội ngũ chuyên gia kỹ thuật kết hợp với sự nỗ lực hết mình trong một thử thách được xem là lớn nhất từ trước đến nay của chúng tôi.

Di sản có bị ảnh hưởng?

Khi UBND tỉnh Quảng Bình cho phép khai thác thử nghiệm tuyến du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới” theo lộ trình mới bằng cách lắp thang vượt “Bức tường Việt Nam”, một số phương tiện thông tin đại chúng nêu quan điểm lo ngại như vậy là xâm hại nghiêm trọng đến di sản.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Howard Limbert, chuyên gia Hang động thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh cho biết, để tư vấn triển khai phương án, ông đã làm việc với đại diện Ủy ban Di sản thế giới và họ ủng hộ phương án này của ông.

Phương án này không hề ảnh hưởng nghiêm trọng đến Di sản mà ngược lại, nó mang lại hiệu quả tổng thể cho việc phát huy những giá trị di sản đang có. Điều này hoàn toàn hợp lý, bởi nhiều lẽ. Thứ nhất, nó bảo đảm an toàn cho du khách tham quan hang Sơn Đoòng.

Khi xảy ra sự cố, như: nước dâng đột ngột hoặc rủi ro về tai nạn, du khách sẽ vượt “Bức tường Việt Nam” để ra khỏi hang trở về trung tâm xã Sơn Trạch. Đây là tuyến đường nhanh nhất, chỉ vài tiếng đồng hồ. Thứ 2, vì đây là tuyến đường ngắn nhất dẫn đến Sơn Đoòng nên nó rút ngắn được lộ trình khám phá, từ đó giảm được thời gian du khách lưu trú nên giảm thiểu được mức độ tác động đến di sản. Vì khi khám phá Sơn Đoòng bằng tuyến đường cũ, vào sâu lòng hang gặp “Bức tường Việt Nam” thì du khách phải quay trở ra bằng con đường cũ, mức độ tác động sẽ tăng lên gấp đôi.

Nói về hệ thống các móc dây đai an toàn và thang được lắp đặt để vượt “Bức tường Việt Nam”, ông Howard Limbert cho biết các đinh vít chỉ rộng 1cm được khoan sâu 10cm vào khối đá cứng, khi không dùng có thể tháo ra với diện tích rất nhỏ nên không ảnh hưởng nhiều đến di sản. Hơn nữa trong số 23 lỗ khoan mà Công ty Oxalis đảm nhiệm thì đơn vị này đã tận dụng 15 lỗ khoan có sẵn do các chuyên gia thám hiểm hang động thực hiện phục vụ việc nghiên cứu, thám hiểm từ năm 2010.

Trải qua hàng vạn năm, các tinh thể can xi đã bao bọc những hạt cát, tạo thành những “viên ngọc trai” quý hiếm.
Trải qua hàng vạn năm, các tinh thể can xi đã bao bọc những hạt cát, tạo thành những “viên ngọc trai” quý hiếm.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, ông Nguyễn Mậu Nam cho biết, sau chuyến khảo sát thực tế, có thể khẳng định rằng, việc lắp thang vượt “Bức tường Việt Nam” để thám hiểm Sơn Đoòng mức độ tác động đến di sản không đáng kể. Cùng chung quan điểm này, ông Đặng Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, phương án trên là phù hợp để tiết kiệm thời gian và chi phí khi chinh phục Sơn Đoòng. Quan trọng hơn nữa là giảm thiểu mức độ tác động của du khách đến di sản.

Theo đại diện Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, việc lắp đặt thang và định vị lối đi bộ khi vượt “Bức tường Việt Nam” đã được các chuyên gia hang động khảo sát thực tế và kiểm tra toàn bộ hệ thống hang Sơn Đoòng nhằm xây dựng lối đi ít tác động đến thạch nhũ cũng như xâm hại tài nguyên thuộc hệ động thực vật trong hang. Lộ trình đi xuyên hang được nhóm chuyên gia nghiên cứu khảo sát, đánh giá và phối hợp chặt chẽ với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thực hiện. Việc tạo một lối đi qua khối thạch nhũ có niên đại hàng triệu năm cần tính toán kỹ lưỡng, tham khảo nhiều ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hang động.

Về góc độ khoa học, Tiến sỹ Nguyễn Đức Lý, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ cho biết, mọi hoạt động của con người đều ảnh hưởng đến di sản nhưng quan trọng là mức độ đến đâu. Thực tế cho thấy trước đó Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã thực hiện các lỗ khoan nhưng các lỗ khoan đó không ảnh hưởng nhiều đến giá trị di sản. Hơn thế nữa, nó bảo đảm được vấn đề an toàn cho du khách cũng như các nhà khoa học khi đến đây thám hiểm và nghiên cứu, sự xâm hại đến di sản là không đáng kể.

Nội dung kết luận tại biên bản làm việc giữa Sở Tài nguyên - Môi trường với đại diện lãnh đạo các sở: Du lịch, Văn hóa - Thể thao, Khoa học - Công nghệ, Nông nghiệp và PTNT, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, Công ty Oxalis ngay sau chuyến kiểm tra thực tế việc khai thác Sơn Đoòng theo lộ trình mới nêu rõ:

-Việc lắp thang và khoan vít không có dấu hiệu làm nứt vỡ bề mặt của “Bức tường Việt Nam” tại vị trí các lỗ khoan;

- Đoạn vượt bức tường 65 mét, nghiêng 45 độ bằng dây an toàn với dải lưu thống hẹp, chỉ khoảng 0,5 mét, lưu thông từng người một nên tác động đến lớp nhũ tràn trên nền đá gốc và các quá trình địa chất và cảnh quan của chặng “vượt tường” nói trên là không dáng kể;

- ...Phương án thử nghiệm đã rút ngắn thời gian tour du lịch chinh phục hang động Sơn Đoòng từ 5 ngày 4 đêm xuống 4 ngày 3 đêm..., nhờ đó giảm đáng kể tác động của du khách đến môi trường hang động... Theo quan sát và đánh giá trực quan của đoàn kiểm tra thì đoạn mới trong tuyến khảo nghiệm, mức độ tác động đến Di sản và đa dạng sinh học, sinh thái là không đáng kể.

Nguyễn Hoàng