.

Đặc sắc lễ hội Bà Chúa Ngọc

Chủ Nhật, 21/05/2017, 20:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm nép mình bên dòng sông Lý Hòa, làng biển Hải Trạch (Bố Trạch) vốn mang nhiều nét văn hóa độc đáo với nhiều lễ hội đặc sắc: lễ hội đầu năm, lễ cầu mùa, lễ hội Thành hoàng làng... Một trong những lễ hội mang dấu ấn tâm linh đậm nét của người dân làng biển này là lễ hội Thánh Mẫu Thiên Yana-Bà Chúa Ngọc được tổ chức vào cuối tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là một nét sinh hoạt văn hoá tinh thần luôn được người dân Hải Trạch trân trọng, giữ gìn và phát huy.

Truyền thuyết Bà Chúa Ngọc và nguồn gốc lễ hội

Bà Thiên Yana (Bà Chúa Ngọc) là tên gọi của người Việt đối với nữ thần Yang Poh Inư Nagar (Poh Nagar) của người Chăm. Theo truyền thuyết, nữ thần Poh Nagar do bọt nước biển và ánh mây trời sinh ra ngoài biển khơi. Một hôm, nước biển dâng cao đưa bà vào bến sông Yjatran ở Kauthara (nay là sông Cái, Nha Trang). Sấm trời và gió hương liền nổi dậy báo cho muôn loài biết tin bà giáng thế.

Lễ rước Bà Chúa Ngọc ra đình làng nhập thần.
Lễ rước Bà Chúa Ngọc ra đình làng nhập thần.

Tức thì, nước trên nguồn dồn lại thành sông chảy xuống đón mừng bà, núi cũng hạ mình thấp xuống để đón rước bà. Khi bà bước lên bờ, cây cong xuống để tỏ lòng thần phục, chim muông kéo đến chầu hai bên đường, và hoa cỏ cũng xinh tươi rực rỡ hơn để điểm hương cho mỗi bước chân bà đi. Poh Nagar đi đến đâu dùng phép hóa ra cung điện nguy nga, trầm hương cùng lúa bắp làm cho xứ sở trần gian thêm trù phú. Yang Poh Inư Nagar được xem là nữ thần Mẹ xứ sở, là biểu tượng che chở cho cuộc sống bình yên của muôn loài.

Sau khi người Việt đến định cư vùng đất Nam Hoành Sơn (Đèo Ngang), nơi vốn là đất của người Chăm sinh sống, tôn trọng tâm linh và tín ngưỡng của người Chăm, người Việt đã lưu giữ phong tục thờ cúng thiêng liêng đối với nữ thần Poh Nagar, tiếp tục coi bà là Mẹ xứ sở của mình. Người Việt đã Việt hóa truyền thuyết nữ thần Yang Poh Inư Nagar thành nữ thần Thiên Yana. Truyền thuyết về Thiên Yana ở mỗi địa phương người Việt có đôi nét khác nhau nhưng đều có nội dung cốt lõi câu chuyện giống nhau.

Tại làng Lý Hoà (Bố Trạch), sự tích miếu thờ nữ thần Thiên Yanna kể lại rằng: vào thời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái, năm Canh Tý 1729, một đoàn ghe bầu gồm 9 chiếc của làng Lý Hoà chở hàng từ Sài Gòn-Gia Định về Quảng Bình.

Trên đường ra Bắc, đoàn đến ngang bờ biển tỉnh Khánh Hòa, trời sẫm tối, lặng gió nên quyết định chụm lại thả neo, nấu cơm ăn, đợi có gió đi tiếp. Đang lúc những người trực canh ngồi chụm đầu uống nước chè xanh, bỗng thấy từ trong đất liền có một vật sáng rực bay thẳng ra biển, đậu xuống mũi một chiếc ghe bầu trong đoàn, nhìn kỹ là một cô gái mặc bộ áo quần trắng, tay cầm chiếc nón lá. Cô gái vừa đi vừa gọi: “Bầu ơi, ta là Thiên Yana, Bầu về miền Trung cho ta về Quảng Bình với”.

Gió bắt đầu thổi mạnh, đoàn ghe bầu nhổ neo, nhằm hướng Bắc thẳng tiến. Suốt cả chặng đường từ Nha Trang về Quảng Bình, cô gái đi nhờ vẫn lặng lẽ ngồi trên son mũi chiếc ghe bầu đi đầu. Sau hai ngày đêm vượt biển, đoàn ghe bầu đã về đến biển làng Lý Hoà. Thủy thủ các ghe lăn buồm, thả neo, đốt hương, vàng mã, nổ pháo mừng chuyến đi xa về an toàn, thắng lợi. Lúc này, Thiên Yana đứng dậy cảm ơn đoàn ghe bầu đã cho đi nhờ về Quảng Bình.

Vừa dứt lời, từ người cô gái bỗng có một tia sáng loé lên, vụt bay vào ngay bãi đất hoang sát bờ biển thôn Trung Hoà. Ngay sáng hôm sau, giữa bãi đất hoang cây lau sậy và cỏ dại mọc um tùm, có một vạt cỏ đổ rạp lá úa vàng. Thấy đây là điềm lành, làng liền lập bàn thờ và giao cho dân thôn Trung Hoà sớm ngày lo thắp hương cúng thần.

Để có nơi thờ thần vững chãi, tránh mưa bão, lụt lội, các chủ ghe bầu đã vận động các lái bạn, vạn chài và dân làng góp tiền, ngày công, vật liệu xây miếu thờ Thánh mẫu Thiên Yana. Ngôi miếu thờ được xây ngay giữa vùng đất thôn Trung Hoà, rộng ba gian, cột bằng gỗ lim, tường bao quanh bằng gạch Bát Tràng. Trước miếu có cổng tam quan, bốn trụ cột hoa biểu, bức bình phong.

Với những giá trị về lịch sử và tâm linh, các vua nhà Nguyễn đã ban phong sắc cho miếu thờ Thiên Yana của làng Lý Hòa. Trải qua biết bao biến thiên của thời gian, miếu thờ bị xuống cấp, sau đó được người dân địa phương góp sức sửa sang, tu bổ. Có thể khẳng định đây là một kiến trúc mang đậm dấu ấn về mối giao lưu văn hóa của hai dân tộc Việt-Chăm, là một nét đẹp văn hóa tinh thần mang ước vọng vươn tới hạnh phúc của người dân Hải Trạch xưa và nay.

Nét đẹp tâm linh của người dân làng biển

Chúng tôi về làng biển Hải Trạch đúng vào dịp địa phương đang rộn ràng tổ chức lễ hội giáng trần Thánh Mẫu Thiên Yana. Có tận mắt chứng kiến tâm trạng háo hức, không khí linh thiêng của lễ hội mới hiểu được phần nào ý nghĩa của nó trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Vốn nổi tiếng với nhiều lễ hội độc đáo, với người dân Hải Trạch, lễ hội Bà Chúa Ngọc mang một nét riêng đặc sắc, thể hiện sự tôn kính từ bao đời nay đối với Mẹ xứ sở của họ.

Điểm đặc sắc trong lễ hội Bà Chúa Ngọc ở Hải Trạch chính là việc chắt lọc những nét văn hóa mang đậm dấu ấn người Chăm để hóa thành những đặc trưng riêng, thể hiện được hơi thở, hồn cốt của người dân làng biển. (Múa chèo cạn tại lễ hội Bà Chúa Ngọc).
Điểm đặc sắc trong lễ hội Bà Chúa Ngọc ở Hải Trạch chính là việc chắt lọc những nét văn hóa mang đậm dấu ấn người Chăm để hóa thành những đặc trưng riêng, thể hiện được hơi thở, hồn cốt của người dân làng biển. (Múa chèo cạn tại lễ hội Bà Chúa Ngọc).

Trước lễ hội một ngày, người dân địa phương tổ chức lễ rước Bà Thiên Yana ra đình làng nhập thần. Sau khi hoàn tất các nghi lễ nhập thần, Thánh Mẫu được rước về lại miếu thờ để chuẩn bị cho lễ hội. Được tổ chức vào ngày 23-3 âm lịch hàng năm, nghi thức lễ hội Bà Chúa Ngọc ở Hải Trạch bao gồm phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, Trưởng ban tâm linh của xã ôn lại truyền thuyết giáng trần của Thánh Mẫu, sau đó chuyển qua phần hội với các nghi thức dâng hoa, quả, trà, nước rồi đến múa quạt, múa bông, chèo cạn.

Điểm đặc sắc trong lễ hội Bà Chúa Ngọc ở Hải Trạch chính là việc chắt lọc những nét văn hóa mang đậm dấu ấn người Chăm để Việt hóa thành những đặc trưng riêng, thể hiện được hơi thở, hồn cốt của người dân làng biển.

Với những con người mộc mạc, “ăn sóng nói gió” ấy, đây là một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ. Khắp nơi trong làng từ ông già, bà lão, nam thanh, nữ tú, trẻ con, ai nấy đều háo hức cho ngày trọng đại của quê hương. Đàn ông trang phục chỉnh tề; phụ nữ áo dài tha thướt cùng nhau dâng tấm lòng thành bái vọng Mẹ xứ sở để cầu mong cuộc sống an nhiên, hòa thuận.

“Khó mà nói hết được ý nghĩa của lễ hội Thiên Yana đối với người dân Hải Trạch. Không chỉ đoàn kết cùng nhau lưu truyền, giữ gìn những nét bản sắc vốn quý của lễ hội trong đời sống cộng đồng, nhiều thế hệ người dân làng biển này đã và đang cố gắng quảng bá nét văn hóa đặc sắc này “vượt ra khỏi lũy tre làng”. Và một tín hiệu đáng mừng là những năm gần đây, lễ hội không chỉ quy tụ bà con trong thôn, trong xã và các vùng lân cận mà còn thu hút được một lượng du khách nhất định từ thập phương.

Mong rằng, trong thời gian tới, tỉnh, huyện và các ngành chức năng sẽ quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư quảng bá để lễ hội đến gần hơn với nhiều người dân trên mọi miền đất nước”, ông Nguyễn Sỹ Hùng, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa huyện Bố Trạch chia sẻ.

Tâm An