.

Chuyện hai vợ chồng người đầu bếp đầu tiên của Bác Hồ - Bài 1: Nặng việc nước... gác lại tình riêng

Thứ Ba, 02/09/2014, 08:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là vợ chồng liệt sỹ Hoàng Văn Lộc (sinh năm 1900) và Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1907). Ông Hoàng Văn Lộc là người chiến sỹ bảo vệ, giúp việc Bác Hồ những năm tháng hoạt động tại Thái Lan, sau này trở thành đầu bếp của Người.

 

Ông Lộc (người gánh tư trang) được tái hiện trong tranh sơn dầu “Bác Hồ về nước” của Trịnh Phòng.
Ông Lộc (người gánh tư trang) được tái hiện trong tranh sơn dầu “Bác Hồ về nước” của Trịnh Phòng.

Cuộc đời vợ chồng ông Hoàng Văn Lộc và bà Nguyễn Thị Cúc là hành trình hợp tan. Hợp thì ngắn ngủi chẳng tày gang, sinh ly tử biệt thì trùng trùng vạn dặm. Vì nặng việc nước, ông đành gác lại tình riêng, một lòng trung trinh theo Đảng, theo Bác Hồ. Còn bà, cả cuộc đời là một chuỗi hành trình kiên trinh thủ tiết chờ chồng, một lòng vì cách mạng, sống thanh bần, dung dị cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay...

Cho đến tận bây giờ, không ai biết đích xác quê của ông Lộc và bà Cúc ở đâu. Trong câu chuyện ngày bà Cúc còn sống thường hay kể cho đứa cháu nuôi Lê Văn Lợi thời thơ ấu, bà bảo ông Lộc quê Nam Đàn (Nghệ An), còn bà người Ba Đồn, Quảng Trạch. Kể thế thôi, chứ gia đình, họ tộc hai bên lưu lạc sang Thái Lan đã lâu, bặt tin trong nước. Trong hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng Bác Hồ, xác nhận một chi tiết rất đắt giá: ông Lộc, bà Cúc nên duyên chồng vợ nhờ sự tác hợp của Bác Hồ. Đám cưới đôi vợ chồng trẻ diễn ra trên đất Xiêm đơn sơ và Bác Hồ làm người chủ hôn.

Năm 1960, bà Cúc trở về Việt Nam, lấy đất Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình làm quê hương mình. Khi bà mất và cả trong lý lịch liệt sỹ Hoàng Văn Lộc thống nhất một quê cho ông bà: xã Lương Ninh.

Câu chuyện về vợ chồng liệt sỹ Hoàng Văn Lộc, người đầu bếp đầu tiên của Bác Hồ, được dẫn nguồn khi một người bạn của tôi hiện đang là cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh điện thoại bảo: "Vợ chồng liệt sỹ Hoàng Văn Lộc, người bảo vệ, giúp việc Bác Hồ những năm hoạt động tại Thái Lan và là đầu bếp đầu tiên của Người, quê ở Quảng Bình, nhưng rất ít người được biết.”

Và một ngày hạ tuần tháng tám, quê hương, đất nước rợp bóng cờ hoa hướng về ngày Tết Độc lập, tôi tìm đến nhà anh Lê Văn Lợi (sinh năm 1967, ở thôn Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh), người thân, người con, người cháu nuôi duy nhất của vợ chồng liệt sỹ Hoàng Văn Lộc, Nguyễn Thị Cúc, khi anh vừa đi thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hóa, Thái Nguyên, nơi có Bia tưởng niệm liệt sỹ Hoàng Văn Lộc, theo lời mời của Bảo tàng Hồ Chí Minh trở về. Qua từng mẩu tư liệu, mẩu ký ức và những kỷ vật, cuộc đời của vợ chồng liệt sỹ Hoàng Văn Lộc được tái hiện...

Bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ Hoàng Văn Lộc và di ảnh bà Nguyễn Thị Cúc đặt nơi trang trọng trong nhà anh Lê Văn Lợi.
Bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ Hoàng Văn Lộc và di ảnh bà Nguyễn Thị Cúc đặt nơi trang trọng trong nhà anh Lê Văn Lợi.

Trong tư liệu lịch sử ghi tên người chiến sĩ bảo vệ, giúp việc Bác Hồ và là đầu bếp đầu tiên của Người là Hoàng Văn Lộc, nơi Bia tưởng niệm ông tại Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, Thái Nguyên và Bằng Tổ quốc ghi công lại ghi Phạm Văn Lộc.

Tiến sỹ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, từng viết về người đầu bếp đầu tiên của Bác Hồ rằng: Hoàng Văn Lộc, tên thật Nguyễn Văn Ty, sinh năm 1900, quê tại xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, ông Lộc vốn là một Việt kiều ở Xiêm (Thái Lan). Năm 1928, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc đó là Nguyễn Ái Quốc) đến Xiêm, ông Lộc được chọn đi cùng Bác khắp 16 tỉnh Đông Bắc Xiêm có Việt kiều sinh sống nhằm tuyên truyền cách mạng cho kiều bào yêu nước.

Tháng 11 năm 1929, Người trở về Hồng Kông để triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2-1930). Cũng chính dịp này ông Hoàng Văn Lộc tạm chia tay người vợ trẻ ở Xiêm, đi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Trung Quốc, tiếp tục con đường hoạt động cách mạng...
Cuối tháng 5-1940, Hoàng Văn Lộc và Đặng Văn Cáp tới Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh phái Bùi Thanh Bình và Hoàng Văn Lộc về Hà Khẩu thăm dò đường sá về nước bằng đường Côn Minh - Lào Cai. Cuối tháng 6-1940, đường giao thông Côn Minh - Lào Cai bị tắc, kế hoạch về nước bằng đường Lào Cai phải hủy bỏ. Hoàng Văn Lộc được gọi trở về Côn Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn đường về nước qua Cao Bằng.

Ngày 28-1-1941 đoàn cán bộ cùng Bác Hồ vượt qua cột mốc biên giới Việt - Trung số 108 về Cao Bằng. Cùng về nước với Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có 5 người gồm: Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp và Hoàng Văn Lộc, người gắn bó với Bác từ những ngày đầu hoạt động đầy khó khăn ở Thái Lan những năm 1928- 1929.

Những ngày ở Pác Bó, cuộc sống vô cùng gian khổ và thiếu thốn. Ông Lộc được giao nhiệm vụ nấu ăn cho cả cơ quan. Để cải thiện bữa ăn đạm bạc cho Bác và các đồng chí khác, ông Lộc không ngại khó khăn gian khổ mò cua, bắt ốc, trồng rau, đơm cá... Trong thời gian hoạt động tại Cao Bằng, ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một người đầu bếp đầu tiên của Bác Hồ.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và các cơ quan Trung ương trở về thủ đô Hà Nội. Riêng ông Lộc cùng với một số đồng chí khác được Bác Hồ cử ở lại Việt Bắc tiếp tục xây dựng “hậu phương lưu trú”.

Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng đi qua các tỉnh Sơn Tây, Phú Thọ, và đến tháng 5-1947, Người trở lại Tân Trào, bắt đầu cuộc trường kỳ kháng chiến. Ông Hoàng Văn Lộc đang làm việc tại công binh xưởng, được gọi trở về cơ quan Phủ Chủ tịch để làm nhiệm vụ cấp dưỡng, nấu ăn cho Bác. Để biểu thị quyết tâm trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, Bác Hồ đã đặt tên cho các chiến sĩ, cán bộ phục vụ xung quanh Người theo khẩu hiệu: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi và Đồng, Tâm, Kiên, Quyết, Trung, Dũng, Cần, Kiệm, Liêm... Ông Lộc mang tên mới là Đồng. Không phụ lòng tin cậy của Bác, ông Lộc một lần nữa nỗ lực hết mình, tận tụy hoàn thành nhiệm vụ do Đảng phân công.                

Theo hồi ức của đồng chí Vũ Kỳ: Trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, ngày 3-5-1948, do bị một cơn sốt rét ác tính, ông Lộc qua đời. Chính tay Bác và đồng chí Vũ Kỳ khâm liệm, tiễn đưa ông. Mọi người ngậm ngùi chôn cất ông Lộc trong khu rừng Khuôn Tát, xã Phú Đình, Định Hoá, Thái Nguyên.

Lễ khánh thành Bia tưởng niệm liệt sĩ Hoàng Văn Lộc tại Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, Thái Nguyên, ngày 16-7-2013.
Lễ khánh thành Bia tưởng niệm liệt sĩ Hoàng Văn Lộc tại Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, Thái Nguyên, ngày 16-7-2013.

Sau khi ông Lộc mất, vào sáng 19-5-1948, anh em cảnh vệ, phục vụ, giúp việc Bác Hồ bí mật sửa soạn từ tối hôm trước để tổ chức chúc thọ Người. Anh em dậy từ đêm, hái một bó hoa rừng, chờ sẵn Bác, khi Người bước từ căn gác nhỏ nhà sàn xuống, anh em chạy lại xếp hàng ngang trước mặt Bác, cử một đồng chí nhanh nhẹn nói một câu vắn tắt: “Nhân dịp sinh nhật Bác, chúng cháu kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu”.

Nhưng khi cầm bó hoa rừng anh em vừa trao tặng, Bác rưng rưng nước mắt, Người nói: “Bác cảm ơn các chú. Bác nhờ các chú đem bó hoa này đặt lên mộ chú Lộc cho Bác”. Sau khi mọi người đem bó hoa rừng ra viếng mộ ông Lộc theo đúng ý Bác, trở về Bác cháu quây quần dưới nhà sàn, Bác kể cho mọi người nghe về tấm gương kiên trung, tận tâm của ông Lộc. Lúc này anh em mới biết người đồng chí nhỏ nhắn, thông minh, nhanh nhẹn, linh hoạt, hay cười, lạc quan không bao giờ nói đến khó khăn gian khổ, một người làm công việc tưởng chừng như nhỏ bé, giản đơn lại có một tiểu sử đáng khâm phục.

Kết thúc câu chuyện, Bác nói: “Chú Đồng làm nhiệm vụ nấu ăn cho Bác và cho các chú, không phải vì chú ấy không có năng lực, ngược lại chú Đồng rất có khả năng, có thể đảm đương nhiều công việc quan trọng. Nhưng do tổ chức tin tưởng phân công cho chú ấy nấu ăn cho Bác và các chú, nên chú vui vẻ làm và làm việc gì cũng đến nơi đến chốn”.         

Trọn đời mình, ông Lộc là một cán bộ trung thành, tận tụy, lạc quan, hoàn thành xuất sắc tất cả các nhiệm vụ được Đảng giao phó, là một tấm gương trung thành với Đảng, hy sinh thầm lặng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, không một toan tính, không một lần đòi hỏi được đền đáp, như Bác Hồ nhận xét bằng những lời giản dị, nhân ngày sinh nhật của Người: “Trong lúc khó khăn gian khổ làm việc không chút nề hà, đến lúc nước nhà độc lập cũng không mảy may đòi hưởng thụ”.

Hương Trà

Bài 2: Một đời nuôi cháu tìm chồng