.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604 -2014):

Quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng quốc gia phong kiến Việt Nam và Quảng Bình trở lại lãnh thổ Đại Việt

Thứ Bảy, 09/11/2013, 03:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Sang đời Lý Thái Tông, từ khi lên ngôi, trong quan hệ với Chiêm Thành, vua chỉ "ban ơn đức vỗ về "nhưng vua Chiêm Thành lại không ngừng sai quân quấy phá các quận phía nam của Đại Việt. Năm  Minh Đạo  thứ 2 (Quý Mùi,1043) mùa hạ, tháng tư, "giặc gió sóng" (nghĩa là nhân gió sóng mà đi cướp) Chiêm Thành cướp bóc dân ven biển".

Trước tình hình đó, Lý Thái Tông đem quân đánh Chiêm Thành để ổn định biên cương phía nam. Cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành dưới triều đại Lý Thái Tông đã diễn ra với quy mô lớn. Quân Đại Việt đã đánh vào kinh đô Phật Thệ giết cả vua Chiêm nhưng Lý Thái Tông không có chủ trương cướp đất, giành dân, đặt quan cai trị. Những chủ trương cấm giết tù hàng binh, cấp đất cho họ định cư lập hương ấp theo phong tục Chiêm Thành phần nào đã nói lên tính nhân đạo và không muốn khoét sâu mối hận thù của triều Lý.

Sau khi vua Lý Thái Tông mất (1054), Lý Thánh Tông lên ngôi, nguy cơ xâm lược từ triều đại phong kiến phuơng bắc là nhà Tống càng đến gần. Trong lúc đó ở phía nam, sau một thời gian phục hồi, vua Chiêm là Chế Cũ lại bắt đầu gây rối vùng biên cương phía nam. Năm 1068, Chiêm Thành, một mặt chịu triều cống nhưng mặt khác lại tích cực quấy nhiễu biên giới. Để loại trừ mối uy hiếp từ phía nam, làm thất bại âm mưu liên kết của quân Tống với nước Chiêm Thành, Lý Thánh Tông quyết định đánh Chiêm Thành. Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1069), Lý Thánh Tông thân chinh cầm quân, cùng với tướng quân Lý Thường Kiệt đánh vào kinh thành Phật Thệ (tức Vijaya - Bình Định) của Chiêm Thành.

Trong cuộc tiến công này, khi Lý Thánh Tông đến cửa Nhật Lệ, thuỷ quân Chiêm đã chặn đánh dữ dội. Vua sai tướng Hoàng Kiện đốc thúc quân sĩ đánh trực diện. Quân Chiêm chống cự không nổi bèn rút chạy vào phía trong. Khi đến kinh đô Phật Thệ, quân lính đổ bộ tiến đánh quân Chiêm Thành ở hai bờ sông Tu Mao. Trong trận chiến đấu này, hai anh em Lý Thường Kiệt và Lý Thường Hiến đã lập công xuất sắc. Nghe tin thất trận ở Tua Mao, vua Chiêm là Chế Cũ (Rudreverma III) đưa vợ con bỏ thành chạy trốn về phía nam. Quân Lý vào thành Phật Thệ, người trong thành ra hàng. Lý Thường Kiệt cho quân đuổi theo và bắt được Chế Cũ đưa về Thăng Long. Chế Cũ xin dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh (tức phần đất Quảng Bình và bắc Quảng Trị ngày nay) cho Đại Việt. Lý Thánh Tông chấp nhận,  cho Chế Cũ về nước.

Cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành năm 1069 với chiến thắng của quân dân Đại Việt có ý nghĩa rất quan trọng đối với lịch sử vùng đất Quảng Bình nói riêng và lịch sử nước ta nói chung. Kể từ nay (1069) về cơ bản địa phận Quảng Bình và một phần đất phía bắc Quảng Trị được sát nhập vào quốc gia Đại Việt. Biên giới Đại Việt đã vượt qua Hoành Sơn (đèo Ngang) tiến về phía nam, mở đầu cho công cuộc mở cõi về phương nam để có non sông một dải từ bắc vào nam như ngày nay. Đó là kết quả tất yếu của lịch sử.

Trong các cuộc chiến tranh với Chiêm Thành, Đại Việt không có chủ trương chiếm đất, giành dân, thiết lập bộ máy cai trị mà chủ yếu là xuất phát từ mục đích tự vệ, giữ vững biên cương phía nam, tập trung lực lượng đối phó với kẻ thù xâm lược của các triều đại phong kiến phuơng bắc. Trong lịch sử quan hệ giữa nước ta và Chiêm Thành, người Chiêm Thành đã nhiều lần tổ chức chiến tranh muốn mở rộng lãnh thổ ra phía bắc. Các triều đại phong kiến độc lập từ nhà Đinh sang nhà Lý luôn giữ mối quan hệ bang giao hoà hiếu và đã có nhiều chính sách để giữ vững ổn định, hoà bình, để xây dựng đất nước.

Việc Chế cũ dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh cho Đại Việt là kết quả thất bại tất yếu qua trình xung đột giữa các tập đoàn phong kiến nhưng đã mang lại một hệ quả lịch sử là đưa Quảng Bình nhập vào Đại Việt, trở lại với đất nước Việt Nam mà từ thời Âu Lạc những cư dân Việt đã định cư ở đây. Trải qua những biến động lịch sử, mảnh đất Quảng Bình từ đây trở thành phên dậu của Đại Việt ở phía nam, có vị trí cực kỳ quan trọng trong việc mở mang bờ cõi đất nước ở những giai đoạn lịch sử kế tiếp.

Theo Địa chí Quảng Bình
(Còn nữa)