.

Thành cổ Đồng Hới - chứng tích lịch sử

Thứ Sáu, 30/08/2013, 08:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Thành cổ Đồng Hới là một bộ phận nằm trong tổng thể các di tích lịch sử quân sự của Đồng Hới vào thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, được xây dựng trên một vùng đất xung yếu của đường xuyên việt từ Bắc vào Nam.

Cùng với vị trí địa lý thuận lợi là phía Đông giáp với sông và cửa biển Nhật Lệ, vừa là nơi tiếp viện quân, vừa góp phần chặn đứng mũi tiến công bằng đường thuỷ của đối phương, nơi đây đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu sự thắng lợi trong công cuộc Bắc tiến của 9 đời chúa Nguyễn, kết thúc 200 năm nội chiến. Đồng thời, thành Đồng Hới còn ghi dấu nhiều chiến công của quân và dân Quảng Bình qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Thành Đồng Hới được khởi công xây dựng vào năm Gia Long thứ 10 (1812). Thành được xây trên mảnh đất năm xưa chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho dựng luỹ Trấn Ninh (hay còn gọi là luỹ Đào Duy Từ - 1631) và đồn Động Hải (1774) trong cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn.

Lúc đầu thành được xây bằng đất, đến đời vua Minh Mạng, ông đã nhờ một viên sỹ quan Pháp thiết kế lại và xây bằng gạch vào năm 1824 theo kiến trúc vô băng, mang dáng dấp thành lũy quân sự, hình mũi khế, 4 múi to, 4 múi nhỏ theo hướng tây nam-đông bắc và tây bắc-đông nam. Chu vi thành dài 465 trượng tức khoảng 1.860m cao 1 trượng tức khoảng 4m, mặt thành rộng 1,35m, móng dày 2m, mặt chính của thành quay về hướng tây. Thành có 3 cổng lớn bắc-nam-đông, trên cổng có vọng canh 8 mái, cổng thành xây cuốn kiểu tam quan thông ra ngoài bằng chiếc cầu gạch cũng xây kiểu vòm cuốn bắc qua hào.

Cửa Đông thành Đồng Hới.
Cửa Đông thành Đồng Hới.

Ngoài thành, cách chân thành khoảng 5-6m là hào rộng 7 trượng (28m), mặt ngoài thành đắp đất phụ thêm 3 trượng, thành được xây bằng gạch, vữa bằng mật mía trộn cát, không tô trát, gạch có độ nung cao, loại gạch to còn gọi là gạch vồ: có 2 loại 0,3 x 0,3 x 0,06m và 0,28 x 0,14 x 0,06m. Năm Nhâm Dần 1842, vua Thiệu Trị trên đường đi tuần du ra Bắc qua lũy Trấn Ninh đã đổi tên cũ thành tên Định Bắc Trường thành và cho tu sửa lại.

Năm 1885, thực dân Pháp đánh miền Trung, thành Đồng Hới trở thành nơi phòng ngự, phản công của quan quân nhà Nguyễn. Ngày 19-7-1885, thực dân Pháp tấn công thành Đồng Hới lần 2 và thành đã rơi vào tay Pháp. Trong phong trào Cần Vương, quân và dân Quảng Bình tham gia nghĩa quân do Nguyễn Phạm Tuân chỉ huy đã 3 lần đột nhập vào thành Đồng Hới vào tháng 1, 6, 8 năm 1886 tấn công binh lính Pháp, gây cho chúng nhiều tổn thất.

Trong thời chống Pháp, thành Đồng Hới là nơi tụ nghĩa, tụ quân, là điểm hẹn của những con người dám sống, dám hy sinh vì Tổ quốc. Phần lớn thành Đồng Hới đã bị phá hỏng trong thời kỳ Pháp thuộc. Sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, với mục đích san phẳng và huỷ diệt, biến nơi đây trở về thời kỳ đồ đá nhằm ngăn chặn sự chi viện từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã trút xuống Đồng Hới hàng vạn tấn bom đạn và phá huỷ một phần thành cổ.

Trong những ngày mưa bom bão đạn ấy, nhiều người con ưu tú của Đồng Hới đã chiến đấu và anh dũng hy sinh để bảo vệ quê hương, bảo vệ thành cổ, đó là mẹ Suốt chèo đò chở bộ đội qua sông dưới làn bom đạn, em bé Bảo Ninh tiếp đạn cho bộ đội, các cụ lão quân Đức Ninh bắn cháy máy bay Mỹ... góp phần làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trên đất Quảng Bình.

Những mất mát thương đau cũng như những chiến công vang dội của quân và dân Đồng Hới đều gắn với thành cổ. Thành cổ đã trở nên thiêng liêng  và máu thịt, là nhân chứng đặc biệt của mọi phần ký ức, nhân chứng mang trong mình thông điệp giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc đến cả mai sau.

Ngày nay thành Đồng Hới chỉ còn khoảng 1.087m với 15 đoạn dích dắc hình răng khế, đoạn thành phía nam còn lại 2/3 tương đối nguyện vẹn, đoạn thành phía đông còn 3 cổng, 2 cầu nam, bắc thành đã bị sập hoàn toàn, nhìn rõ nhất từ trên bản đồ là một hào nước xung quanh thành theo kiến trúc xưa. Mặc dù đã bị phá huỷ nhiều qua hai cuộc chiến tranh nhưng thành Đồng Hới vẫn bảo lưu được những yếu tố gốc cần thiết. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, cùng với thời gian thành Đồng Hới là nhân chứng, cũng là pho sử ghi dấu một thời kỳ đấu tranh anh dũng của người dân Đồng Hới-Quảng Bình và cả nước trong cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam yêu dấu.

Với tầm quan trọng là một di tích tồn tại hơn 200 năm, là chứng tích lịch sử quan trọng của mãnh đất Đồng Hới-Quảng Bình, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch đã xếp thành Đồng Hới là một trong 32 công trình trong danh mục dự án văn hoá trọng điểm được đầu tư từ năm 2001-2010. Sau khi được trùng tu, thành Đồng Hới không chỉ mang dáng dấp của một công trình phòng thủ quân sự với thành cao hào sâu, mà với cửa Đông trông ra sông Nhật Lệ bằng chiếc cầu kiểu vòm cuốn đã trở thành một điểm tham quan nghiên cứu của du khách khi đến với Nhật Lệ-Đồng Hới-Quảng Bình.

Phan Thị Hằng