.
Người Quảng Bình xa xứ:

Vị tướng của Trường Sơn

Thứ Sáu, 12/07/2013, 07:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Quê hương Quảng Bình là nơi chôn nhau cắt rốn của vị Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Binh đoàn 559, Phan Khắc Hy. Ông có quê nhà ở Lý Hòa, Bố Trạch. Nay đã 86 tuổi, trải qua bao bom đạn nhưng ông vẫn tráng kiện, vẫn còn nhớ như in bao địa danh trên Trường Sơn hùng vĩ.

Cuộc trở lại của lão tướng Trường Sơn

Năm 2012, Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP cùng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình và một số địa phương tổ chức cho các vị tướng lĩnh, cựu chiến binh của Binh đoàn 559 trở lại chiến trường xưa ở Quảng Bình và một phần đất Lào. Trong bóng dáng của những người tóc bạc, có một người, ai nấy đều gọi là thủ trưởng. Ấy là tướng Phan Khắc Hy.

Lúc đó ông 85 tuổi, nhưng vẫn sinh hoạt đúng giờ của chuyến hành trình, xe từ TP. Hồ Chí Minh đi ra theo hướng quốc lộ 1A, sau đó rẽ đường 9 (Quảng Trị), lên Khe Sanh, về Đồn Biên phòng Làng Ho hướng tây Trường Sơn.

Ở lại Làng Ho một đêm, ông dù tuổi cao, vẫn tham gia trại lửa cùng anh em chiến sĩ và dân bản. Rồi sinh hoạt như trong quân ngũ, đúng giờ dậy tập thể dục, đoàn đi ai cũng ngạc nhiên “thủ trưởng” của mình hẵng còn tráng kiện.

Ông kể, ngày xưa Làng Ho heo hút, con đường chỉ đi bộ, sau này các chuyến xe cơ giới đi dưới các hàng cây ngụy trang kín bóng nắng. Ông còn nhớ ngày ấy, có những chú voi rừng được thuần hóa để gùi hàng, kéo xe bị lầy. Ông cũng kể cho mọi người nghe, có bữa người Vân Kiều thu hoạch ngô, sắn, đã nấu sẵn từ rừng rậm, đưa ra cho anh em cùng ăn trước khi hành quân qua đỉnh đèo 101 để bắt đầu vượt đường 9 vào Nam. Lần trở lại này, cầm miếng sắn ăn bên vệ đường cái quan của đồng bào mang cho, lòng ông bùi ngùi khó tả, mảnh đất Làng Ho đã đổi thay với đường nhựa khang trang chạy ngang, nhưng lòng người dân bản vẫn sắt son thủy chung. Ông ôm lấy từng người chuyện trò, bao ký ức thuở đạn bom kéo về.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy cùng đồng đội thắp hương ở Lằng Khằng (Lào).
Thiếu tướng Phan Khắc Hy cùng đồng đội thắp hương ở Lằng Khằng (Lào).

Chúng tôi theo chân ông lên Cha Lo để qua Lằng Khằng của nước bạn Lào, ông chỉ nơi tảng đá bên vệ đường ngày xưa là điểm trung chuyển hàng khốc liệt. Ông bảo mọi người chú ý để tìm tảng đá đó nhằm hương khói. Xe cứ chạy, ông để mắt tìm kiếm, bên vệ đường, tảng đá hiện ra, ông bảo xe dừng, cả đoàn thắp hương theo lời kể vị tướng già trở lại Trường Sơn hùng vĩ.

Ông nói: “Ngày xưa, tảng đá có một lùm cây, là nơi nghỉ ngơi của những anh chị em bốc hàng vào buổi trưa hoặc tối, sau đó bom đạn cày xới, chỉ còn tảng đá, nhưng nay đã mọc lên một cây cổ thụ, chắc chắn là linh thiêng. Nơi này cần hương khói để nhớ về tuyến đường bên nước bạn Lào”. Và ông động viên mọi người góp chút tiền, xây cái miếu nhỏ để tưởng nhớ những người con đất Việt ngã xuống bên này mái Trường Sơn.

Chuyện đời của vị tướng

Nay ông về hưu và định cư tại TP. Hồ Chí Minh. Ngày đất nước hòa bình, ông về với gia đình với các kỷ vật yêu thương. Ông kể: “Ngày trở về đánh dấu hòa bình. Hành trang chỉ là ba lô bạc màu với tăng, võng, ăng gô, bi đông từ chiến trận. Quý nhất dưới đáy ba lô là chiếc túi nhỏ màu xanh mà vợ tôi đã tặng trong tháng ngày lên đường khi chúng tôi tìm hiểu nhau.

Trong đó chứa đầy những bức thư mà chúng tôi viết cho nhau”. Đó là những bức thư của vị tướng với người vợ của mình được viết trên các tấm giấy pơ luya gửi miết từ Hà Nội vào Trường Sơn. Nó đã theo ông suốt các chiến trường ác liệt của mọi cung đường ông đến chỉ huy. Với ông đó là động lực của hậu phương, và tình yêu thắm thiết gia đình, là nguồn động viên rất lớn để ông làm điểm tựa trên mặt trận chiến đấu.

Qua nhiều lần tiếp xúc, chúng tôi được biết, khi 18 tuổi, ông đã tham gia cách mạng với nhiệt huyết sôi nổi, dũng cảm. Là cán bộ Việt Minh bí mật, năm 1947 ông được giao nhiệm vụ là Huyện đội trưởng Huyện đội Bố Trạch và kiêm chức Bí thư Huyện ủy. Năm 1950, cấp trên tin tưởng, ông được điều động làm Tỉnh đội trưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình. Rồi cuối năm 1951 ông được đưa vào Mặt trận Bình Trị Thiên làm phái viên.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy gặp lại đồng bào Vân Kiều Làng Ho năm 2012.
Thiếu tướng Phan Khắc Hy gặp lại đồng bào Vân Kiều Làng Ho năm 2012.

Ông kể: “Vào đó nộp giấy tờ, gặp cô văn thư Hà Tĩnh dáng mảnh mai, hiền từ, giọng Hà Tĩnh ấm áp, đã gây ấn tượng”, cô gái đó là Nguyễn Thị Ngọc Lan, kém ông 5 tuổi,  người huyện Hương Khê. Từ ngày đầu tiên, ông đã cảm tình với người con gái đó. Ông kể: “Đó là người mà sau này đi suốt cuộc đời của tôi, khi chúng tôi thân nhau, cô đã nói với tôi rằng: Có lần em đọc bài thơ của thi sĩ Xuân Hồng ca ngợi mảnh đất Bố Trạch, trong đó có nói đến 3 nhân vật nổi tiếng tài giỏi của vùng này là Quách Xuân Kỳ, Đặng Tất và Phan Khắc Hy. Hôm gặp anh, xem giấy tờ, em đã nghĩ ngay những gì mọi người nói về anh thật đúng. Anh chính là thần tượng của em”.

Từ dịp đó, ông mạnh dạn viết thư thăm hỏi, và cô gái tặng ông chiếc túi màu xanh như vật làm tin, chiếc túi tự chính cô may thủ công với các đường may tỉ mỉ, trau chuốt. Một năm sau, ông ngõ ý xin cưới, cô ấy từ chối vì muốn xin phép bố mẹ. Nhưng rồi, thủ trưởng cấp trên, Chỉ huy Mặt trận, Trần Quý Hai phê bình cô khắt khe, nhưng ông vẫn gửi thư về quê cô động viên. Và nhờ chỉ huy Trần Quý Hai, cùng Chính ủy Mặt trận Chu Văn Biên, hai người thành vợ thành chồng ở chiến khu Ba Lòng vào tháng 11-1952.

Từ ngày hạnh phúc đến ngày giải phóng, hai vợ chồng ông ít khi được gần nhau, bởi chiến tranh nên mỗi người một nhiệm vụ, phải đi mỗi nơi chiến đấu. Vợ ông sau đó thành y sĩ thuộc Sư đoàn 325, rồi tốt nghiệp đại học y, và chuyển về làm việc tại Bộ Y tế. Họ liên lạc với nhau qua hằng trăm bức thư cho đến ngày hòa bình và thư ấy vẫn giữ gìn đến hôm nay.

Trong số đó, có lá thư đầu tiên ông viết ngày 3-4-1952, khi họ bắt đầu yêu nhau và lá thư viết ngày 7-5-1975. Cả thảy có 500 lá thư, theo ông thư của lính chiến trận, viết cho vợ xa là có nhớ nhung, thương yêu là lẽ thường tình, nhưng trong đó kể về bao nhiêu trận đánh, chiến công, rồi cũng chia bùi sẻ ngọt niềm vui, nỗi buồn. Và họ đã sinh hạ được ba người con. Con gái đều lấy tên Lan của mẹ: Con gái lớn là Phan Thúy Lan, Phó Tổng giám đốc Công ty thăm dò dầu khí. Con gái út là Phan Diệp Lan, tiến sĩ Luật. Con trai là đại tá Phan Thành Công, tiến sĩ khoa học. Ông muốn tên con gái như thế là để biết ơn người vợ thủy chung, đảm đang đã đưa lại hạnh phúc cho vị tướng Trường Sơn. 

Thiếu tướng Phan Khắc Hy sinh ngày 1-1-1927. Từng giữ các chức vụ: Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không Không quân, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình. 

Ông là đại biểu Quốc hội khóa VIII (1987-1992). Được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang (hạng nhất, nhì, ba), Huân chương Quân kỳ Quyết thắng. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng  vào tháng 1-1980.

                                                                       Minh Phong