.

Hướng đến xây dựng xã hội học tập

Thứ Năm, 04/05/2017, 15:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp huyện Quảng Ninh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp triển khai tích cực công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ sở; từ đó, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Hiện nay, toàn huyện Quảng Ninh có 15 Hội Khuyến học xã, thị trấn và 17 chi hội khuyến học cơ quan, đơn vị, trường học trực thuộc Huyện hội; 175 chi hội khuyến học trực thuộc Hội Khuyến học xã, thị trấn và 230 ban khuyến học dòng họ, liên gia, thu hút 22.476 hội viên tham gia, chiếm trên 24% dân số toàn huyện. Hội Khuyến học các cấp đã phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ, từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Các trung tâm học tập cộng đồng ở xã, thị trấn và các tiểu khu, thôn, bản góp phần tích cực nâng cao dân trí, mở mang nghề nghiệp, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng và thực hiện hiệu quả “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”. Phong trào xây dựng “Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập” được phát triển, nhiều mô hình mới đạt kết quả tốt trong xây dựng xã hội học tập suốt đời, thực hiện mục tiêu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Tuy nhiên, những kết quả khuyến học, khuyến tài đạt được chưa thật đồng bộ, toàn diện, chưa phát huy hết truyền thống hiếu học của quê hương Quảng Ninh. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, một số bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập suốt đời chưa được đầy đủ. Nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn chưa quan tâm đúng mức việc tổ chức và tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài. Sự phối hợp giữa Hội Khuyến học với các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội chưa đồng bộ, thiếu thường xuyên. Một số tổ chức Hội Khuyến học chưa làm tốt chức năng tham mưu, tư vấn cho cấp ủy đảng, chính quyền về nội dung, phương thức hoạt động, thiếu năng động nên chưa huy động đầy đủ toàn xã hội tham gia tích cực vào phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời mạnh mẽ, sâu rộng.

Các hoạt động hưởng ứng học tập suốt đời ở huyện Quảng Ninh mang lại hiệu quả tích cực.
Các hoạt động hưởng ứng học tập suốt đời ở huyện Quảng Ninh mang lại hiệu quả tích cực.

Đồng chí Phạm Trung Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII về nhiệm vụ “Xây dựng xã hội học tập”, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, huyện Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội và nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập suốt đời; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo đó, huyện sẽ cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng xã hội học tập ở địa phương; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” và kế hoạch của tỉnh, huyện về triển khai đại trà các mô hình học tập ở cơ sở giai đoạn 2016 - 2020.  Từ đó, phấn đấu trong năm 2017, toàn huyện có 81% gia đình được công nhận gia đình học tập, 67% dòng họ học tập, 75% cộng đồng học tập và 90% đơn vị học tập; mỗi xã có ít nhất 2 mô hình mới về xây dựng xã hội học tập...

Cùng với đó, huyện tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào học tập suốt đời, trong đó, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng, phát triển nhiều loại hình học tập đa dạng, phù hợp với điều kiện và nhu cầu học tập của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đáp ứng yêu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời để nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đồng thời, Quảng Ninh kịp thời phát hiện và có chính sách cụ thể đối với nhân tài, tài năng trẻ, khuyến khích người học có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập đạt kết quả tốt; chú trọng sơ kết, tổng kết, khen thưởng và nhân rộng các mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị có phong trào xuất sắc xây dựng xã hội học tập ở địa phương, cơ sở.

Một điều quan trọng nữa là huyện tập trung củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ, tổ chức Hội Khuyến học ở xã, thị trấn, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp. Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập, Hội Khuyến học các cấp làm nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tăng cường phối hợp với Hội Khuyến học các cấp tuyên truyền, vận động toàn xã hội tham gia phong trào xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời và đóng góp xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài...

H.Tr