.

Mô hình thực nghiệm cho học sinh Bru-Vân Kiều

Thứ Hai, 03/04/2017, 09:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhiều năm qua, Trường PTDTNT Lệ Thủy dùng ruộng lúa nước làm mô hình thực nghiệm cho học sinh. Nhà trường còn phát triển mô hình trồng rau xanh, nuôi cá, dạy nghề ươm cây, trồng và chăm sóc rừng, bồn hoa, cây cảnh, giúp các em học sinh dân tộc Bru-Vân Kiều được tiếp xúc với thực tế đời sống và sản xuất.

Trường PTDTNT Lệ Thủy được thành lập vào năm 1992, trường hiện có 142 học sinh là con em dân tộc Bru-Vân Kiều từ các bản làng vùng sâu, vùng xa. Buổi đầu, việc hướng dẫn cho các em ăn ở, sinh hoạt tập thể rất khó khăn, bởi các em xa cha mẹ, xa bản làng, nếp sống tập thể ở trường khác hẳn với lối sống ở làng bản. Chính vì vậy, cùng với tình thương yêu, gần gũi, động viên của các thầy cô giáo, Ban giám hiệu nhà trường đã có kế hoạch phát triển mô hình trồng lúa nước trên ruộng thí nghiệm; dạy các em trồng rau xanh, nuôi cá, ươm cây, trồng và chăm sóc rừng... để học sinh vừa được học cái mới bổ ích, vừa đỡ nhớ nhà, gắn bó với mái trường hơn.

Thực hiện ý tưởng, nhà trường đã chủ động bàn bạc với UBND xã Mai Thủy xin được 1.000m² ruộng lúaở cạnh trường phục vụ cho việc học tập làm lúa nướccủa học sinh lớp 8, lớp 9. Làm ruộng lúa nước đơn giản với bà con nông dân ở đồng bằng, nhưng với các em người Bru - Vân Kiều thì lại rất mới mẻ. Những ngày vào vụ, ruộng lúa của trường là nơi đông vui nhất. Các em lớp 8, lớp 9 được lội ruộng bùn, được học cách thức làm đất, ngâm ruộng, tháo nước, gieo lúa, rồi đến tỉa dặm lúa.... Các em lớp dưới chưa được học thì theo chân anh chị ra ruộng quan sát. Cứ mỗi lần đến tiết học trồng lúa là các em lại tay cuốc, tay cào ra ruộng như các cô, các bác nông dân thực thụ.

Và dưới cái nắng hè oi ả của mùa thu hoạch lúa, các cô cậu học trò lại theo chân thầy cô đi gặt. Những học sinh lớp 6 chưa biết gặt thì đi nhặt những nhánh lúa còn sót lại... Gặt xong, cả sân trường rộn rã niềm vui cùng tiếng máy tuốt lúa, phơi lúa nhộn nhịp. Ngoài việc dạy trồng lúa nước, nhà trường đã tận dụng những diện tích đất còn lại trong khuôn viên để hướng dẫn cho các em trồng rau màu, như: bí xanh, rau cải, rau muống, khoai lang. Tất cả những sản phẩm từ ruộng lúa, từ luống rau xanh đều phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của các em.

Dạy học sinh biết trồng lúa nước, trồng rau là giải pháp thực hiện có hiệu quả phương châm giáo dục “học đi đôi với hành” và để cho con em Bru - Vân Kiều từng bước tiếp cận với nền văn hóa chung, qua đó, cũng thể hiện sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ, viên chức nhà trường trong việc bám sát mục tiêu của ngành giáo dục.

Từ khi thành lập trường đến nay, đã có trên 50% học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển về học tại Trường PTDTNT tỉnh, số còn lại được phân luồng học nghề, hoặc trở về địa phương lao động sản xuất. Nhiều học sinh đã trở thành cán bộ chủ chốt Bí thư, Chủ tịch, Phó chủ tịch 3 của xã miền núi Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy. Các em đều phát huy được năng lực bản thân trong quá trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng bản làng quê hương.

Đình Hoàng
(Đài TT-TH Lệ Thủy)